Điều chỉnh dạy tích hợp theo hướng nào?

31/08/2023 05:54 GMT+7

Sau 2 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS, nhiều ý kiến cho rằng việc dạy và học các môn tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý còn nhiều khó khăn, chưa phù hợp với điều kiện của giáo dục VN, cần điều chỉnh.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng cách đây hơn nửa thế kỷ, giáo dục VN đã triển khai dạy học tích hợp khoa học và sử - địa ở trường trung học thành công, nhờ sớm đào tạo giáo viên (GV) tích hợp.

NHÌN LẠI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TRUNG HỌC TỔNG HỢP

Sau năm 1964, để cải tổ chương trình trung học ở miền Nam, một loại hình trường học mới ra đời, đó là trường trung học kiểu mẫu, như Trung học kiểu mẫu Thủ Đức - thuộc Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn; Trung học kiểu mẫu Huế - thuộc Trường ĐH Sư phạm Huế (thành lập năm 1964) và Trung học kiểu mẫu Cần Thơ - thuộc Trường ĐH Sư phạm Cần Thơ (năm 1968). Các trường này có 3 nhiệm vụ: nghiên cứu và thực nghiệm chương trình trung học tổng hợp; là nơi quan sát và thực hành cho sinh viên sư phạm; xây dựng trường học toàn diện, hình mẫu của học đường trung học tương lai.

Điều chỉnh dạy tích hợp theo hướng nào ? - Ảnh 1.

Một buổi học tích hợp môn khoa học tự nhiên của học sinh lớp 7 tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chương trình trung học tổng hợp là một chương trình giáo dục gắn nhà trường với thực tiễn, trường học không phải là nơi chuẩn bị cuộc sống mà chính là cuộc sống. Chương trình giáo dục này là sự kết hợp giữa giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp một cách khoa học. Kiến thức tự nhiên, xã hội, công nghệ và nghệ thuật được học phải hữu ích với cuộc sống học sinh (HS), nhất là các môn hướng nghiệp như doanh thương, kinh tế gia đình, công kỹ nghệ, canh nông, sinh hoạt học đường và môn hướng dẫn giáo dục (hướng học và hướng nghiệp). Chương trình trung học tổng hợp có 4 đặc tính căn bản là: phát triển toàn diện con người, ứng dụng hóa giáo dục, cá nhân hóa giáo dục và dân chủ hóa giáo dục.

Ở cấp THCS, HS học chung một chương trình, đến THPT, cấp định hướng nghề nghiệp, HS được chia thành 8 ban, gồm: ban A (khoa học thực nghiệm), ban B (toán), ban C (văn chương - sinh ngữ), ban D (canh nông), ban E (doanh thương), ban G (kinh tế gia đình), ban H (công kỹ nghệ) và ban I (nghệ thuật). Ngoài ra, HS còn được học 2 môn tự chọn theo sở thích, không kiểm tra, đánh giá.

Chương trình thể hiện tích hợp cao ở các lớp thấp và phân hóa dần ở các lớp, cấp học cao. Ở lớp 6 và 7, môn khoa học là tích hợp các môn vật lý, hóa học, vạn vật; môn sử - địa.

GIẢI PHÁP ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TÍCH HỢP CẤP TỐC ?

Nhà giáo Bùi Quang Hân, cử nhân sư phạm lý - hóa, GV Trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức, là người từng tham gia biên soạn chương trình trung học tổng hợp. Sau này, ông là tổ trưởng tổ lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM.

Ông Hân cho biết: "Dạy học tích hợp ở miền Nam thành công là nhờ GV được đào tạo tích hợp khá sớm và xuyên suốt, bao gồm: sư phạm lý - hóa, sư phạm sử - địa, sư phạm vạn vật (thực vật học, động vật học và địa chất học), sư phạm văn chương - Hán… Ngay cả sư phạm toán cũng phải học 3 chứng chỉ vật lý: cơ lý thuyết, vật lý đại cương 1, vật lý đại cương 2. Sau năm 1965, sinh viên sư phạm phải học thêm môn hướng học và hướng nghiệp, để ra trường tham gia hướng dẫn HS". Theo ông Hân, sau năm 1975, đồng nghiệp của ông có người dạy lý, có người dạy hóa, dạy sử hay địa… nhưng họ đều là những GV dạy giỏi.

