Đĩnh đạc Việt Nam

06/09/2023 14:03 GMT+7

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động hậu đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chính sách ngoại giao đa phương để khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đặc biệt là vai trò quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO ĐA PHƯƠNG

Từ tháng 1 đến tháng 8 vừa qua, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã liên tục có nhiều chuyến công du cấp cao, cấp Nhà nước… đến thăm một số nước cũng như dự các sự kiện quốc tế quan trọng để củng cố vị thế quốc tế cũng như thắt chặt quan hệ với nhiều nước, trong đó có các đối tác truyền thống.

Nổi bật, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đi thăm các nước Áo, Ý và Tòa thánh Vatican hồi cuối tháng 7. Hay Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã dự lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III tại London hồi cuối tháng 5, và thăm Lào vào tháng 4. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, thăm Trung Quốc, Singapore và Brunei Darussalam… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến Cuba và có bài phát biểu đặc biệt tại Quốc hội nước này, cũng như thăm Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay, Indonesia, Iran, dự Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 44 (AIPA-44)…

Đĩnh đạc Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol

TTXVN

Ở phía ngược lại, Việt Nam cũng đã đón tiếp lãnh đạo của nhiều quốc gia đến thăm như Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala…

Các hoạt động ngoại giao đó, như nhận xét của PGS Ekaterina Koldunova (Khoa Nghiên cứu châu Á - châu Phi, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow - MGIMO, Nga), là: "Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao đa phương. Điều này được thể hiện cụ thể qua nhiều chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam thời gian gần đây. Đồng thời, Việt Nam tiếp đón lãnh đạo nhiều nước đến thăm như Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Úc Anthony Albanese…".

Đĩnh đạc Việt Nam - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ý Sergio Mattarella duyệt đội danh dự tại Thủ đô Rome ngày 26.7.

TTXVN

"Quan hệ Việt - Nga cũng đang phát triển tích cực thông qua các cuộc đối thoại cấp cao, đặc biệt nhấn mạnh đến các biện pháp mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại. Vì vậy, Việt Nam đã và đang cố gắng vươn ra trong nhiều định hướng chính sách đối ngoại trong khi vẫn giữ lợi ích kinh tế của quốc gia là một trong những ưu tiên. Việt Nam đã tham gia đối thoại chiến lược với nhiều đối tác quan trọng ở châu Âu và châu Á, do đó ngày càng nâng cao vị thế quốc tế", PGS Ekaterina Koldunova nhận xét thêm khi trả lời Thanh Niên.

Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên, chuyên gia Fabio Figiaconi (nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học Tự do Brussel - VUB, Bỉ) đánh giá: "Gần đây, các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã đặc biệt tích cực trong hoạt động ngoại giao đối ngoại".

PGS KEI KOGA, Trường Khoa học xã hội, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore

Một số phương tiện truyền thông lập luận rằng Việt Nam sẽ nghiêng về phía này, phía kia, nhưng thực tế lập trường của Việt Nam không thay đổi, tập trung phòng ngừa về rủi ro bị phụ thuộc vào một cường quốc cụ thể.

Đĩnh đạc Việt Nam - Ảnh 4.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Phu nhân đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

TTXVN

 XÁC LẬP VAI TRÒ Ở INDO-PACIFIC 

Đánh giá các hoạt động ngoại giao của Việt Nam, chuyên gia Fabio Figiaconi cho rằng: "Tất cả các hoạt động ngoại giao có sự tham gia của Việt Nam đều chứng tỏ tầm quan trọng ngày càng tăng mà Hà Nội đang đạt được tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Do vị trí địa chiến lược quan trọng và tầm quan trọng chính trị trong khu vực, Việt Nam được coi là một bên tham gia không thể thiếu. Về phần mình, Việt Nam đang cố gắng duy trì vị thế ngang bằng giữa sự cạnh tranh của các cường quốc, duy trì một chính sách đối ngoại cân bằng và độc lập, nhằm mục đích cuối cùng là duy trì sự ổn định ở Indo-Pacific".

