Đi tìm lai lịch chợ Đầm Nha Trang: Dựng chợ bên đầm

06/12/2023 07:37 GMT+7

Những tài liệu lưu trữ mới khảo cứu cho thấy quá trình tái thiết của chợ Đầm vào đầu thập niên 1970 đã làm thay đổi bộ mặt trung tâm đô thị duyên hải Nha Trang. Đây là công trình biểu tượng và dấu mốc phát triển của một đô thị.Lần đầu tiên các sử liệu về lai lịch ngôi chợ có số phận đặc biệt này được nêu chi tiết và sáng rõ...

Nói về lai lịch, tiền thân chợ Đầm, cần lùi về những năm đầu thế kỷ 20.

Một bản ghi chép về Nha Trang

Hơn một thế kỷ trước, một phụ nữ Anh tên Gabrielle Maud Vassal theo chồng là bác sĩ quân y Joseph Jean Vassal đến làm việc tại Viện Pasteur. Họ làm hàng xóm, ở chung khu nhà với bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin; sống tại Nha Trang từ khoảng 1904 - 1907.

Bà Vassal đã có những ghi chép tỉ mỉ bằng tiếng Anh về chủ đề cuộc sống, khung cảnh, phong tục... vùng Khánh Hòa và những tỉnh lân cận, kể cả cao nguyên Lâm Viên vào những cuốn sổ tay. Đó là chất liệu mà về sau, bà tập hợp và cho xuất bản cuốn sách có tên  On and off duty in Annam (ấn hành tại London năm 1910), hai năm sau thì bản tiếng Pháp Mes Trois Ans d'Annam do chồng bà dịch, xuất bản tại Paris.

Đi tìm lai lịch chợ Đầm Nha Trang: Dựng chợ bên đầm - Ảnh 1.

Những người phụ nữ Chăm bán gốm tại chợ Nha Trang (khoảng 1904 - 1907)

Gabrielle Maud Vassal

Nha Trang đầu thế kỷ 20 trong các ghi chép của bà Vassal - không chỉ bằng chữ viết mà còn bằng hình ảnh - thực sự quý giá. Trong cuốn sách nói trên, Nha Trang vào năm 1904 chỉ như một làng chài có khoảng 3.000 người. Ngoài người Việt, thị tứ này còn có những hàng quán của người Hoa, có sự hiện diện khá rõ nét của người Chăm trong sinh hoạt buôn bán hằng ngày và có sự xuất hiện của người Pháp qua những cơ quan nghiên cứu và hành chính thời thuộc địa vừa được xây dựng (bưu điện, tòa nhà hành chính, Viện Pasteur, nhà của bác sĩ Yersin...).

Chợ Nha Trang được mô tả nằm cạnh một cái đầm nước rộng, gần cửa biển, có lẽ để tiện di chuyển hàng hóa và giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy.

Tác giả Trần Đăng Hồng, trong bài Nha Trang ngày xưa (đăng trên vietsciences.free.fr) cũng dẫn lại bút ký của Gabrielle Maud Vassal để xác định vị trí chợ Nha Trang cũ: "... năm 1904, Nha Trang có 3 đầm nước, đứng ở Tháp Bà nhìn thấy rõ 3 đầm này. Hai đầm ở hai bên quốc lộ 1, nhỏ và cạn, sau này dần dần bị lấp, canh tác rau muống (địa danh Rọc Rau Muống), còn ít dấu vết đầm lầy khoảng 1950, và hoàn toàn không còn dấu vết vì xây dựng nhà cửa như hiện nay. Đầm lớn nhất là vị trí chợ Đầm Nha Trang ngày nay, có một đoạn có bờ lát đá. Chung quanh đầm là "Quai du Marché" - đường Bến Chợ. Trước 1950, đầm rất sầm uất với ghe buôn bán tấp nập. Ở phía bắc đầm có bến bán tre, lò o, nên có xóm Lò O (ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến Chợ)...".

