Đối tác quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chung

28/11/2023 08:19 GMT+7

Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế khi trả lời Thanh Niên về quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận định Nhật Bản xem Việt Nam là đối tác then chốt ở Biển Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Đối tác quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chung - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 27.11 đã tiếp ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam

TTXVN

"Với hệ thống chính trị ổn định cùng dân số trẻ, Việt Nam là điểm đến lý tưởng để Nhật Bản đa dạng hóa có chọn lọc chuỗi cung ứng. Việt Nam có vị thế đáng tin cậy ở Biển Đông để cùng phối hợp giữ vững an ninh, giải quyết thách thức bá quyền tại khu vực. Việc nâng cấp quan hệ với Nhật Bản vẫn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ngoại giao 4 không của Việt Nam, nhưng cũng chia sẻ các lợi ích chung đối với hòa bình, ổn định ở khu vực", GS Nagy phân tích.

Tương tự, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) nhận xét: "Quan hệ hai nước đang ngày càng tốt đẹp. Nhật Bản đã hỗ trợ tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Hai bên sắp tới còn có thể hướng đến nhiều chương trình hợp tác an ninh, quốc phòng để đảm bảo an ninh, hòa bình cho khu vực, nhất là Biển Đông".

"Việt Nam đang ngày càng đa dạng hóa quan hệ hợp tác quốc tế. Trong các mối quan hệ, quan hệ Việt - Nhật ngày càng phát triển ổn định và có rất ít rào cản", GS Sato đánh giá thêm.

Cùng quan điểm, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) khẳng định: "Quan hệ Việt - Nhật rất quan trọng cả về kinh tế, an ninh lẫn chính trị. Về an ninh, tình hình Biển Đông thúc đẩy hai nước phải tăng cường hợp tác. Gần đây, Nhật Bản tăng cường hợp tác, hỗ trợ về an ninh cho Việt Nam, và các chương trình hợp tác có lẽ còn được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới".

Cụ thể hơn, theo TS Nagao, trong đó khía cạnh kinh tế cũng rất quan trọng. Các công ty Nhật Bản hiện đang chuyển nhà máy sang Việt Nam vì thế mạnh của Việt Nam về lực lượng lao động. Nhật Bản cũng tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam.

Ông Nagao dẫn chứng: "Theo Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản, vào cuối năm 2022, có hơn 500.000 người Việt sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Con số này đang không ngừng tăng lên. Người Việt đang đứng thứ 2 về người nước ngoài tại Nhật Bản. Nhưng các xu hướng đang diễn ra cho thấy người Việt có thể sớm trở thành nhóm người nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản. Nhờ đó, quan hệ kinh tế dựa trên sự kết nối nhân dân giữa hai nước sẽ bền chặt".

Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã thể hiện rõ mong muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Đầu năm nay, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM công bố khảo sát cho thấy các chỉ số về triển vọng, lợi nhuận, mở rộng đầu tư kinh doanh… của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng mạnh. Qua đó, có đến 60% doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Phân tích thêm, TS Nagao chỉ ra: "Về mặt chính trị, lãnh đạo hai nước đã thường xuyên thúc đẩy hợp tác trong thời gian qua. Việt Nam trở thành một trong các điểm đến trong chuyến công du nước ngoài của nhiều đời Thủ tướng Nhật Bản như Abe Shinzo, Suga Yoshihide và mới nhất là đương kim Thủ tướng Kishida Fumio. Điều này có nghĩa là Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác rất quan trọng".

TS Nagao kỳ vọng: "Việt Nam và Nhật Bản đều vun đắp cho mối quan hệ này, nên trong thời gian tới thì quan hệ hai nước sẽ còn phát triển hơn nữa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.