Cùng quan điểm, PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công, Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) nhận xét: "Việt Nam đang được quốc tế chú ý nhiều hơn nhờ vị trí địa chiến lược ở Đông Nam Á. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và bây giờ là Hàn Quốc (đang tích cực tăng cường ảnh hưởng vào Đông Nam Á theo chiến lược Indo-Pacific mới) cùng nhiều quốc gia khác đang tiếp cận Việt Nam".

Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên cũng đề cao vai trò của Việt Nam ở Indo-Pacific. Nhận xét về điều này, PGS-TS Alfred Gerstl, thuộc Khoa Nghiên cứu Đông Á (Đại học Vienna, Áo), phân tích: "Việt Nam là một phần quan trọng của mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng ở Indo-Pacific. Do đó, Việt Nam là một địa điểm rất hấp dẫn đối với các công ty châu Âu".

Cũng theo ông Alfred Gerstl, EU nhận thức được tầm quan trọng của Việt Nam trong ASEAN. Do đó, Việt Nam thu hút sự quan tâm của EU nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ với ASEAN.

Vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm Áo, Ý và Tòa thánh Vatican. Trong chuyến thăm, lãnh đạo của Áo và Ý cũng đều xác tín vị thế của Việt Nam ở Indo-Pacific.

Cụ thể, Tổng thống Ý Sergio Mattarella khẳng định: "Việt Nam là đối tác quan trọng đối với sự cân bằng và tiến bộ ở Indo-Pacific, khu vực mà Ý đang ngày càng chú trọng, nhất quán trong Chiến lược của EU". 

Tương tự, Tổng thống Áo Van der Bellen khẳng định Áo coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Áo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là về thương mại, đầu tư, mong muốn củng cố, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hai nước về kinh tế, giáo dục, văn hóa.

Đĩnh đạc Việt Nam - Ảnh 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez.

TTXVN

 VỮNG VÀNG THỂ HIỆN TIẾNG NÓI 

Khi nhiều nước tiếp cận ở bối cảnh cạnh tranh căng thẳng giữa các cường quốc, Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức. Nhưng Việt Nam đã vững vàng tận dụng hiệu quả chính sách ngoại giao đa phương để cân bằng quan hệ.

"Một số phương tiện truyền thông lập luận rằng Việt Nam sẽ nghiêng về phía này, phía kia, nhưng thực tế lập trường của Việt Nam không thay đổi, tập trung phòng ngừa về rủi ro bị phụ thuộc vào một cường quốc cụ thể. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đã tham gia ngoại giao tích cực dựa theo lập trường truyền thống để hạn chế ảnh hưởng của sự cạnh tranh giữa các nước lớn", PGS Koga nhận xét

PGS Koga phân tích thêm: "Việt Nam có những sự khác biệt về lập trường ngoại giao với phương Tây. Trong khi đó, sự gia tăng đối đầu Mỹ - Trung cũng như căng thẳng giữa phương Tây với Nga tạo ra nhiều thách thức. Vì thế, nhiều người cho rằng chỉ có chọn lựa giữa ranh giới Mỹ cùng các đồng minh với Trung Quốc và Nga, nhưng thực tế có nhiều sắc thái hơn. Với vị trí ngoại giao độc đáo của mình, Việt Nam kết nối để có thêm thông tin về vị trí chiến lược thực sự của các quốc gia trong khu vực cũng như các nước châu Âu tham gia vào Indo-Pacific".

"Có lẽ, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với nhiều bên, hướng đến điều chỉnh kịp thời lập trường để phù hợp với tình hình thực tế", PGS Koga tin tưởng.

Qua đó, Việt Nam xác lập vị thế, thể hiện tiếng nói không chỉ cho Việt Nam mà còn cho nhiều quốc gia khác. Điều này được chứng minh qua việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng vào cuối tháng 5 vừa qua tại Hiroshima (Nhật Bản).

Liên quan sự kiện này, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: "Việc Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này được Nhật Bản và các thành viên G7 khác hoan nghênh chào đón. Đóng góp và sự tham gia của Việt Nam vào Indo-Pacific thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chứng minh rằng các nước đang phát triển là một phần của các hiệp định thương mại tiên tiến nhấn mạnh tính minh bạch, quy tắc và hợp tác".

