EU ráo riết siết an ninh sau vụ xả súng rúng động ở Bỉ

Khánh Như
Khánh Như
19/10/2023 10:01 GMT+7

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm giải pháp giữa lúc làn sóng khủng bố ở châu lục này đang gia tăng, nhất là sau vụ xả súng ở Bỉ.

Các nhà lãnh đạo của Bỉ, Thụy Điển và Liên minh châu Âu (EU) đã hứa sẽ thắt chặt an ninh biên giới và đẩy mạnh việc trục xuất người nhập cư trái phép, sau khi một công dân Tunisia bắn chết 2 cổ động viên bóng đá Thụy Điển ở Brussels (Bỉ). Bỉ đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng, Reuters đưa tin.

Brussels, thủ đô của Bỉ, là nơi đặt trụ sở của các tổ chức EU. Vụ nổ súng đã nêu bật những khó khăn dai dẳng của EU trong việc quản lý tị nạn và di cư, bao gồm những lỗ hổng an ninh và việc không thể hồi hương những người không đủ điều kiện để nhập cư.

EU ráo riết siết an ninh sau vụ xả súng rúng động ở Bỉ - Ảnh 1.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tưởng niệm 2 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng hôm 16.10

REUTERS

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm 18.10 cho biết nếu các thành viên EU không thể bảo vệ biên giới khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, việc di chuyển tự do trong nội bộ khối sẽ không thể tồn tại. "Nếu không thể bảo vệ biên giới chung của khối, chúng ta sẽ không thể duy trì sự di chuyển tự do ở châu Âu", ông nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói EU cũng cần một hệ thống hiệu quả hơn để hồi hương những người nhập cư trái phép: "Đây là điều chúng ta cần giải quyết và chỉ có thể thực hiện điều đó một cách phối hợp".

Về vụ xả súng ở Brussels hồi đầu tuần này, thủ phạm là một tay súng 45 tuổi người Tunisia. Người này đến đảo Lampedusa của Ý vào năm 2011, sau đó sống ở Thụy Điển và xin tị nạn ở Bỉ. 

Do từng bị bỏ tù ở Thụy Điển vì buôn bán ma tuý, thủ phạm đã không đủ điều kiện tị nạn Bỉ và được lệnh rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, mệnh lệnh này đã không được thực thi chặt chẽ và dẫn đến việc người này vẫn ở lại Brussels.

Theo Ủy ban châu Âu, hiệp ước di cư mới của khối sẽ giúp ngăn chặn những tình huống như vậy bằng cách cho phép trục xuất nhanh hơn những người nước ngoài được coi là mối đe dọa an ninh. 

Hiệp ước mới đã được hầu hết các nước EU đồng ý và hiện đang được đàm phán thêm với Nghị viện châu Âu và có khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận trong năm nay. Dự kiến, các lãnh đạo EU sẽ thảo luận về vấn đề này trong tuần tới.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Brussels. Trong một đoạn video được đăng lên mạng trước khi bị cảnh sát bắn chết, kẻ xả súng tự xưng là Abdesalem Al Guilani. Đài truyền hình nhà nước Bỉ RTBF gọi người này là Abdesalem Lassoued.

Vì sao Thụy Điển và Đan Mạch lâm vào khủng hoảng kinh Koran?

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về an ninh liên quan cuộc xung đột Hamas-Israel. Bạo lực cũng diễn ra trong bối cảnh làn sóng đốt kinh Koran của người Hồi giáo đã lan rộng ở Thụy Điển và Đan Mạch.

Hồi tháng 8, Stockholm đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên mức cao thứ hai và cảnh báo về sự gia tăng các mối đe dọa chống lại người Thụy Điển trong và ngoài nước, sau khi các vụ đốt cháy làm dấy lên các mối đe dọa thánh chiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.