Đột phá mới cho đồng bằng sông Hồng

Mai Hà
Mai Hà
08/12/2023 06:36 GMT+7

Chiều 7.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng về quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa quan trọng, giúp "mở đường", chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng. Theo đó, phát triển KT-XH vùng đồng bằng sông Hồng phải trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nổi trội của cả vùng, cũng như từng địa phương trong vùng để trở thành vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt…

Phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng; chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Liên quan đến nội dung liên kết giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, con đường kết nối di sản khu vực sông Hồng dự kiến sẽ khởi công trong quý 1/2024; đường cao tốc Hưng Yên - Thái Bình sẽ được triển khai thời gian tới…

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ KH-ĐT khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12. Cùng với vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò đặc biệt, đóng góp trên 50% GDP của cả nước, do đó, quy hoạch phải phát huy, khai thác tối đa tiềm năng rất khác biệt, cơ hội rất nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ của vùng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu quy hoạch phải khai thác mạnh mẽ các đặc trưng của Hà Nội nghìn văn năm hiến, anh hùng, nền văn minh lúa nước. Đây là vùng có lợi thế cửa ngõ kết nối Trung Quốc - ASEAN bằng cả đường bộ và đường biển, trong đó con đường qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) là đường kết nối ngắn nhất (khoảng 500 km) giữa vùng đồng bằng sông Hồng với vùng kinh tế phát triển năng động nhất Trung Quốc. So với các vùng khác trên cả nước, đồng bằng sông Hồng cũng gần khu vực Đông Bắc Á nhất. Do đó, phải xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về phát triển kinh tế.

"Đi đôi với tiềm năng, lợi thế, cơ hội này là những chương trình, dự án cụ thể và các cơ chế, chính sách phù hợp", Thủ tướng nhấn mạnh. Song bên cạnh đó, đồng bằng sông Hồng cũng có một số khó khăn như diện tích nhỏ nhưng dân số lớn, mật độ dân số lớn nhất cả nước, do đó phải tiến hành đô thị hóa, khai thác không gian ngầm như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… Vấn đề môi trường, các dòng sông bị ô nhiễm cần có giải pháp xử lý. Về nhân lực, vùng phải dẫn dắt, điều phối trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Về nguồn lực, phải lấy nguồn lực bên trong (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa, với cơ chế, chính sách phù hợp) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (FDI, vốn vay, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, tham khảo kinh nghiệm, thể chế của quốc tế) là quan trọng và đột phá.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.