Đề nghị niêm yết kê khai tài sản của cán bộ tại nhà văn hóa để dân giám sát

14/10/2023 17:02 GMT+7

Cử tri đề nghị niêm yết bản kê khai tài sản của cán bộ ngay tại trụ sở nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố để nhân dân theo dõi, giám sát.

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung được đề cập là công tác kê khai tài sản, thu thập.

Cử tri cho rằng nên quy định việc kê khai và công khai tài sản của tất cả cán bộ, công chức, lãnh đạo các cấp; đồng thời thực hiện niêm yết tại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, trụ sở cơ quan xã và nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để nhân dân thuận tiện trong việc theo dõi, giám sát.

Đề nghị niêm yết tài sản của cán bộ tại nhà văn hóa để dân giám sát - Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác kê khai tài sản, thu nhập

TUYẾN PHAN

2 hình thức công khai

Trả lời kiến nghị trên, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc kê khai tài sản, thu nhập hiện được quy định từ điều 32 đến điều 40 của luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và quy định chi tiết tại Nghị định số 130/2020.

Theo quy định tại điều 11 Nghị định 130/2020, bản kê khai của người phải kê khai tài sản, thu nhập sẽ được công khai bằng cách niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc tại cuộc họp, tương ứng với chức vụ mà người đó nắm giữ.

Ví dụ: người giữ chức vụ phó tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại cơ quan T.Ư thì niêm yết tại trụ sở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên.

Bản kê khai được công khai chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.

Chưa hết, việc niêm yết phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ các bản kê khai được niêm yết có chữ ký xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đại diện tổ chức công đoàn.

Nếu công khai bản kê khai tài sản tại cuộc họp, cuộc họp đó phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập. Biên bản cuộc họp ghi lại những ý kiến phản ánh, thắc mắc và giải trình về nội dung bản kê khai (nếu có)…

Đề nghị niêm yết tài sản của cán bộ tại nhà văn hóa để dân giám sát - Ảnh 2.

Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ là một trong những nội dung quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng (ảnh minh họa)

T.N

Đề xuất cơ chế xử lý hình sự hành vi làm giàu bất hợp pháp

Thanh tra Chính phủ cho hay, để siết chặt các quy định về kê khai tài sản, góp phần tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 390/2022 phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đây là dữ liệu quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.

Cơ sở dữ liệu này còn thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, thực tiễn các nội dung liên quan để đề xuất cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp.

Đây cũng chính là biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và siết chặt việc kê khai tài sản, thu nhập.

Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có chức năng sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định.

54 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực

Từ 1.10.2022 - 31.7.2023 đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; 44.015 người kê khai tài sản, thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ.

Qua xác minh đối với 13.093 người, cơ quan chức năng xác định có 2.664 trường hợp vi phạm, sai sót (kê khai sai mẫu, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn…).

Đặc biệt, 54 người bị xử lý kỷ luật do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử, kỷ luật cảnh cáo, cách chức…).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.