Ế 13.400 lượng vàng đấu thầu

24/04/2024 06:30 GMT+7

16.800 lượng vàng đấu thầu thì ế 13.400 lượng vì giá đưa ra cao. Ngay lập tức giá vàng trên thị trường quay đầu tăng trở lại.

Giá cao, lượng lớn, thị trường mỏng = ế

Ngày 23.4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố kết quả đấu thầu 16.800 lượng vàng. Theo đó 2 thành viên đã trúng thầu 3.400 lượng, tương ứng 34 lô. Mức giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng, cao nhất 81,33 triệu đồng. Đây là phiên đấu thầu đầu tiên sau 12 năm NHNN thực hiện.

Giá vàng trong nước chênh lệch rất nhiều so với thế giới

Giá vàng trong nước chênh lệch rất nhiều so với thế giới

Đào Ngọc Thạch

Được biết mức giá phát thầu đấu 16.800 lượng vàng đưa ra sáng nay ở mức 81,32 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn mức giá mua vào của các đơn vị kinh doanh trên thị trường tại cùng thời điểm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Đáng nói, ngay thời điểm phiên đấu thầu chuẩn bị diễn ra, giá vàng thế giới đã giảm mạnh hơn 30 USD/ounce, có lúc xuống 2.299 USD/ounce rồi sau đó dao động trong khoảng 2.306 - 2.310 USD/ounce (vào khoảng 71 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí). Vì thế, các đơn vị đồng loạt giảm mạnh giá vàng miếng từ 1 - 1,3 triệu đồng/lượng, dao động từ 79,8 - 82,3 triệu đồng mỗi lượng chiều mua vào - bán ra.

Sau khi kết thúc phiên đấu thầu vào giờ trưa, giá mua vàng miếng SJC trên thị trường bật tăng trở lại, thêm 500.000 - 900.000 đồng mỗi lượng. Công ty SJC tăng giá mua lên 80,7 triệu đồng, bán ra lên 83 triệu đồng; ACB mua vào 81 triệu đồng, bán ra 83 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu lên 80,85 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 82,8 triệu đồng… Không những vậy, giá bán sỉ trên thị trường cũng tăng từ mức 81,2 triệu đồng/lượng lên 82 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC đắt hơn thế giới tăng lên 12 triệu đồng/lượng.

2 thành viên trúng thầu 3.400 lượng vàng

11 thành viên tham gia đấu thầu vàng, nhưng chỉ 2 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng, tương ứng 20% khối lượng đấu thầu. Còn lại 13.400 lượng vàng không ai mua.

Với mức giá trúng thầu 81,32 - 81,33 triệu đồng/lượng, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng giá cao chính là nguyên nhân khiến lượng vàng đấu thầu không bán được còn nhiều. So với vàng thế giới, mức giá trúng thầu cao hơn 10 triệu đồng/lượng. Nếu cộng với biên độ 2 triệu đồng/lượng thì giá bán ra có thể lên 83,3 triệu đồng/lượng.

"Để có mức giá hấp dẫn các thành viên tham gia đấu thầu, NHNN có thể lấy giá mua bình quân của các đơn vị kinh doanh vàng lớn trên thị trường phát giá. Ngoài ra, do khối lượng tối thiểu 1.400 lượng, một đơn vị kinh doanh vàng sẽ mất khoảng 1 tuần mới có thể bán hết số vàng này. Do đó NHNN có thể điều chỉnh lại khối lượng tối thiểu đấu thầu xuống 1.000 lượng, tối đa 2.000 lượng", ông Khánh góp ý.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới, nhận xét mức giá trúng thầu là khá cao so với giá thị trường, điều này cho thấy giá bán lẻ sẽ tiếp tục được neo xung quanh mức giá 82 triệu đồng/lượng. Mức giá này cũng chưa tạo được tâm lý bán vàng SJC từ người dân đang có vàng nắm giữ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, 2 đơn vị trúng thầu lần này là ACB và Công ty SJC mà không có những "tay chơi" lớn với nhiều kinh nghiệm như Tập đoàn Doji, PNJ. Điều này cho thấy nhu cầu vàng trên thị trường không cao và mức giá chào thầu mà NHNN đưa ra khá cao. Chưa kể với thị trường bán lẻ hiện nay thì khối lượng đấu thầu tối thiểu 1.400 lượng là khá nhiều. Với quy mô thị trường giao dịch khá "mỏng" hiện nay, NHNN có thể điều chỉnh khối lượng tối thiểu xuống 500 lượng sẽ thu hút được nhiều thành viên tham gia đấu thầu.

