Đột phá công nghệ giúp tàu sân bay Trung Quốc dùng vũ khí bội siêu thanh

11/10/2022 19:23 GMT+7

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã có bước đột phá công nghệ giúp các tàu sân bay nước này có thể sử dụng vũ khí bội siêu thanh .

Máy bay chiến đấu J-15 hoạt động trên tàu sân bay Trung Quốc có khả năng mang theo tên lửa lớn

afp

South China Morning Post ngày 11.10 đưa tin các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đạt được đột phá trong công nghệ hậu cần giúp đơn giản hóa và tăng tốc độ sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí. Thành tựu này giúp các tàu sân bay của Trung Quốc sẽ có thể sử dụng vũ khí bội siêu thanh.

Nghiên cứu này do các nhà khoa học thuộc Học viện Tên lửa Phòng không Trung Quốc ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam thực hiện và được công bố trên tạp chí Aero Weaponry của Trung Quốc vào ngày 1.10.

Theo nghiên cứu, các vũ khí sẽ được phóng từ máy bay chứ không phải tàu sân bay. Ông Xiao Jun, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết chúng có thể truy lùng hàng loạt mục tiêu có giá trị cao trên không hoặc trên mặt đất và có thể được sử dụng làm vũ khí chống vệ tinh.

Nhóm nghiên cứu cho biết vũ khí bội siêu thanh phóng từ trên không của Trung Quốc, vốn chưa được tiết lộ với công chúng, có điểm tương đồng với tên lửa Kinzhal của Nga. Các tên lửa này có thể đạt tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh trong phạm vi 1.000 km.

Chúng có thể giúp tăng phạm vi tác chiến của hạm đội tàu sân bay Trung Quốc lên hơn 2.500km - tương đương khoảng cách từ phía đông Đài Loan đến đảo Guam - bằng các cuộc không kích cực nhanh có thể xuyên thủng hầu hết các hệ thống phòng không.

Tuy nhiên, vũ khí bội siêu thanh khó bảo trì và sửa chữa hơn tên lửa truyền thống, đặc biệt là trên biển. Cho đến nay, chưa có thông tin về việc sử dụng công nghệ bội siêu thanh trên tàu sân bay.

Xiao và các đồng nghiệp của ông cho biết nghiên cứu của họ về việc sửa chữa và bảo dưỡng nhanh các vũ khí bội siêu thanh đã vượt qua các cuộc thử nghiệm thực địa nghiêm ngặt do quân đội tiến hành trong môi trường tàu sân bay và các môi trường chiến đấu đầy thử thách khác.

Trung Quốc khoe các tàu ngầm hạt nhân hiện đại cùng đội tàu sân bay Liêu Ninh

Theo nhóm nghiên cứu, trong các cuộc thử nghiệm thực địa, bao gồm cả một số cuộc thử nghiệm tiến hành trong "điều kiện khắc nghiệt" trên tàu sân bay, phương pháp mới đã giảm thời gian sửa chữa và bảo dưỡng trung bình xuống chỉ bằng 1/10 phương pháp truyền thống. Công nghệ mới cũng sẽ giúp cải thiện tuổi thọ của vũ khí bội siêu thanh.

Nhóm nghiên cứu cho biết công nghệ này sẽ hữu ích với “một số lượng lớn tên lửa phóng từ trên không đang được phân phối rộng rãi trong các căn cứ quân sự nội địa, sân bay ven biển và tàu sân bay ở vùng biển xa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.