Đến những con hẻm sâu từng có cháy ở TP.HCM: Bà con chủ động PCCC thế nào?

20/09/2023 12:05 GMT+7

Những con hẻm nhỏ, sâu hút ở TP.HCM từng xảy ra nhiều vụ cháy khiến không ít người bất an. Nhiều năm sau những vụ cháy nói trên, hiện người dân sống trong hẻm PCCC như thế nào?

"Nhớ hoài vụ cháy năm đó…"

Đã 5 năm trôi qua, nhưng ông Thao, sống trong hẻm 170 đường Bến Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) vẫn chưa hết ám ảnh vụ cháy xảy ra trưa 16.4.2018. 5 năm rồi nhưng ông vẫn nhớ như in rằng: trong lúc đang mở bình xăng xe máy để kiểm tra thì bất ngờ lửa bùng lên khiến ông bị bỏng nặng, lửa theo đó cũng lan khắp nhà, cháy luôn xe máy.

Nhà hẻm sâu từng bị cháy ở TP.HCM, hiện cư dân PCCC như thế nào? - Ảnh 1.

Đã nhiều năm trôi qua, ông Thao (áo đen) vẫn chưa quên vụ hỏa hoạn trong căn nhà của mình.

CAO AN BIÊN

“Sau đó, tôi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nằm trong đó suốt 20 ngày liền mới trở về. Tỉnh dậy thì mới biết lửa lan nhanh, người dân, hàng xóm xung quanh thấy vậy thì xúm lại dập lửa", ông Thao kể.

Nghe vậy, ông Trần Hùng (76 tuổi), sống đối diện nhà ông Thao cũng cho biết ông nhớ hoài vụ cháy năm đó, khi khói trong nhà người hàng xóm bốc lên nghi ngút cùng tiếng hô hoán, ông đã nhanh chóng lấy vòi nước có sẵn, cùng bà con dập lửa.

Thiết bị PCCC khan hàng sau vụ cháy chung cư mini: 'Giống như mua bảo hiểm y tế cho gia đình'

“Vì nhà trong hẻm nhỏ nên xe cứu hỏa không thể chạy vào, đậu phía trước hẻm. Trong lúc chờ cứu hỏa thì mình phải tự cứu lấy mình, dập lửa từ lúc đầu, không lan sang nhà tôi thì khổ. May mắn là nhờ sự đồng lòng của mọi người cùng sự giúp đỡ của lực lượng chức năng, đám cháy được khống chế mà không thiệt hại gì về người", ông chỉ sang nhà hàng xóm, kể lại.

Sau vụ cháy lần đó, cả ông Thao và ông Hùng đều cho biết bản thân rất bất an về vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ khi sống ở nhà trong hẻm nhỏ. Đó là lý do mà mọi người ở đây đều bảo ban nhau làm gì cũng cẩn thận, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra vì “phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Nhà hẻm sâu từng bị cháy ở TP.HCM, hiện cư dân PCCC như thế nào? - Ảnh 2.

Theo nhiều người dân, những con hẻm nhỏ khi xảy ra hỏa hoạn rất khó để lực lượng chức năng tiếp cận.

CAO AN BIÊN

Nhà hẻm sâu từng bị cháy ở TP.HCM, hiện cư dân PCCC như thế nào? - Ảnh 3.

Nhiều gia đình trong hẻm sâu bất an về cháy nổ nên cảnh giác cao trong việc "phòng cháy".

CAO AN BIÊN

Theo lời ông Thao, sau vụ cháy, gia đình ông trở về cuộc sống thường nhật, mang theo nhiều vết sẹo của vụ cháy còn để lại trên người. Tuy nhiên, từ ngày đó cho tới nay, ông vẫn không trang bị bình chữa cháy hay các thiết bị chuyên dụng hoặc có các biện pháp phòng cháy chữa cháy dự phòng.

“Những cái bình chữa cháy mình để đó mấy năm, cuối cùng không dùng cũng không xài được. Điều quan trọng là mình ý thức, phòng ngừa không để cháy xảy ra thôi. Nếu mà có cháy, nhà trong hẻm như vậy chỉ có nước dập lửa trước rồi báo cho lực lượng chức năng, nhắm không được thì chạy để giữ mạng.

