Người nay làm việc xưa

Độc, hiếm nghề làm lọng cung đình

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
26/11/2023 07:47 GMT+7

Bao đời nay, những chiếc lọng dù đã gắn liền trong nét văn hóa đặc trưng của người Huế qua các nghi lễ cung đình, rước thần linh, đám tang, cưới hỏi… Tuy vậy, tại vùng đất cố đô bây giờ còn rất ít cơ sở giữ nghề thủ công độc đáo này.

"HỒN CỐT" VĂN HÓA LỄ NGHI XỨ Huế

Trong con hẻm nhỏ tại P.Phường Đúc (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế), gia đình của nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên (80 tuổi) là nơi hiếm hoi còn lưu giữ nghề làm lọng dù cung đình.

Xuất phát từ nhu cầu của người dân xứ Huế, năm 1991 thấy những chiếc lọng, lồng đèn đám cưới xuất hiện nhiều trong đời sống, trong khi ở TP.Huế thời điểm đó lại rất ít cơ sở sản xuất lọng chất lượng, ông Tuyên mày mò, học hỏi khắp nơi và cho ra đời những chiếc lọng đầu tiên.

Sau 3 năm kiên trì, cơ sở sản xuất sản phẩm độc đáo của ông Tuyên đã chiếm vị thế "độc tôn" trên thị trường, đưa lọng đi khắp nơi.

Độc, hiếm nghề làm lọng cung đình - Ảnh 1.

Ngày nay, lọng cung đình là linh hồn trong các dịp lễ, tế văn hóa, tâm linh của người dân xứ Huế

BÙI NGỌC LONG

Đến nay, dù đã hơn 30 năm theo nghề nhưng nghệ nhân này không nhớ rõ lọng có từ bao giờ. Ông chỉ nhớ đấy là sản phẩm độc đáo được dùng để tôn vinh sự trang trọng, quý phái trong các nghi lễ của triều đình xưa cũng như trong các lễ nghi cúng tế dân gian. "Từ thời chúa Nguyễn, lọng được dùng trong những nghi lễ cung đình để che nắng cho nhà vua và các vị hoàng thân. Trong đời thường, người Huế dùng lọng vào các dịp lễ cúng tế mang đậm tín ngưỡng dân gian, gắn liền với sự giữ gìn phát triển bản sắc của Huế qua các lễ hội như lễ tế cúng xã tắc, điện Hòn Chén...", ông Tuyên lý giải.

Ở mỗi hoàn cảnh, mỗi nghi lễ sẽ mang một nét riêng. Trong cung đình, lọng che vua màu vàng có thêu hình rồng, phụng. Trong tiệc cưới dân gian, lọng có màu đỏ tạo nên không khí tươi vui. Theo nhiều tài liệu lịch sử, nghề làm lọng ở nước ta bắt đầu từ thời Lê - Mạc, ông tổ nghề là Lê Quang Hành. Lọng được gọi là dù thần hay dù quan. Ngày xưa, việc đi lại hằng ngày hay công cán của vua quan đều sử dụng lọng. Tùy theo cấp bậc của quan mà chuyến công cán sẽ được bố trí bao nhiêu lọng, với màu sắc gì.

Ngày nay, lọng có mặt trong các lễ cưới, đám ma hay cúng bái. "Những chiếc lọng cung đình Huế giờ cũng đi xa hơn, qua châu Âu phục vụ kiều bào làm lễ cưới hỏi hay các sự kiện văn hóa. Tôi nhận nhiều đơn hàng hơn và cũng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, tìm hiểu để cải tiến nhưng cũng phải luôn giữ hồn phách của văn hóa truyền thống", ông Tuyên nói.

KHÚC VĨ THANH TƯƠI SÁNG

Ở tuổi xế chiều, ông Tuyên thấy vui khi các con hăng say nối nghiệp. Xen lẫn trong những lời kể của ông Tuyên là tiếng chẻ tre lách tách phía sau nhà xưởng. Ở đấy đang có khoảng 15 nghệ nhân, thường xuyên sơ chế tre, cưa, uốn, khoan, chẻ, vót, phơi, sấy, sơn… cho đến các khâu đòi hỏi sự khéo léo, tính nghệ thuật cao như lắp ghép, thắt, khâu, chạm trổ rồng phụng, tra cáng. "Để hoàn thành một chiếc lọng phải mất hàng chục công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi tính tỉ mỉ", anh Hoàng Minh Quốc (40 tuổi, nghệ nhân làm nghề tại cơ sở ông Tuyên) nghỉ tay tiếp chuyện.

Độc, hiếm nghề làm lọng cung đình - Ảnh 2.

Một chiếc lọng đã hoàn thiện tại cơ sở nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên

LÊ HOÀI NHÂN

Thân lọng phải là những cây tre đực dài khoảng 2 m được phơi khô, uốn thẳng rồi đánh bóng. Cũng giống như một chiếc dù khổng lồ, sườn lọng được đan từ các nan tre vót đều, cố định tâm bằng một khối gỗ tròn rỗng ruột gọi là "gen", bộ phận dùng để bung ra thu vào. Sau đó, người thợ sẽ phủ lên khung một lớp vải che bằng lụa.

Theo anh Quốc, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhưng "khó nhằn" nhất là việc xử lý nguyên liệu, phải biết cách chống mối mọt, uốn thẳng rồi vót thật mịn và đều. Nghề thủ công này còn đòi hỏi các nghệ nhân phải "thổi hồn" vào từng thanh tre, sợi chỉ, đường sơn, khúc gỗ thì mới cho ra sản phẩm bền đẹp, tăng dần tính mỹ thuật. "Duy trì nghề này cũng cần có bí quyết riêng. Nếu không biết cách xử lý thì nguyên liệu sẽ rất dễ bị mối mọt, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, khó giữ được khách hàng. Chính vì vậy, nhiều cơ sở đã phải đóng cửa", anh Quốc giải thích.

Ngày nay, việc chế tạo lọng đã sử dụng máy móc phụ trợ ở nhiều khâu như khoan, tiện, mài, nhưng công đoạn chẻ tre, sơn, thêu… đều phải qua đôi tay của nghệ nhân. Và cả những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ may vải che. Trong gia đình nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên, chị Hoàng Thị Âu Lim (38 tuổi, con gái ông Tuyên) là người đảm nhiệm công đoạn này.

Theo chị Lim, nhu cầu đặt hàng hiện nay cao hơn, vì vậy áo lọng cũng được cải cách thêm nhiều mẫu mã đẹp mắt, tinh xảo. Cơ sở này đã cho hàng trăm chiếc lọng xuất ngoại, phục vụ bà con người Việt xa xứ tổ chức lễ cưới theo văn hóa của quê hương. Giá thành mỗi chiếc lọng cung đình bán ra thị trường dao động từ 800.000 đồng đến 5 triệu đồng tùy theo đơn đặt hàng và yêu cầu của khách. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.