Đìu hiu vườn đỏ

Đức Huy
Đức Huy
28/08/2022 06:26 GMT+7

Gần 50 năm gắn bó với cây đỏ, năm nay là lần đầu tiên người dân thôn Liên Sơn, xã Sơn Xuân, H.Sơn Hòa (Phú Yên) chứng kiến loại cây độc đáo này mất mùa hoàn toàn.

Vùng đất cao nguyên thuộc H.Sơn Hòa có khí hậu mát mẻ quanh năm vì ở độ cao 400 m so với mực nước biển. Ở đây có một loại cây dâu đất (có nơi gọi là dâu da đất) trái màu đỏ rực chen chúc từng chùm, nên được người dân địa phương gọi là cây đỏ. Ở cao nguyên này, cây đỏ tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Xuân.

Đường vào khu du lịch vườn đỏ vắng hoe

ĐỨC HUY

Cây đỏ không ra trái: làng du lịch đìu hiu, người dân thất thu hàng trăm triệu

Cây đỏ trưởng thành có chiều cao khoảng 5 - 7 m, là loại cây tự nhiên sống trong rừng. Trước đó, khu vực xã Sơn Xuân là rừng nhưng được khai hoang, người dân đã chừa lại những cây đỏ để đến mùa hái trái đem đi bán. Vì thế, chúng mọc xen kẽ với các cây ăn trái khác trồng sau này như mít, xoài… Cả thôn Liên Sơn, xã Sơn Xuân có đến hàng chục hộ nông dân sống nhờ vào cây đỏ.

Khu vui chơi dành cho trẻ em trong vườn đỏ của ông Võ Như Vinh bỏ hoang vì không có khách đến

Những năm trước, cứ đến mùa hè là cây đỏ bắt đầu đơm hoa, kết trái, đỏ rực cả một vùng cao nguyên, hấp dẫn khách du lịch bốn phương. Nhưng năm nay từ cây mọc trên rừng đến cây trong vườn đều không ra trái. Màu đỏ đặc trưng của vùng cao nguyên này gần như biến mất. Một số người dân cho rằng nguyên nhân của sự bất thường đó là do biến đổi thời tiết.

Bỗng dưng mất mùa

Cây đỏ là một đặc sản du lịch của người dân xã Sơn Xuân trong vài năm trở lại đây. Ngay từ khi cây đỏ trổ hoa đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh. Khách đến vườn đỏ đông nhất là từ dịp hè đến lễ 2.9, vì đây là thời điểm trái đỏ chín rộ và đẹp nhất. Rất nhiều hộ dân tại xã Sơn Xuân đã đầu tư, khai thác loại hình du lịch vườn đỏ.

Mọi năm cây đỏ "khủng" của vườn Bốn Phương trĩu trái nhưng năm nay không có trái nào

Thế nhưng năm nay cây đỏ mất mùa, vùng cao nguyên này trở nên đìu hiu, vắng lặng vì không có khách đến tham quan. Trong số các vườn cây đỏ ở xã Sơn Xuân, vườn của ông Võ Như Phương (chủ vườn đỏ Bốn Phương) có rất nhiều cây “khủng” nên thu hút đông khách du lịch. Dịp 2.9 năm ngoái, vườn đỏ Bốn Phương đón khoảng 200 - 300 lượt khách/ngày, có ngày lên đến 500 lượt khách ghé qua. Với lượng khách du lịch đông như vậy, doanh thu từ vườn đỏ mỗi năm của gia đình ông Phương từ 300 - 400 triệu đồng. Đây được xem là mức thu nhập mơ ước của người dân ở một xã miền núi còn nhiều khó khăn.

Khách du lịch tham quan vườn đỏ Bốn Phương trước đây

Ông Phương cho biết: “Từ khi biết đến cây đỏ, gần như năm nào tôi cũng chứng kiến vườn đỏ đơm hoa kết trái. Năm được mùa thì trái đỏ sai trĩu cành, chen chúc từ dưới gốc lên tận ngọn cây. Vậy mà năm nay từ cây đỏ trên rừng mọc tự nhiên cho đến các gốc đỏ trong vườn nhà được chăm bón, tưới phân đầy đủ đều không cây nào có trái. Nhiều người hướng dẫn tôi dùng thuốc kích trái nhưng tôi không làm vì muốn để vườn đỏ phát triển tự nhiên”.

