Du lịch canh nông tạo giá trị tổng hợp cho ngành nông nghiệp

15/11/2023 12:30 GMT+7

Với nhiều lợi thế “trời cho”, Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch canh nông và bước đầu đã mang lại hiệu quả góp phần tạo ra giá trị tổng hợp cho ngành nông nghiệp.

Du lịch canh nông đang được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đà Lạt

Du lịch canh nông đang được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đà Lạt

Ảnh: G.B

Mô hình mới, hiệu quả

Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, nhất là những loại nông sản đặc sản có ưu thế như rau, hoa có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới, cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê...

Theo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, đến nay trên địa bàn có hơn 30 mô hình du lịch canh nông (DLCN). Các mô hình này đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư khoảng 377 tỉ đồng. Có thể nói, với mô hình DLCN, nhiều lợi ích được mang lại cho người nông dân, lẫn ngành du lịch.

Công ty CP Long Đỉnh (H.Lâm Hà) khai thác DLCN với sản phẩm chè hữu cơ và bình thường mỗi ngày đón từ 70 - 100 du khách tham quan, dịp lễ lên đến 700 du khách/ngày. Theo bà Trần Phương Uyên, Phó giám đốc công ty, tham gia DLCN tại Long Đỉnh du khách sẽ được trải nghiệm trà từ khi thu hoạch, chế biến và tạo ra sản phẩm, được thưởng thức ẩm thực, "ẩm thủy" liên quan đến trà, được sử dụng các chương trình bảo vệ sức khỏe từ trà và tận hưởng thiên nhiên trong lành. DLCN là mô hình hoạt động mang lại hiệu ứng về thương hiệu, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm trực tiếp tại nông trại.

Địa điểm du lịch canh nông của Công ty CP Long Đỉnh

Địa điểm du lịch canh nông của Công ty CP Long Đỉnh

Ảnh: G.B

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty chuyên về DLCN ở TP.Đà Lạt, cho biết, trước đây công ty chỉ trồng rau sạch và đã dùng vườn rau (khoảng 2 ha) làm nơi quảng bá giới thiệu công nghệ và sản phẩm. Từ đây, công ty nhận được nhiều ý kiến tích cực của khách hàng và rồi từ 7 năm trước có nhiều công ty du lịch lữ hành liên hệ, hình thành tour tham quan. Công ty mở rộng diện tích (lên 6 ha) để làm DLCN và đầu tư rất bài bản. Tại đây có đầy đủ các khu sản xuất rau thủy canh, trồng hoa, quả, có hạ tầng hiện đại với đầy đủ nhà hàng, bãi đậu xe, showroom trưng bày đặc sản Đà Lạt. "DLCN đang là thế mạnh, hiệu quả mang lại cao hơn hẳn các ngành nghề khác, có thể nói là hiệu quả kép bởi thu được tiền bán vé, rồi thu hoạch sản phẩm bán cho khách và tiếp đó quảng bá được sản phẩm trực tiếp cho công ty cũng như các hộ liên kết. Với 6 ha này, hiện nay nếu trồng trọt doanh thu chỉ đạt khoảng 20 tỉ đồng/năm, trong khi làm DLCN doanh thu lên đến 100 - 120 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần làm nông nghiệp thuần túy", lãnh đạo công ty này tiết lộ.

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, DLCN được xem như một giải pháp hoàn hảo nâng cao chất lượng cuộc sống, là dịp hoài niệm lại những kỷ niệm tốt đẹp thời niên thiếu giúp một bộ phận du khách có điều kiện ôn lại truyền thống ở những gia đình xuất thân từ nông dân nhưng hiện tại đang sinh sống và làm việc ở các đô thị lớn, nay có dịp quay trở lại trải nghiệm thực tế đồng ruộng,… Việc triển khai hoạt động DLCN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến với du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Du khách tìm hiểu về quy trình trồng, thu hoạch trà

Du khách tìm hiểu về quy trình trồng, thu hoạch trà

Ảnh: G.B

Đừng để chỉ là nơi cho khách chụp hình

Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Đà Lạt, cho hay có đến 80% lượng du khách của đơn vị khi đến Đà Lạt đều ghé tham quan ít nhất 1 điểm DLCN. Hiện nay du khách cần nhiều sản phẩm đa dạng và trải nghiệm nông nghiệp nhiều hơn, trong khi hoa và rau củ từ nhà vườn chỉ mới nhìn ngắm chụp hình chứ trải nghiệm canh nông và tìm hiểu thông tin hầu như rất hạn chế. "DLCN cần gắn liền với vùng nguyên liệu và để tạo sự chuyên nghiệp thì nên có một đơn vị điều hành điểm DLCN chung, kết nối với các nhà nông và khả năng setup, chuẩn bị dịch vụ và phục vụ chuyên nghiệp hơn thì sẽ không bị manh mún, nhỏ lẽ, thiếu nghiệp vụ như hiện nay. Cần kết hợp với các lễ hội, trò chơi dân gian tại địa phương để tạo ra bản sắc đặc biệt tại mỗi khu điểm DLCN. Ngoài ra cần có một dự báo về thời gian thu hoạch nông sản để tạo sản phẩm trải nghiệm đặc thù ở từng tháng, từ đó sẽ có chiến dịch truyền thông quảng cáo và thúc đẩy đầu ra cho nhà vườn cũng như tăng trải nghiệm du khách", ông Nghĩa nói.

Bà Trần Phương Uyên, cho biết thêm: "Các địa phương cần hỗ trợ các điểm DLCN kết hợp với nhau để tạo thành chuỗi giá trị, tạo sự phát triển bền vững, tránh tình trạng tự phát, các mô hình trùng lắp với nhau thành ra cạnh tranh, không hỗ trợ nhau để cùng phát triển".

Du khách rất thích trải nghiệm thu hoạch dâu tây

Du khách rất thích trải nghiệm thu hoạch dâu tây

Ảnh: G.B

Lãnh đạo công ty chuyên về DLCN nói trên, góp ý cơ quan nhà nước cần đưa ra một bộ tiêu chí chung của DLCN. Đủ tiêu chí thì mới cho hoạt động chứ không để phát triển tự do, thiếu kiểm soát dẫn đến lộn xộn, ảnh hưởng đến DLCN.

Theo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, do là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình DLCN, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp, nên hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành T.Ư trong quá trình tổ chức thực hiện dẫn đến quản lý loại hình du lịch này gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó, hoạt động DLCN chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp nên không được phép đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng yêu cầu của hoạt động kinh doanh DLCN là phải có đường đi, nhà vệ sinh, khu trưng bày, nhà chờ, bãi đậu xe phục vụ du khách... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.