Đội Olympic Việt Nam: Cứ đi rồi cũng thành đường

15/09/2023 06:16 GMT+7

ASIAD khắc nghiệt, với những đối thủ nặng ký hơn rất nhiều so với SEA Games hay vòng loại U.23 châu Á. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", hy vọng các trận đấu chất lượng ở đấu trường tầm cỡ này sẽ là những bài học quý giá để Olympic VN trưởng thành.

OLYMPIC VN DẦN TRƯỞNG THÀNH

Nhìn lại SEA Games 32, giải vô địch U.23 Đông Nam Á rồi vòng loại U.23 châu Á 2024, các cầu thủ trẻ VN tuy không có chất lượng quá vượt trội nhưng cũng có sự tiến bộ nhất định. Đội Olympic VN đến ASIAD 19 với nhân sự pha trộn: bộ khung từ SEA Games 32 với những trụ cột của lứa U.20 sinh năm 2003 như Nguyễn Thanh Nhàn, Khuất Văn Khang, Nguyễn Quốc Việt, Đinh Xuân Tiến, Nguyễn Thái Sơn; những cầu thủ thuộc lứa sinh năm 2001 như Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng, Quan Văn Chuẩn… Lứa cầu thủ sinh năm 2002 chỉ còn mỗi Võ Nguyên Hoàng. Ngoài ra còn thêm những nhân tố như Nhâm Mạnh Dũng, Đỗ Sỹ Huy, Trần Nam Hải, Nguyễn Đình Bắc… Chính sự pha trộn này đem lại nhiều cảm nghĩ khác nhau cho giới chuyên môn và khán giả, vừa tin tưởng nhưng lại cũng chất chứa những âu lo.

Đội Olympic Việt Nam: Cứ đi rồi cũng thành đường - Ảnh 1.

HLV Hoàng Anh Tuấn

Đội Olympic Việt Nam: Cứ đi rồi cũng thành đường - Ảnh 2.

Đội Olympic Việt Nam: Cứ đi rồi cũng thành đường - Ảnh 3.

Đội Olympic Việt Nam: Cứ đi rồi cũng thành đường - Ảnh 4.

Cứ đi rồi cũng thành đường - Ảnh 1.

Buổi tập chất lượng của Olympic VN vào ngày 14.9

VƯƠNG ANH

Đinh Xuân Tiến xuất sắc tại giải vô địch U.23 Đông Nam Á (đồng danh hiệu Vua phá lưới) nhưng lại chấn thương và vắng mặt tại vòng loại U.23 châu Á; Nguyễn Đức Phú, Nguyễn Quốc Việt, Bùi Vĩ Hào, Khuất Văn Khang chưa thật sự ổn định khi vẫn trận hay, trận dở. Tuy nhiên chúng ta vẫn đặt niềm tin lớn vào các cầu thủ trẻ bởi trải qua những đấu trường "vừa và nhỏ", trình độ chuyên môn không thể không phát triển ít nhiều. Bộ đôi Tuấn Tài - Minh Trọng bên phía hành lang cánh trái vẫn giữ được sự ổn định và khả năng phối hợp ăn ý. Ngoài ra, cách mà các cầu thủ chọn vị trí và di chuyển cũng cho thấy họ bắt đầu hiểu và thấm nhuần được triết lý cũng như yêu cầu của thầy Troussier. Tại ASIAD 19, dẫn dắt đội Olympic là HLV Hoàng Anh Tuấn - người rất hiểu các cầu thủ và ông sẽ phải chỉnh sửa những nhược điểm tồn tại của các học trò trẻ. Kỹ năng xử lý bóng cá nhân của các cầu thủ cần phải tốt hơn, tốc độ luân chuyển bóng phải nhanh hơn, nhịp kiểm soát và tấn công phải hợp lý hơn, những đường chuyền cuối cùng và kỹ năng dứt điểm phải được cải thiện hơn.

Mông Cổ, Iran và Ả Rập Xê Út: Đánh giá sức mạnh các đối thủ của U.23 Việt Nam tại ASIAD 19

CÓ CÔNG MÀI SẮT CÓ NGÀY NÊN KIM

Có lẽ đó sẽ là tiêu chí mà HLV Hoàng Anh Tuấn hướng đến khi cùng đội Olympic VN chiến đấu tại đấu trường ASIAD 19. Việc Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đồng ý chủ trương tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi đấu với mục tiêu hướng đến tương lai cũng là một chiến lược phù hợp với bối cảnh hiện tại. Và đó cũng là một yếu tố khách quan giúp cho Olympic VN phần nào giảm áp lực thành tích để có thể đạt được kết quả tích cực.

Đội Olympic Việt Nam: Cứ đi rồi cũng thành đường - Ảnh 2.

Văn Khang và Đình Bắc là những cầu thủ trẻ đầy tiềm năng của bóng đá Việt Nam

MINH TÚ

Dưới sự dẫn dắt của HLV người Khánh Hòa, các cầu thủ trẻ vẫn sẽ được thi đấu với sơ đồ 3-4-3 quen thuộc. Triết lý huấn luyện cũng như những yêu cầu với cầu thủ sẽ không khác nhiều so với những gì HLV Philippe đặt ra trước đó. Có chăng HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ đề cao hơn tính thực dụng. Với sự hiểu biết sâu sắc về tiềm năng của các cầu thủ Olympic VN, ông Tuấn sẽ có những liệu pháp để các học trò phát huy tốt nhất khả năng của mình. Chẳng hạn sẽ mạnh dạn sử dụng những trung vệ trẻ có khả năng phát động tấn công tốt như Lê Nguyên Hoàng, Nguyễn Mạnh Hưng ở đội hình xuất phát. Nhưng gần như bộ đôi đá chính ở khu vực giữa sân sẽ thuộc về Thái Sơn và Đức Việt, những người chơi cơ động, có khả năng tranh chấp và thu hồi bóng tốt. Xuân Tiến kỹ thuật, sáng tạo nhưng thể lực yếu sẽ chỉ được sử dụng ở một vài thời điểm. Chắc chắn ở sân chơi ASIAD lần này, Olympic VN sẽ chú trọng nhiều hơn ở khả năng phòng ngự toàn đội, pressing ở từng khu vực, từng thời điểm cụ thể và mấu chốt sẽ là giành bóng chuyển đổi và phản công.

Tóm lại rất khó đòi hỏi một tập thể với nhiều cầu thủ lứa U.20, thậm chí là có cả những nhân tố U.17, U.18 phải đạt thành tích khả quan ở ASIAD. Nhưng nếu giao nhiệm vụ cho đội bóng tiến bộ và từng bước vượt qua chính mình thì biết đâu chúng ta lại làm nên những bất ngờ thú vị. Với các cầu thủ trẻ thì quan trọng nhất vẫn là có cơ hội được ra sân thi đấu, được trải nghiệm môi trường đỉnh cao, được đối đầu trực tiếp với những đối thủ chất lượng hàng đầu châu lục. Đó mới là những bài học quý giá. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.