Nội dung môn tích hợp ở chương trình trung học tổng hợp 

Môn khoa học

Ở lớp 6, môn khoa học có 5 chủ đề chính, gồm: phương pháp khoa học; tìm hiểu tính chất của vật chất; khảo sát một vài chất thông thường; khảo sát cấu tạo của vỏ địa cầu; khảo sát sinh vật. Ở lớp 7, có 6 chủ đề chính là: phương pháp khoa học; nhiệt và vật chất; biến đổi hóa học; khảo sát sinh vật; địa cầu và không gian; khoa học và đời sống. Lớp 8, 9 phân chia theo logic và hệ thống của từng lĩnh vực riêng: vạn vật, vật lý và hóa học.

Chương trình khoa học cấp THPT, về nội dung được xây dựng theo các mô đun theo từng lĩnh vực riêng rẽ.

Môn sử - địa 

THCS học luân phiên theo lớp, THPT học theo chuyên đề.

Đối với cấp THCS, lớp 6 và 8, HS học địa lý; lớp 7 và 9 học lịch sử.

Đối với cấp THPT, sử và địa được biên soạn theo các chuyên đề. HS được lựa chọn rất linh hoạt, chuyên đề bắt buộc, chuyên đề lựa chọn bắt buộc và chuyên đề chọn theo sở thích.

Từ sau năm 1975 đến nay, giáo dục phổ thông theo xu hướng phân môn sớm từng lĩnh vực của lý, hóa, sinh, sử, địa, ngay từ lớp 6. Đào tạo CĐ là ghép môn như toán - kỹ thuật, văn - giáo dục công dân, văn - sử, lý - kỹ thuật chứ không phải tích hợp sử - địa hay lý - hóa như trước đây. Đào tạo ĐH sư phạm chỉ theo đơn môn. Hệ quả tư duy đơn môn, duy nhất này đã ăn sâu vào tiềm thức, thói quen của nhiều GV nên họ không muốn dạy tích hợp, dù đã được bồi dưỡng.

Điều chỉnh dạy tích hợp theo hướng nào? - Ảnh 3.

Việc đào tạo giáo viên dạy tích hợp chưa đáp ứng kịp yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, cả nước chỉ có Trường ĐH Sư phạm Thái nguyên có được lứa sinh viên sư phạm khoa học, sử - địa ra trường, các trường khác cuối năm 2023 hoặc sau 2023, nhưng số lượng rất ít

ĐÀO NGỌC THẠCH

Từ năm 2011 đến nay, khi có định hướng xây dựng chương trình giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất HS, việc nghiên cứu về tích hợp và sư phạm tích hợp được đẩy mạnh và bồi dưỡng GV THCS, THPT được coi trọng. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng dạy học tích hợp chưa đáp ứng yêu cầu. Còn đào tạo GV tích hợp là quá chậm, đến nay, cả nước chỉ có Trường ĐH Sư phạm Thái nguyên có được lứa sinh viên sư phạm khoa học, sử - địa ra trường, các trường khác cuối năm 2023 hoặc sau 2023, nhưng số lượng rất ít.

Vì vậy, cần thiết các trường sư phạm cần xây dựng một chương trình đào tạo GV tích hợp cấp tốc (2 - 3) năm, giảm một số môn học, tập trung vào các môn chuyên môn, sư phạm và ngoại ngữ. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng sư phạm khoa học tự nhiên, sử - địa (tạm thời), hưởng lương như sư phạm 4 năm và tiếp tục học các môn còn lại để được cấp bằng cử nhân sư phạm khoa học, sử - địa trong quá trình công tác.

Việc đào tạo GV đối với THPT cần đào tạo tích hợp như: cử nhân sư phạm lý - hóa, sử - địa, sinh học.

ĐỀ XUẤT MỘT HƯỚNG ĐIỀU CHỈNH DẠY TÍCH HỢP

Về việc điều chỉnh tích hợp, môn khoa học tự nhiên, lớp 6, 7, 8 giữ như hiện nay, vì tách môn ra sớm sẽ phá vỡ Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở lớp 9, môn khoa học tự nhiên nên tách thành 2 môn lý - hóa và sinh học, để chuẩn bị cho lên THPT. Môn sử - địa, ở cấp THCS nên luân phiên lớp 6 và 8 học địa lý, lớp 7 và 9 học lịch sử.

Ở cấp THPT, cần giữ như chương trình hiện nay, có 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, 4 môn lựa chọn trong số các môn lý, hóa, sinh, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.