Từ hình ảnh và kể cả các ghi chép trong bút ký của bà Vassal về chợ Nha Trang cũ, ta có thể nhận thấy tuy chợ được chính quyền thuộc địa tại đây cho xây, nhưng thói quen buôn bán kiểu chợ làng dân gian Việt Nam vẫn biểu hiện rõ. Khu chợ Nha Trang không chỉ "gói gọn" trong không gian có mái che, mà các hàng xén, hàng nước, đồ khô và gốm... còn tràn ra bên ngoài, mọc lộ thiên và tự phát trên lề đường và dưới những chái tranh dọc Bến Chợ.

Nhận diện chợ Nha Trang đầu thế kỷ 20

Trong một bức ảnh bà Gabrielle M. Vassal ghi lại góc bên hông chợ Nha Trang, có thể nhận thấy những phụ nữ Chăm bán gốm, xa xa là những khu sạp hàng chái tranh và xa hơn là con đường chen chúc cảnh trao đổi, bán mua nhiều mặt hàng rong. Hình ảnh ứng với những mô tả đầy sống động và không giấu được cái nhìn hiếu kỳ, hài hước của một người nơi khác đến trong cuốn Three Years in Vietnam (Bản tiếng Việt: Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước, do Nguyễn Nam Huân dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2015):

"Nha Trang tự hào có một cái chợ xây bằng xi măng và lợp ngói tuyệt đẹp. Nhưng vì bị bắt phải trả mấy xu tiền thuê chỗ nên mấy bạn hàng dọn hàng bên ngoài chợ, trên đất khô hay bùn sình. Tháng mười một, lúc mưa gió nhiều nhất, đất chung quanh chợ biến thành một cái hồ nước rộng. Khi đó họ đành phải vô đụt mưa trong chợ. Dù có mưa gió bão bùng hay lụt lội tơi bời, mấy chị đàn bà đi không sót một ngày chợ nào. Có thể nói lúc đó sao mà chợ đông đảo như vậy! Biết đâu họ thấy ngồi trên ghe nhỏ hay lội trên những con đường nước ngập tới ngực là điều thú vị chăng (...)".

Một bức ảnh khác, cũng của bà Vassal cho thấy bờ đầm vòng cung hôm nước dâng, nhưng cảnh họp chợ vẫn đông đúc chen chúc.

Thói quen đi chợ của cư dân (đa số là đàn bà) ở khu chợ Nha Trang được lữ khách người Anh này đặc tả chi tiết: "Mỗi ngày có hai phiên chợ: một vào buổi sáng và một vào buổi chiều. Nhưng thời biểu thì chỉ phỏng chừng thôi. Vì khi người này tới thì người kia về đó mà. Mấy người phụ nữ gánh về một gánh cũng nặng như lúc gánh ra chợ. Vì có bán ra thì họ cũng có mua vô. Lẹ làng, họ dọn dẹp để về nhà".

Cảnh những phụ nữ đội nón gánh hàng đi chợ hỏi han, chuyện trò cho quên mệt nhọc, cảnh khiêng heo, bán vịt ở chợ cũng được kể lại như sự lạ hiếm có trong cuốn sách phác họa đời sống Nha Trang thuở ban đầu.

Và tại khu chợ duyên hải này, bà Tây hồi đầu thế kỷ cũng không quên ghi lại cái sự ồn ào và mùi chợ đặc trưng: "Không thường đi chợ là một thiệt thòi lớn đó. Thế nhưng cái cảnh người bán hàng ngồi dưới đất, hàng họ bày biện chung quanh cũng như các mùi cá khô, mùi nước mắm, mùi choum-chuom (rượu đế), pha lẫn với mùi thơm của trái cây, rau cỏ, không làm ta thèm ăn tí nào. Tiếng ồn ào thật đinh tai nhức óc. Người buôn bán nói không lúc nào ngừng. Phải rống hết lồng ngực thì may ra người bên cạnh mới biết mình nói gì...". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.