Đến Hội An tìm ăn bánh vạc

11/09/2013 09:27 GMT+7

Bánh vạc có mặt trong thực đơn rất nhiều các nhà hàng quán ăn ở Hội An, và ngon nhất có lẽ vẫn là được ăn bánh vạc trên đường Nhị Trưng, lúc bánh vừa ra lò.

Bánh vạc còn có tên gọi là bánh hoa hồng trắng, bởi hình dáng bên ngoài trông giống những đóa hoa hồng màu trắng. Ở Hội An (Quảng Nam) bánh vạc đã trở thành đặc sản mà khách du lịch đến đây luôn tìm để được thưởng thức.

>> 3 món ngon khó cưỡng ở Hội An
>> Mặn mà cơm gà Hội An

Bánh vạc có mặt trong thực đơn rất nhiều các nhà hàng quán ăn ở Hội An, và ngon nhất có lẽ vẫn là được ăn bánh vạc trên đường Nhị Trưng, lúc bánh vừa ra lò. Phần lớn các hộ gia đình trên đường Nhị Trưng sản xuất các loại bánh, trong đó có bánh vạc để cung cấp cho các nhà hàng quán ăn trong khu Phố cổ Hội An.

Đến Hội An tìm ăn bánh vạc 1
Nụ cười dễ thương của nhân viên nhà hàng bán bánh vạc trên phố cổ để lại trong
lòng tôi nhiều ấn tượng đẹp về một Hội An hiếu khách

Nguyên liệu chính để làm bánh vạc là tinh bột gạo, nhưng để có được dĩa bánh vạc như ý thì bột gạo phải được lọc đi lọc lại nhiều lần. Gạo vo kỹ, ngâm nước nửa ngày cho ngấm đủ nước, xả lại nước lạnh nhiều lần rồi mới xay thành bột. Ngâm bột với nước, sau đó để bột lắng xuống, đổ nước trong ở trên mặt, cứ lắng bột như thế khoảng 10 lần cho bột thật trong mới thôi. Bột càng lọc kỹ thì bánh mới dai, ngon, không bị vỡ mà chẳng cần phải bỏ thêm hàn the như nhiều người vẫn nghĩ. Tiếp tục trút bột vào trong một cái túi vải, treo lên cho ráo (khô)  hết nước, hoặc muốn nhanh thì dùng một tấm gỗ ép chặt bột để nước chảy ra. Bột ráo nước lột túi vải cho bột vào trong một cái thau. Đến giai đoạn nhồi bột là cả bột bí quyết của người làm bánh vạc ở Nhị Trưng. Chỉ biết rằng bột nhồi đến khi dẻo quạnh, lấy một miếng bột nhỏ, dàn mỏng trên tay thấy trong là được.

Nhân bánh vạc chủ yếu làm từ tôm tươi, hay thịt xay nhuyễn trộn với tiêu, hành, nấm mèo, muối, nước mắm… tất cả được xào chín theo kiểu truyền thống, hoặc để sống theo cách làm hiện nay (để nhân được đẹp, nên viên nhân thành những viên tròn rồi bọc ở bên ngoài bằng một lớp bột sắn dây mỏng, hấp chín cho trong). Bột lấy lượng vừa khéo, cán mỏng, rồi cho nhân lên trên, ấn nhẹ để nhân dính chặt vào vỏ bánh. Xếp bánh vào vĩ hấp khoảng 5 đến 7 phút, bánh chín sẽ trắng trong trông rất hấp dẫn.

Dọn bánh vạc ra dĩa rắc thêm hành phi lên trên, chấm kèm nước mắm ớt được pha thật khéo để không nhạt cũng không mặn quá. Nhâm nhi miếng bánh vạc trong miệng, vị ngọt của nhân thịt tôm, giai giòn của vỏ bánh, thơm của hành phi, cay cay, mặn mặn của ớt và nước mắm…hòa quyện trong miệng, ăn một dĩa rồi, sẽ muốn gọi thêm nhiều dĩa bánh vạc nữa.

 

Cùng ngắm các công đoạn làm bánh vạc nhé:

 Đến Hội An tìm ăn bánh vạc 2
Bột để làm bánh vạc chỉ dùng tinh bột gạo, bột càng lọc kĩ thì bánh càng dai và ngon. Nhân bánh làm từ
tôm và thịt nạc có thể xào chín theo cách truyền thống hoặc để sống

Đến Hội An tìm ăn bánh vạc 3
Qua bàn tay khéo léo của người thợ những chiếc bánh vạc hình hoa hồng trắng được xếp đều trên dĩa

Đến Hội An tìm ăn bánh vạc 4
Bánh được hấp trên vĩ khoảng từ 5 – 7 phút là chín, nếu hấp lâu bánh sẽ chín quá, nhìn không đẹp mắt

Đến Hội An tìm ăn bánh vạc 6
Khi ăn bánh vạc thường đi kèm với bánh bao nhân giá đậu xào chung với thịt,
rắc thêm chút hành phi lên trên, chấm kèm nước mắm ớt

 

 

Đoàn Xuân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.