Độc đáo cây di sản Việt Nam: Kỳ vĩ cây đa làng Ghè

08/01/2024 07:23 GMT+7

Cây đa làng Ghè (ở xã Ia Dơk, H.Đức Cơ, Gia Lai) hơn 200 tuổi, được cộng đồng người Jrai bản địa xem là cây thiêng, gắn với nhiều thế hệ và luôn được gìn giữ, nâng niu.

CÂY THIÊNG CỦA LÀNG

Sắp chuyển qua năm mới Giáp Thìn, cung đường lên huyện biên giới Đức Cơ cũng vào xuân. Những cây mai trồng trước sân nhà dân hai bên đường bắt đầu đơm nụ. Rừng cao su vào mùa rụng lá ngả vàng hun hút dọc ngang theo nhiều cung đường cao nguyên trong khí trời se lạnh. Vượt cung đường xuân như thế gần 100 km từ TP.Pleiku (Gia Lai), chúng tôi tìm đến làng Ghè để tận mắt thấy cây đa di sản có một không hai ở Gia Lai.

Độc đáo cây di sản Việt Nam: Kỳ vĩ cây đa làng Ghè- Ảnh 1.

Gốc đa cổ thụ là nơi tổ chức hội làng Ghè

Trần Hiếu

Bên con suối Ia Ghe nước róc rách chảy suốt ngày đêm, cây đa cổ thụ sừng sững che bóng cả một khu vực rộng tầm 400 m2.

Đấy cũng là nơi có giọt nước (bến nước) của làng. Những người già trong làng kể rằng từ nhiều đời trước, đây là nơi người làng ra lấy nước sinh hoạt, tắm giặt mỗi ngày. Sau một ngày làm việc vất vả, những nông phu ghé qua giọt nước tắm rửa rồi mới về nhà. Các cô gái thì từ sáng đã mang gùi chứa vật dụng đựng nước ra suối hứng những giọt nước mát lành mang về. Trưa nắng, đám trẻ trong làng tụ tập tại đây tắm, đùa vui...

Giọt nước, cây đa làng Ghè vì vậy từ sáng sớm cho đến xẩm tối luôn râm ran tiếng nói cười. Nhiều người trong làng kể khi sinh ra đã thấy gốc đa sừng sững, giờ họ đã gần về với Yàng (Trời) cây vẫn sừng sững như vậy. Thời gian sau này, do người dân tự đào giếng, được nhà nước đầu tư hỗ trợ nước sinh hoạt nên giọt nước gần cây đa cũng dần vãn người.

Người dân Jrai ở làng Ghè xem cây đa như vị thần bản mệnh của làng. Họ giữ cho gốc đa luôn sạch sẽ, không có những hành vi làm vấy bẩn ở đây. Dịp lễ cúng bến nước, cộng đồng nơi đây luôn tổ chức thêm một lễ để cúng gốc đa, mà nhiều người nói là cúng thần cây.

Từ xa, cây đa làng Ghè sừng sững, phủ bóng râm mát một vùng. Tận thấy, ai cũng trầm trồ bởi sự hoành tráng của cây với độ cao tầm 45 m, chu vi gốc thân chính khoảng 13 m và 8 thân phụ rất đẹp. Gốc cây xù xì trầm mặc theo tháng năm. Xung quanh là vườn rẫy của dân và địa thế đẹp tôn thêm vẻ đẹp của cây.

TỰ HÀO CÂY DI SẢN VN

Từ chỗ chỉ là một cổ thụ đẹp ở làng Ghè cũng như ở Gia Lai, cây đa dần nổi tiếng trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng, được nhiều người biết và tìm đến chiêm ngưỡng. Đây cũng là cổ thụ duy nhất ở Gia Lai tính đến thời điểm này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN công nhận là Cây di sản VN từ năm 2016.

Độc đáo cây di sản Việt Nam: Kỳ vĩ cây đa làng Ghè- Ảnh 2.

Cây đa có 8 gốc phụ rất đẹp

Ông Puih Ố, già làng làng Ghè, tự hào: "Từ khi mình còn nhỏ đã thấy cây lớn lắm rồi. Giờ mình hơn 60 tuổi, tận mắt thấy cành cây ngày càng vươn dài ra. Nghe ông bà kể cây này được một người trong làng tên là Chơng trồng để lấy bóng mát cho giọt nước của làng. Con cháu của cụ Chơng đến giờ đã là đời thứ 5. Nhiều người tới đây nói lần đầu tiên họ thấy cây đa to và đẹp đến thế, khiến mình cùng mọi người trong làng vui thêm. Ai cũng có ý thức giữ gìn, không ai dám phá gì cây cả vì sợ gặp chuyện không vui".

Mỗi năm, làng tổ chức hội dưới gốc đa râm mát. Bóng mát của cây tỏa ra đủ chỗ cho cả làng tới dự hội. Tiếng cồng chiêng âm vang cả một vùng. Chị Kpuih Hnok, cháu đời thứ 4 của cụ Chơng, chia sẻ: "Khu rẫy của nhà mình sát cây đa. Hồi nghe tin cây được công nhận danh hiệu gì đó quý lắm, nhà mình ai cũng vui, tự hào. Nhờ cây đa, người làng có bóng mát mỗi khi đến giọt nước. Đi làm rẫy buổi trưa ngồi dưới gốc cây cũng mát lắm".

Làng Ghè giờ đây có 229 hộ, 955 nhân khẩu sống quần cư. Nay đường ô tô vào tận nơi, cuộc sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ dân đã trở nên khấm khá. Con em được đến trường, học lên cao, có việc làm ổn định. Nghề nông với những mô hình cây - con cho thu nhập tốt. Ông Rơ Lan Pêu, Chủ tịch UBND xã Ia Dơk, cho biết: "Cũng còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống đã khá hơn nhiều rồi, cả ở xã và ở làng Ghè. Mong rằng có nhiều du khách biết hơn về cây đa làng Ghè và cấp trên đầu tư vào để phát triển du lịch, góp phần gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa của con người, vùng đất này".

Cuộc sống nơi đây dù chưa thật trù phú song chúng tôi cảm nhận được sự bình yên ở vùng đất cây đa di sản. Cách làng không xa, khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh giáp Campuchia dù chưa sầm uất nhưng đã nhìn thấy tiềm năng khi quan hệ của hai nước đã và đang có tiến triển tốt, đặc biệt là hoạt động giao thương. Đây cũng là cơ hội để huyện biên giới Đức Cơ và cả người dân các làng, các xã có dịp cải thiện thêm sinh kế. (còn tiếp)

Trong dịp đón bằng công nhận Cây di sản VN cho cây đa làng Ghè vào tháng 11.2016, ông Nguyễn Điểu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, nói: "Việc lựa chọn, vinh danh cây đa làng Ghè là Cây di sản VN nhằm trực tiếp bảo tồn nguồn gien tiêu biểu và giới thiệu sự đa dạng của hệ thực vật VN. Đây cũng là hành động nhằm quảng bá cho du lịch và truyền thống lịch sử của địa phương. Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.