Điện ảnh Việt bao giờ thay đổi?

10/03/2012 03:57 GMT+7

Sáng 8.3, tại Hà Nội diễn ra cuộc hội thảo mang chủ đề: Một thập kỷ điện ảnh VN - Nhìn lại và đánh giá, do Hội Điện ảnh VN tổ chức.

Sáng 8.3, tại Hà Nội diễn ra cuộc hội thảo mang chủ đề: Một thập kỷ điện ảnh VN - Nhìn lại và đánh giá, do Hội Điện ảnh VN tổ chức.

Mòn với lối cũ

Hội thảo bàn về chuyện thiếu nguồn nhân lực, kinh phí, kịch bản hay, vẫn trông chờ vào những kế sách, chiến lược phát triển điện ảnh mới... những vấn đề “muôn năm cũ”, được nêu ra quá nhiều lần, mà vẫn chẳng thể thay đổi được điều gì. Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn đã thốt lên: “Cách làm phim của chúng ta vẫn chưa thể đồng hành với khu vực và thế giới. Mười năm qua, những nhà biên kịch cần xem lại đã có cách kể chuyện, dàn dựng nào mới chưa. Cũng như vậy, các nhà quay phim, thực hiện âm nhạc, âm thanh cho phim, cho tới diễn viên phải xem mình đã thay đổi được gì”. Thật ra, nhận định đấy chỉ đúng với những hãng phim ít hoặc chưa chịu thay đổi. Đa phần phim Việt hiện nay, đặc biệt do Việt kiều về nước sản xuất đã có những bước tiến đáng kể về lối dẫn chuyện, thực hiện kỹ xảo hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, thậm chí làm cả phim 3D không thua phim ngoại nhập.

Thay đổi từ những điều nhỏ

Liệu rằng, trong thập kỷ tới, điện ảnh Việt sẽ có diện mạo mới? Thay đổi được cả nền điện ảnh, có lẽ hãy nên bắt đầu từ những thay đổi nhỏ.

Chẳng hạn như muốn kích thích nguồn kịch bản điện ảnh, theo nhà biên kịch Bành Mai Phương, nên có những sân chơi nuôi dưỡng cảm xúc cho những nhà biên kịch trẻ, như chương trình phim truyền hình dài tập, hay kênh riêng của điện ảnh Việt trên truyền hình. Kịch bản có đầu ra cố định, liên tục, sẽ tạo hứng khởi cho các tác giả trẻ, trong đó có các sinh viên điện ảnh.

 
Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng do tư nhân sản xuất - Ảnh: megastar

Trong khi đó, cần thay đổi những hoạt động vốn mang nặng tính hình thức như những trại sáng tác kịch bản. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thẳng thắn nhìn nhận: “Tôi là một trong những tội phạm của trại sáng tác”. Bấy lâu nay, nhiều người vẫn coi trại sáng tác giống như “du lịch nghỉ dưỡng”, “ngắm cảnh non xanh nước biếc”, còn “chả biết viết được bao nhiêu chữ”. Trại sáng tác được tổ chức định kỳ, tiền đều đặn bỏ ra, còn nguồn kịch bản thì vẫn cứ thiếu. Theo nhà biên kịch này, thay vì thực hiện các trại sáng tác đại trà, hãy tổ chức các hội thảo chuyên đề, chỉ cần mươi nhà viết kịch bản tâm huyết tham dự cùng những nhà sản xuất để kết nối thực hiện phim, còn hơn có hàng trăm người mà hờ hững như không.

Từ chuyện tổ chức trại sáng tác cũng cần nghĩ tới chuyện tổ chức hội thảo điện ảnh. Nhiều hội thảo được tổ chức để cho có, đề cập những vấn đề quá to tát, sáo mòn, nêu ra suốt một thập kỷ nhưng chẳng cần quan tâm sẽ đi đến đâu, người tham gia cũng chẳng thấy mặn mà. Nên chăng hội thảo cần đề cập đến những vấn đề nhỏ, quan tâm xem các nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim... đang cần gì, giúp họ giải quyết những vấn đề, khó khăn đang phải đối mặt.

Mặt khác, thị trường phim cả điện ảnh lẫn truyền hình đang được nhiều hãng tư nhân đầu tư, sản xuất. Hiếm thấy lực lượng này xuất hiện tại các cuộc hội thảo. Và do đó chuyện hợp lực cùng nhau để thúc đẩy ngành điện ảnh phát triển sẽ càng khó khăn hơn khi chỉ có các đơn vị sản xuất phim nhà nước ngồi lại với nhau nêu ra đủ thực trạng nhưng đành bất lực bởi không thể tìm ra hướng giải quyết vấn đề.

Người cũ nói chuyện cũ

Với chủ đề rộng lớn: Một thập kỷ điện ảnh VN - Nhìn lại và đánh giá, những tưởng hội thảo (nằm trong khuôn khổ hoạt động Những ngày điện ảnh VN) sẽ có sự góp mặt của đông đảo nhà làm phim, quản lý điện ảnh. Đáng buồn, số tham dự lại quá khiêm tốn, chỉ dăm ba mươi người, trong đó gồm vài nhà quản lý điện ảnh, làm phim truyện nhựa, hoạt hình, phim tài liệu...


Quang cảnh thưa vắng tại hội thảo sáng 8.3 - Ảnh: N.A
 

Càng về cuối hội thảo số người ngồi lại mỗi lúc thưa dần. Không có đại diện các hãng phim tư nhân, không có những nhà làm phim trẻ, mà những gương mặt, tiếng nói xuất hiện tại hội thảo hầu hết đều đã quá cũ.

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.