Điểm sáng từ Hội nghị An ninh Munich 2024

Khánh Như
Khánh Như
19/02/2024 07:09 GMT+7

Sau 3 ngày thảo luận, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60 tại Đức với ý tưởng về tầm nhìn mới cho trật tự thế giới đã chính thức khép lại hôm qua.

Sự tham gia của các nước nam bán cầu

MSC là cơ hội để thảo luận về các vấn đề an ninh cấp bách trên toàn cầu. Theo Đài DW, mặc dù trọng tâm vẫn là các cuộc xung đột Nga - Ukraine và Hamas - Israel, điểm đáng chú ý ở hội nghị lần này là sự hiện diện của các nước nam bán cầu. Dù đến từ châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ, hầu hết các nước đều có đại diện đưa ra quan điểm của mình.

Điểm sáng từ Hội nghị An ninh Munich 2024- Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt tay Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tại Hội nghị An ninh Munich hôm 17.2

Ảnh: Reuters

Đối với cựu Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar, việc nhiều nước tham gia hơn đồng nghĩa sẽ có nhiều ý tưởng hơn, bởi trước đây các cuộc thảo luận chủ yếu là giữa các lãnh đạo phương Tây. Theo bà, những nước đang phát triển cũng nói về vấn đề an ninh nhưng họ đang thực hiện theo cách "đa dạng hơn một chút". Bà lập luận rằng quan điểm đến từ những khu vực "ngoài phương Tây" là rất quan trọng khi xây dựng các chiến lược, đường hướng mới cho thế giới.

Đây cũng là cách nhìn nhận của cựu Ngoại trưởng Kenya Raychelle Omamo. Chia sẻ với Đài DW, bà nói việc có càng nhiều tiếng nói từ khắp nơi trên thế giới thì các cuộc thảo luận càng thú vị và giải pháp đưa ra sẽ thêm phần đa dạng.

An ninh quốc phòng thế giới sẽ diễn biến ra sao?

Mở rộng khái niệm an ninh

Khái niệm về an ninh cũng được nhìn nhận theo phạm vi rộng lớn hơn tại hội nghị lần này. Ngoài các cuộc xung đột, các bên tham dự đã nhấn mạnh mối đe dọa khác đối với an ninh toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu và di cư do môi trường sống bị hủy hoại. Đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà người dân trên thế giới phải đối mặt và đang tác động mạnh hơn đến nam bán cầu.

Theo bà Ambika Vishwanath, đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu địa chính trị Kubernein Initiative ở Ấn Độ, an ninh không còn có nghĩa giống như trước đây. Bà cho rằng khái niệm này không còn gói gọn trong quốc phòng và quân sự, mà bao trùm những vấn đề có liên quan trực tiếp con người, bao gồm nước, thực phẩm và sức khỏe.

Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện bên lề MSC, Ngoại trưởng Bangladesh Hasan Mahmud nói "không có lựa chọn nào khác" ngoài củng cố quan hệ đối tác toàn cầu, hành động tập thể và tài trợ đầy đủ để tất cả quốc gia có thể đối phó tác động của biến đổi khí hậu. Theo ông, khoản tài trợ về khí hậu cho các nước đang phát triển đang dần bị thu hẹp, và yêu cầu đặt ra bây giờ là đảm bảo đủ nguồn tài chính để các nền kinh tế này có đủ khả năng phục hồi trước các thảm họa thiên nhiên, Hãng thông tấn Bangladesh Sangbad Sangstha đưa tin.

Điểm xung đột: Mỹ lại ước tính tổn thất của Nga, Israel bác yêu cầu 'ảo tưởng' của Hamas

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức chưa được tháo gỡ kể từ MSC năm ngoái, bao gồm việc bảo vệ quyền cho người dân Afghanistan, nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Trước vấn đề này, Hãng thông tấn Khaama Press đưa tin ngoại trưởng từ 12 quốc gia ở châu Á - Âu - Mỹ đã thúc giục chính quyền Taliban tuân thủ luật nhân quyền quốc tế và ngừng phân biệt đối xử đối với các nhóm yếu thế. Lời kêu gọi hành động nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia trong việc yêu cầu Afghanistan thực thi các công ước quốc tế.

Nơi Mỹ trấn an đồng minh

Theo tờ Kyiv Post, một phần MSC năm nay bị phủ bóng bởi các phát biểu mang tính đe dọa của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan đến ngân sách phòng vệ, cũng như việc quốc hội nước này chưa duyệt gói viện trợ quân sự cho nước ngoài. Do đó, các nhân vật cấp cao của Mỹ bao gồm Phó tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas đã có các thông điệp nhằm "trấn an" các đồng minh của Washington.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.