Nghĩ cho cùng, mạng sống là quan trọng nhất. Ngoài việc đó ra tôi cũng không biết phải phòng hay chữa cháy như thế nào”, ông Hùng nói, nghe vậy, ông Thao cũng đồng tình.

Công an TP.HCM tổng kiểm tra chung cư, nhà cao tầng, chung cư mini

Bất an

Sâu phía bên trong hẻm 277, đường hẻm nhỏ xíu 2 chiếc xe máy phải chật vật mới có thể chạy qua nhau, là nơi mà gia đình ông Nguyễn Văn Tài (78 tuổi) sống từ xưa đến nay. Cụ ông cho biết từ nhỏ tới lớn sống ở hẻm này, ông từng chứng kiến không ít vụ cháy.

“Những vụ ban ngày thì mọi người phát hiện sớm, cùng nhau dập lửa. Còn ban đêm, nguyên nhân chủ yếu do chập điện. Lúc đó, người ta lo dọn đồ chạy thoát thân”, ông nói.

Nhà hẻm sâu từng bị cháy ở TP.HCM, hiện cư dân PCCC như thế nào? - Ảnh 4.

Ông Tài luôn có bình chữa cháy trong nhà, phòng khi sự cố xảy ra.

CAO AN BIÊN

Căn nhà cụ Tài rộng 24 m2, là nơi 6 thành viên trong gia đình sinh sống bao gồm vợ ông và 4 người con. Từ lâu, hỏa hoạn, nhất là hỏa hoạn trong những con hẻm sâu như vậy đã trở thành nỗi bất an thường trực của ông.

Đó cũng là lý do mà gia đình ông lúc nào cũng có một bình chữa cháy mini dựng phía trước nhà và 1 năm sẽ thay một lần để đảm bảo việc sử dụng chúng hiệu quả nếu có trường hợp không may xảy ra.

Bên cạnh đó, ông Tài cũng cho biết gia đình mình vô cùng cẩn trọng trong việc sử dụng các thiết bị điện, nhà bếp, tránh gây cháy nổ hay hỏa hoạn vì ông cho rằng phòng cháy hơn là chữa cháy. Không may, nếu đám cháy xảy ra trong hẻm theo ông sẽ rất nguy hiểm và lực lượng PCCC cũng sẽ khó tiếp cận hơn so với nhà ngoài đường lớn hay những con hẻm lớn hơn.

“Hồi xưa, tôi thấy có diễn tập PCCC, nhưng nhiều năm qua ở hẻm, người dân cũng không có diễn tập. Nếu được tập trước thì mọi người sẽ có kinh nghiệm hơn, cũng biết cách xử lý nếu có sự cố không may", ông nói thêm.

Nhà hẻm sâu từng bị cháy ở TP.HCM, hiện cư dân PCCC như thế nào? - Ảnh 5.

Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, ông Hùng càng cảnh giác hơn trong việc PCCC.

CAO AN BIÊN

Còn ông Trần Hùng (63 tuổi), sống cùng gia đình 6 người trong con hẻm 277 đường Đoàn Văn Bơ (Q.4) cũng cho biết ám ảnh về cháy nổ trong hẻm nhỏ cũng luôn ở trong đầu ông. Được biết, một ngôi nhà trong hẻm này từng xảy ra hỏa hoạn cách đây nhiều năm.

“Tôi sống ở đây từ nhỏ, nhưng nhiều năm nay lập nghiệp ở Tây Ninh. Đầu năm nay, tôi về lại nhà để tiện chăm sóc cho mẹ già. Bình thường, tôi cũng không để ý tới việc phòng cháy, cho tới khi vụ việc cháy chung cư mini ở Hà Nội xảy ra tôi bắt đầu bất an, bàn với các em mua bình chữa cháy cho an tâm. Nhà mình ở hẻm nhỏ, nằm xa so với đường lớn, lỡ có chuyện gì xảy ra thì nguy hiểm vô cùng", ông bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.