Ngoài tăng cung, cần thêm các biện pháp khác để kéo giá

Ông Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng đấu thầu vàng là để tăng nguồn cung, kéo giá vàng trong nước sát thế giới. Khi tăng cung mà sức mua trên thị trường không có sẽ tạo ra dư thừa và từng bước giá sẽ điều chỉnh giảm. Tăng cung là giải pháp đầu tiên để bình ổn giá. Sau đó theo quy luật cung cầu, cùng với diễn biến giá thế giới thì giá trên thị trường sẽ được điều chỉnh về mức mong muốn mà không gây xáo trộn trên thị trường. "Đây mới là phiên đầu tiên đấu thầu nên cần theo dõi thêm có xuất hiện phiên đấu thầu nào nữa hay không", ông Trọng nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhận định việc khối lượng vàng được trúng đấu thầu ít cho thấy các ngân hàng, công ty kinh doanh vàng chưa quan tâm, có thể còn chờ để giá vàng giảm xuống thấp hơn. "Kết quả đấu thầu này không tác động nhiều đến thị trường vàng, nhất là khi giá trúng thầu không thấp hơn nhiều so với giá bán ra của SJC. Có thể NHNN cần phải tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng trong thời gian tới theo mục tiêu nhằm tăng cung cho thị trường vàng. Tuy nhiên, về dài hạn, nên sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để thị trường trong nước liên thông với thế giới. Trong đó, xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Từ đó nguồn cung sẽ đều đặn, tùy thuộc theo nhu cầu của thị trường. Như vậy giá vàng trong nước sẽ rút ngắn mức chênh lệch, tiến gần sát với giá thế giới hơn", ông Hiếu nói.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định Chính phủ, NHNN cũng đang có kế hoạch dùng nhiều công cụ, giải pháp để bình ổn thị trường vàng, giảm chênh lệch giá vàng trong nước (chủ yếu là thương hiệu SJC) và giá vàng quốc tế. Trong đó có việc tăng cung vàng miếng và sửa đổi Nghị định 24, cũng như các giải pháp như kiểm soát chặt chẽ buôn lậu, thanh toán bằng hóa đơn điện tử, thanh tra - giám sát các cơ sở kinh doanh vàng... Vì vậy, việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn và chưa đủ để kéo chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế. Giải pháp về dài hạn là phải sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp hơn và nên bỏ độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng của NHNN.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC bơm lượng tiền nhiều nhất từ trước đến nay

Ngày 23.4, NHNN bơm gần 36.000 tỉ đồng thông qua thị trường mở, đây là phiên có khối lượng nhiều nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, 9 thành viên tham gia thị trường trúng thầu tín phiếu với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,25%/năm. Trong khi đó, ở chiều hút tiền về, 2 trong 3 thành viên tham gia đấu thầu trúng khối lượng tín phiếu 2.150 tỉ đồng; thế nhưng kỳ hạn kéo dài lên 28 ngày và lãi suất 3,73%năm. Như vậy trong ngày 23.4, NHNN bơm ròng 33.850 tỉ đồng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đi xuống, giảm 0,1 - 0,2%/năm so với cuối tuần trước. Ngày 22.4, lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống 3,87%/năm, 1 tuần còn 4,37%/năm, 2 tuần 4,29%/năm, 1 tháng 4,22%/năm, 3 tháng 4,85%/năm, 6 tháng 4,42%/năm...

Thanh Xuân

Giá USD trong ngân hàng tiếp tục tăng

Hôm qua (23.4), NHNN công bố tỷ giá trung tâm giữa VND với USD là 24.275 đồng, tăng 3 đồng so với một ngày trước. Tương tự, giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại cũng tăng thêm 3 đồng và tiếp tục ghi nhận mức cao lịch sử. Cụ thể, Vietcombank mua chuyển khoản là 25.178 đồng và bán ra 25.488 đồng; Eximbank mua chuyển khoản 25.240 đồng và bán ra lên 25.488 đồng; BIDV mua vào 25.188 đồng và bán ra 25.488 đồng... Ngược lại, giá USD tự do quay đầu giảm mạnh. Cuối ngày hôm qua, một số điểm thu đổi ngoại tệ mua USD với mức 25.600 đồng và bán ra 25.720 đồng, giảm 150 đồng so với ngày 22.4.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng áp lực lên tỷ giá hối đoái của VN vẫn rất cao khi có thể Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lùi thời gian hạ lãi suất đến tháng 9 thay vì tháng 6 như dự báo trước đó. NHNN đã sử dụng nhiều công cụ để ổn định tỷ giá, kể cả việc công bố bán USD cho các ngân hàng. Tuy nhiên trong bối cảnh giá USD thế giới vẫn đang ở mức cao thì sẽ khó hạ nhiệt tỷ giá hối đoái tại VN. Cần chấp nhận mức biến động của tỷ giá USD/VND lên cao hơn, từ 5 - 6% trong cả năm 2024 mà không phải dừng ở mục tiêu 3%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.