Ông Nagy khẳng định: "Là một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, Việt Nam có thể thảo luận với các thành viên G7 về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong khu vực. Đó còn là vai trò trung tâm của ASEAN và cách các quốc gia như Việt Nam hợp tác với các thành viên G7 để đóng góp xây dựng một Indo-Pacific thịnh vượng thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng và kết nối, đầu tư, giao lưu nhân dân và quản trị tốt".

Còn TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) thì chỉ ra sự tham gia của Việt Nam ở Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng vừa qua là vì các nước G7, đặc biệt là chủ nhà Nhật Bản, muốn có sự chung tay của Việt Nam để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Đánh giá toàn cục, GS Ryo Hinata-Yamaguchi (Đại học Tokyo, Nhật Bản) nhận xét: "Chính sách Ngoại giao cây tre đã giúp Việt Nam tự bảo vệ đất nước trước các cường quốc và Việt Nam linh hoạt đạt được một số lợi ích quốc gia".

 DẤU ẤN LỚN TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ 

Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và là lần thứ 2 trúng cử vào hội đồng này. Trả lời Thanh Niên, nhiều chuyên gia quốc tế đã đánh giá cao việc Việt Nam được bầu vào hội đồng này.

Biểu tượng sự vươn lên của Việt Nam

Kết quả trên mang tính biểu tượng thể hiện sự vươn lên của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Thời gian qua, các nước phương Tây và Trung Quốc cũng như Nga có một số bất đồng về vấn đề nhân quyền. Thực tế này đặt ra nhiều khó khăn cho hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Trong bối cảnh như vậy, cần có bên trung gian để duy trì hiệu quả vai trò của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam ngày càng có quan hệ tốt với cả phương Tây lẫn Nga và Trung Quốc. Việt Nam cũng hợp tác tốt với nhiều thành viên Liên Hiệp Quốc. Vì thế, vai trò của Việt Nam sẽ rất quan trọng trong trường hợp vừa nêu.

TS Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ)

Cơ hội nêu bật cam kết

Việc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là cơ hội để Việt Nam nêu bật cam kết cải thiện quyền con người của người dân thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Diễn biến này cũng chứng minh việc Việt Nam không ngừng nâng cao các điều kiện nhân quyền, đồng thời chỉ ra cách tiếp cận để nâng cao nhân quyền cho một số quốc gia có điều kiện tương đồng.

PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)

Đĩnh đạc Việt Nam - Ảnh 7.

Phái đoàn Việt Nam và Phái đoàn Vatican tham dự cuộc họp vòng X Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh Vatican, tháng 3.2023

TTXVN

 QUAN HỆ VIỆT NAM - VATICAN ĐẠT NHIỀU THÀNH TỰU 

Cuối tháng 7 vừa qua, nhận lời mời của Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm Tòa thánh Vatican.

Tại cuộc hội kiến với Giáo hoàng Francis trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò của Tòa thánh đối với những vấn đề toàn cầu, duy trì hòa bình, phát triển bền vững, môi trường và bảo đảm quyền con người. Giáo hoàng Francis khẳng định Tòa thánh mong muốn quan hệ Tòa thánh - Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp; nhấn mạnh Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng "Đồng hành cùng dân tộc", "Giáo dân tốt là công dân tốt"…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Giáo hoàng Francis đánh giá việc thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam là bước tiến quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai bên phát triển tích cực, là kết quả của quá trình trao đổi trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Giáo hoàng Francis nhấn mạnh việc thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam là hình mẫu của sự tin tưởng lẫn nhau và là cơ sở để thúc đẩy, mở rộng quan hệ hơn nữa trong thời gian tới.

Quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican liên tục được tăng cường trong những năm qua, hai bên cũng đạt nhiều đồng thuận tích cực.

Trước đó, tại cuộc họp vòng X Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh Vatican, do bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, và Đức ông Miroslaw Wachowski, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh đồng chủ trì ngày 31.3 vừa qua, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; chính quyền các cấp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo.

Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski khẳng định Tòa thánh luôn mong muốn Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước theo tinh thần các Giáo huấn của Giáo hội "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc", "Giáo dân tốt phải là công dân tốt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.