Tương tự, hơn 30 gốc đỏ trong vườn nhà ông Lý Phương Ngọc (vườn đỏ Bốn Ngọc, xã Sơn Xuân) cũng chỉ cho một chùm trái duy nhất. Năm 2020, gia đình ông Ngọc đã đầu tư gần 400 triệu đồng để làm con đường bê tông dài hơn 100 m dẫn vào vườn cây đỏ của gia đình. Ông Ngọc cũng làm hàng chục chòi gỗ, cải tạo vườn và đầu tư thêm nhiều phân khu, tiểu cảnh để tạo không gian cho khách vui chơi, chụp ảnh. “Ngay năm đầu tiên đầu tư, vườn đỏ rất sai trái thì dịch Covid-19 ập đến, phải đóng cửa. Năm nay, dịch bệnh lắng xuống thì cây lại mất mùa”, ông Ngọc buồn bã nói.

Lý giải về tình trạng cây đỏ mất mùa, ông Ngọc cho hay tại khu vực này, vào tháng mười một, tháng chạp âm lịch, thời tiết rất lạnh, gần như các nhà đều phải nhóm lửa sưởi ấm vào buổi chiều tối. Thế nhưng tháng chạp năm rồi trời không lạnh mấy, chỉ đến tháng giêng, tháng hai trời mới trở lạnh hơn đôi chút nhưng cũng kém xa mọi năm. “Có lẽ thời tiết bất thường đã làm cây đỏ không thể nứt ra những ụ hoa như thường lệ. Đây là một hiện tượng thời tiết rất lạ, vì từ năm 1975 đến nay vùng Sơn Xuân chưa bao giờ cây đỏ bị mất mùa”, ông Ngọc nói.

Mất thu nhập từ vườn đỏ

Mất mùa, lập tức các vườn cây đỏ trên địa bàn xã Sơn Xuân mất đi sức hút, trở nên đìu hiu vắng vẻ. Những ngày này không còn cảnh từng đoàn ô tô, xe máy nối đuôi nhau trên con đường dẫn vào thôn Liên Sơn. Một số chủ vườn cũng tạm đóng cửa vườn, từ chối khi có khách muốn tham quan vì cây đỏ không ra trái. Thời gian qua, chỉ có lai rai một số khách du lịch quen tìm đến vùng này để tận hưởng không khí mát lạnh, trong lành.

Ông Võ Như Vinh, chủ một vườn cây đỏ ở thôn Liên Sơn, chia sẻ: “Một số khách quen cũng gọi điện hỏi thăm, muốn đến tham quan vườn đỏ dịp 2.9. Nhưng hiện vườn đỏ không có trái nên tôi đành từ chối và hẹn khách sang năm sau”.

Đây cũng là tình trạng chung của gần 20 hộ dân đầu tư vào vườn đỏ tại thôn Liên Sơn.

Buồn vì năm nay thất thu nhưng các chủ vườn cây đỏ ở thôn Liên Sơn vẫn lạc quan, hy vọng vào những mùa sau. Ông Võ Như Phương cho biết: “Hiện nay gần 40 gốc đỏ trong vườn nhà tôi đều rất sung sức, cành lá xum xuê, xanh tốt. Năm nay cây đỏ không ra trái thì tôi để cho lá cây rụng làm phân xanh tự nhiên, giữ ẩm cho gốc cây. Tôi tin rằng trong năm tới vườn đỏ sẽ lại rất sai quả. Tôi sẽ tận dụng khoảng thời gian này để tiếp tục đầu tư, sửa sang vườn đỏ; đồng thời tập trung chăm sóc vườn cây ăn trái để tạo thêm các sản phẩm du lịch phong phú hơn cho khách đến tham quan trong năm tới”.

Bên cạnh đó, một số chủ vườn đỏ cũng đã tranh thủ đầu tư thêm một số diện tích cây ăn trái, kết hợp phục vụ thêm các món ăn đặc sản địa phương để phục vụ khách du lịch đến thăm vườn. Một số chủ vườn khác thì tiếp tục đầu tư, cải tạo, chăm sóc vườn đỏ để chờ đợi một mùa trái mới.

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Xuân, H.Sơn Hòa, cho biết: Cây đỏ là một giống cây rừng, mọc tự nhiên, được người dân tận dụng để khai thác du lịch. Trước đây có năm cây đỏ được mùa, năm mất mùa, nhưng đây là năm đầu tiên toàn bộ vườn đỏ đều không có trái. Có lẽ là do thời tiết những năm gần đây diễn biến khá bất thường. Thời gian tới, địa phương định hướng bà con thôn Liên Sơn tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; không phụ thuộc quá nhiều vào cây đỏ. Có như vậy mới có thể khai thác du lịch một cách hiệu quả, bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.