Đồng thuận rất cao việc đổi tên thẻ căn cước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/11/2023 08:02 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Căn cước, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sẽ được Quốc hội thông qua cuối tháng 11 này.

Ngày 15.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Căn cước, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sẽ được Quốc hội thông qua cuối tháng 11 này.

BỘ CHÍNH TRỊ THỐNG NHẤT RẤT CAO

Giải trình với ý kiến đề nghị cân nhắc không đổi tên luật, tên thẻ từ căn cước công dân (CCCD) thành căn cước như đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội (QH) Lê Tấn Tới cho biết cơ quan thẩm tra cho rằng việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước (TCC) là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong TCC và hình thức, phương thức quản lý số.

"Việc này giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số", ông Tới nói.

Đồng thuận rất cao việc đổi tên thẻ căn cước - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Cạnh đó, ông Tới cho hay, luật CCCD hiện hành chỉ quy định về cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên; dự thảo luật Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam). Riêng đối với người gốc Việt Nam thì không cấp TCC mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước. Do đó, việc đổi tên luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ góp ý báo cáo tiếp thu giải trình nên khẳng định hầu hết ý kiến đồng ý với việc đổi tên luật và thẻ, chỉ có một số ý kiến cá biệt khác ở kỳ trước, cho đến giờ không còn vấn đề này nữa. "Bộ Chính trị đã đồng thuận, thống nhất rất cao về chuyện đổi tên dự án luật này. Cho nên nội dung này không cần phải giải trình quá nhiều", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

KHÔNG TĂNG SỐ LƯỢNG, KINH PHÍ

Báo cáo một số nội dung lớn của dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, ông Lê Tấn Tới cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định để xác định rõ lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chịu sự lãnh đạo "toàn diện" của cấp ủy Đảng, sự quản lý, "chỉ đạo, điều hành" của UBND cấp xã.

Về tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng, cơ quan thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý để quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi. Trường hợp từ 70 tuổi trở lên mà bảo đảm sức khỏe thì chủ tịch UBND cấp xã quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã. Cạnh đó, dự thảo luật cũng chỉnh lý quy định trình độ văn hóa là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục THCS trở lên.

Đối với những băn khoăn liên quan đến biên chế và ngân sách, ông Tới trình bày sau khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đã có Báo cáo số 518 ngày 6.10, đánh giá tác động về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo đó, với việc hình thành tổ bảo vệ ANTT và dự tính kinh phí thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với hiện nay.

Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, một điểm mừng là QH thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập, trên cơ sở tự nguyện của người dân, để hỗ trợ công an cấp xã và giúp UBND cùng cấp trong bảo đảm ANTT. "Chúng ta không xác định đây là tổ chức tự nguyện, tự quản nữa mà là chính quyền thành lập về ANTT, còn tính chất của nó là tự nguyện tham gia", Chủ tịch QH nói. Cạnh đó, các nội dung góp ý cũng đã được cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu.

Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương lưu ý lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là mô hình do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của quần chúng, hoạt động theo nguyên tắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền. Còn công an xã có trách nhiệm phân công, kiểm tra. Ông Phương khẳng định về việc bảo đảm điều kiện kinh phí, so với mức chi trả hiện hành là không làm tăng thêm về ngân sách. Luật cũng quy định theo hướng mở về số lượng để địa phương quy định tùy theo tình hình thực tế, yêu cầu tại địa phương. "Tôi tin chắc luật này cũng sẽ thông qua với một tỷ lệ cao", ông nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.