Độc đáo hò khoan xứ Lệ: Hò khoan vào trường học

30/12/2015 15:15 GMT+7

Trước nguy cơ thất truyền những làn điệu mượt mà, sâu lắng của quê hương, những năm gần đây, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) đã làm hết sức mình để khôi phục hò khoan. Trong đó, đưa hò khoan vào trường học như một bước đột phá.

Trước nguy cơ thất truyền những làn điệu mượt mà, sâu lắng của quê hương, những năm gần đây, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) đã làm hết sức mình để khôi phục hò khoan. Trong đó, đưa hò khoan vào trường học như một bước đột phá.

Các CLB hò khoan trong trường học ở Lệ Thủy - Ảnh: Ngọc LiênCác CLB hò khoan trong trường học ở Lệ Thủy - Ảnh: Ngọc Liên
Ra nghị quyết về hò khoan
Để cứu hò khoan, bất kỳ sự kiện gì của làng quê, của H.Lệ Thủy, hay của tỉnh Quảng Bình đều tổ chức hò khoan. Điều này làm cho cuộc sống bà con tươi tắn hơn, lạc quan hơn, đoàn kết và thêm yêu quê hương đất nước. Trước nguy cơ thất truyền, Đảng bộ H.Lệ Thủy đã ra nghị quyết nhấn mạnh việc bảo tồn hò khoan, dần dần đưa hò khoan vào trường học. Trước sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo cũng như các ban ngành, đoàn thể, xác định mấu chốt từ thế hệ trẻ, Phòng GD-ĐT H.Lệ Thủy đã bắt tay thực hiện.
Tháng 11.2012, lần đầu tiên, Phòng GD-ĐT tổ chức liên hoan dành cho học sinh khối tiểu học với tên gọi Em hát dân ca thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Liên hoan đã làm dấy lên phong trào hát dân ca trong học sinh nói riêng, trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy nói chung. Cha mẹ đưa con đến trường, thấy con và giáo viên tập hò cũng hò theo, kể cả những cháu bé mới lớn cũng bập bè hò khi thấy anh chị, người thân mình hò. Về nhà, cả gia đình trở thành như một đội hò, người hò người xố rộn ràng sau mỗi giờ cơm.


Công cuộc chấn hưng hò khoan Lệ Thủy được thực hiện khá bài bản với 5 nội dung chính: Thứ nhất tập huấn về hò khoan cho đội ngũ giáo viên ở các trường; Thứ hai, tích cực sưu tầm những làn điệu, những bản ghi âm ghi hình từ các CLB, các nghệ nhân; Thứ ba, xây dựng được trang web riêng về hò khoan tại địa chỉ hokhoanlethuy.edu.vn; Thứ tư, Phòng GD-ĐT xúc tiến việc thành lập CLB hò khoan ở các trường học. Và cuối cùng là tổ chức liên hoan hò khoan thường niên ở các cấp học.

Tương lai rạng rỡ
Làn sóng hò khoan cứ thế, như nước sông Kiến Giang xô đẩy dạt ra mọi nẻo đường. Nhiều CLB thành lập từ sớm và hoạt động có hiệu quả như trường: Tiểu học Xuân Thủy, Tiểu học số 1 Hồng Thủy, Lâm Thủy... Để cho ra mắt mỗi CLB, các nhà trường tổ chức chuẩn bị hết sức công phu, kỹ lưỡng từ kế hoạch đến thực hiện như việc trang trí, thuê loa máy thiết bị, nhạc cụ nhạc công đến tập luyện... Nhiều giáo viên có tài còn sáng tác các bài cho tổ nhóm của mình. Thế nên không khí sân trường luôn rộn rã, hò khoan như thổi một luồng sinh khí vào trường học.
Một giáo viên cho hay, lúc đầu phải cho học sinh làm quen với các giai điệu hò khoan được viết đơn giản giữa các mái (mái chè, mái xắp, mái nện) kết hợp một vài điệu lý (ngựa ô, đoản xuân, kim tiền...) có nội dung gần gũi với các em. Việc này được thực hiện vào đầu mỗi buổi học, giờ ra chơi hoặc các hoạt động ngoài giờ như: trồng cây, lao động vệ sinh, nhà trường đều cho mở băng đĩa các bài hò khoan Lệ Thủy để các em thưởng thức và hát theo giúp các em quen giai điệu, thuộc lời ca.
Từ năm học 2012-2013, Phòng GD-ĐT đẩy mạnh việc đưa hò khoan vào chương trình ngoại khóa trong các trường trên địa bàn; mỗi trường học đều có 1 CLB hò khoan. Năm học 2013-2014, Lệ Thủy tiếp tục tổ chức liên hoan em hát dân ca cấp THCS. Các em mang đến cho sân khấu hội diễn nhiều màu sắc nghệ thuật ấn tượng, sự vui nhộn, lạc quan, niềm phấn khởi thân thiện và ấm cúng qua các làn điệu hò khoan Lệ Thủy.
Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Lệ Thủy, tuy chỉ là bước đầu, nhưng có thể mạnh dạn khẳng định rằng hò khoan Lệ Thủy đang có cơ may hồi sinh. Liên hoan không chỉ dừng lại ở kết quả của những giải thưởng và vị thứ xếp hạng; không đơn thuần là một hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng mang tính thời vụ mà góp phần khẳng định rằng cơ hội hồi sinh của hò khoan Lệ Thủy là rất lớn, là hiện thực trong một thời gian không xa.
Mới đây, Viện Âm nhạc VN đã vào Lệ Thủy tổ chức ghi hình các làn điệu hò khoan; người Lệ Thủy tin rằng, điệu hò mộc mạc của quê mình sẽ hồi sinh và phổ biến. Bởi hò khoan Lệ Thủy dung dị và đầy tính cộng đồng, ai cũng có thể hòa nhập nhanh chóng trong bữa tiệc hò khoan.
Trích đoạn của tiết mục Tổ quốc dân ca, mái trường mến yêu do các em học sinh Trường THCS Hoa Thủy biểu diễn: Nào ta cất cao tiếng hát lời ca/Hoa Thủy trường em trường trung học cơ sở/Niềm vui hớn hở yêu bạn kính thầy/Cùng chung tay dựng xây, cho mái trường tươi đẹp/Ơi trường học thân thiện với chúng ta/Để mai này vươn cánh bay xa/Lệ Thủy quê mình có sông nước Kiến Giang/Có điệu hò khoan đêm trăng cối gạo/Bằng lối giao duyên khi hò giã bạn/Thương lắm câu hò mang nặng tình quê...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.