Đề xuất người lao động được quyền thương lượng mức lương xứng đáng

Thu Hằng
Thu Hằng
30/11/2023 19:47 GMT+7

Bộ LĐ-TB-XH cần có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thương lượng đưa nội dung tiền lương vào trong thỏa ước lao động tập thể và phân loại, định danh công việc, nhóm công việc để người lao động được quyền thương lượng mức lương xứng đáng với công sức của họ.

Đề xuất trên được bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yazaki EDS (Bình Dương), nêu lên tại diễn đàn "Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc", do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức chiều 30.11, trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Đề xuất cho người lao động được quyền thương lượng mức lương xứng đáng - Ảnh 1.

Diễn đàn "Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc"

T.H

Ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, việc phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc có chuyển biến tích cực, 98,8% doanh nghiệp nhà nước và 64,93% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật. 

Đáng chú ý, có 99,07% doanh nghiệp nhà nước và 67,96% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ngày càng được chú trọng. Đến nay, đã có 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp được ký mới, đạt tỷ lệ 72,12% (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ). Trong đó, tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên là 48,2% (tăng 19,6% so với đầu nhiệm kỳ); ký kết 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, 3 thỏa ước lao động tập thể ngành, mang lại lợi ích cao hơn luật cho hơn 7 triệu lao động.

Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, giữ ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, theo bà Hà, công tác đối thoại, thương lượng thỏa ước lao động tập thể vẫn còn những tồn tại, hạn chế. "Hoạt động tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại tỷ lệ còn thấp, nhiều nơi còn hình thức; thỏa ước lao động tập thể có độ bao phủ chưa rộng, nhiều bản thỏa ước chất lượng còn thấp. Đặc biệt, thỏa ước lao động tập thể ngành giảm sút về số lượng đơn vị tham gia, hết hạn chưa được ký kết lại. Thỏa ước có nhiều doanh nghiệp tham gia còn manh mún, khả năng mở rộng thấp…", bà Hà nói.

Công đoàn cần thể hiện rõ vai trò trong Hội đồng Tiền lương quốc gia

Từ thực tế đồng hành, chia sẻ với người lao động, bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yazaki EDS (Bình Dương), cho rằng để việc đối thoại, thương lượng ngày càng thiết thực, hiệu quả, Chính phủ cần có giải pháp để các tập đoàn, nhà đầu tư, đối tác, các nhãn hàng nước ngoài thúc đẩy việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, quyền của người lao động tại nơi làm việc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là vấn đề trả mức lương đủ sống cho người lao động.

Đồng thời, bà Nhung cũng đề nghị Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thương lượng đưa nội dung tiền lương vào thỏa ước lao động tập thể và phân loại, định danh công việc, nhóm công việc để người lao động được quyền thương lượng mức lương xứng đáng với công sức của họ.

Trước những dự báo, trong nhiệm kỳ tới, có những sự thay đổi lớn về quan hệ lao động đặt ra nhiều vấn đề mới, thách thức với tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhiều đại biểu đánh giá công tác đối thoại, thương lượng tập thể của tổ chức công đoàn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Ông Dương Đại Lộc, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tập trung tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng đối thoại, đàm phán, thương lượng cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước, trang bị cơ bản kiến thức pháp luật lao động và công đoàn, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác chính sách, pháp luật và quan hệ lao động đủ năng lực để hỗ trợ cán bộ công đoàn trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể.

"Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở phải có năng lực tập hợp quần chúng, liên hệ mật thiết với đoàn viên, người lao động; am hiểu về luật pháp, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động; nhiệt tình, trách nhiệm với công tác; có kỹ năng trong hoạt động, nhất là kỹ năng trong việc đối thoại, thương lượng tập thể để giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động...", ông Lộc nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết hoạt động thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể có sự gia tăng về số lượng. Đến nay, tổng số thỏa ước được ký kết đến hết năm 2022 là 42.000 bản, bao phủ hơn 6,19 triệu lao động. Các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới.

Để thúc đẩy hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, đại diện Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng tổ chức công đoàn cần tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại 3 bên ở các cấp, đồng thời thể hiện rõ vai trò là tổ chức đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia và Ủy ban Quan hệ lao động; mở rộng độ bao phủ gắn với nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể; trọng tâm là tiền lương, thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.