Gà gáy ở Trường Sa

22/05/2024 06:00 GMT+7

Tiếng gà gáy là hình bóng quê hương đã đi sâu vào tâm khảm của mỗi người. Và nay tại Trường Sa, tôi nghe tiếng gà gáy thân thương ấy vọng bên tai. Hạnh phúc khi khẳng định rằng đến với Trường Sa như trở về quê nhà của mình.

Một năm trước khi đặt chân đến Trường Sa, trên các điểm đảo vốn chỉ toàn là cát và đá san hô, tôi ngỡ ngàng với những giàn mướp hương quả treo lủng lẳng, các loại bí đỏ, bí xanh thay rau muống biển phủ kín mặt đất, xa xa là những cây chuối trổ buồng đang lớn nhanh như thổi… Nay, đến với các điểm đảo của Trường Sa, tiếng gà gáy vang vọng càng khiến chúng tôi xốn xang, thấy như quê nhà đang ở ngay trước mặt.

Trường Sa xanh hơn mỗi ngày

Chuyến hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 đã đưa chúng tôi đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đến đảo, cây xanh che bóng mát dẫn lối đoàn hành trình vào thăm, những em thơ vui đùa đến trường, tiếng ê a đọc bài trên lớp, xa xa vọng lại tiếng chuông chùa bình yên; bên cạnh những luống rau xanh mướt là tiếng gà gáy, vịt kêu, lợn ụt ịt… một quê hương nước Việt luôn hiện hữu giữa biển, đảo Trường Sa.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Phó đoàn công tác, Trưởng đoàn Hành trình

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Phó đoàn công tác, Trưởng đoàn Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024, thăm vườn rau tại Nhà giàn DK1/8

NỮ VƯƠNG

Chỉ cách đây một năm thôi, nay gặp lại, tôi thấy Trường Sa xanh hơn mỗi ngày. Năm trước các cán bộ, chiến sĩ đã hài hước khoe ở đảo nhưng da không đen vì có bóng cây mát rượi phủ khắp nơi, năm nay, các anh lại dí dỏm nói dù trời nắng nóng khắc nghiệt nhưng rau trồng được vẫn ăn thoải mái và thậm chí nhúng lẩu ăn còn được.

Các anh là vậy, dù cuộc sống có đối diện với nhiều khó khăn và khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, nhưng lúc nào cũng vui cười, hài hước và đầy quyết tâm. Cũng như dù có khô hạn, cằn cỏi hay khắc nghiệt đến đâu, màu xanh mơn mởn vẫn luôn hiện hữu ở Trường Sa đầy nắng gió.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 2.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 3.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 4.

Bầu, mướp quả treo lủng lẳng ở nơi quanh năm không chạm được mặt đất - Nhà giàn DK1/8

NỮ VƯƠNG

Màu xanh hôm nay tại đảo Song Tử Tây khiến tất cả thành viên đoàn hành trình đều phải trầm trồ. Nhưng khó có thể hình dung được khoảng 2 năm trước, một cơn bão lớn đi qua đã làm đổ gãy trên 95% số cây xanh ở đảo. Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, kể để khắc phục được hậu quả của bão, cán bộ, chiến sĩ đã quyết tâm, nỗ lực dựng lại từng cây bị đổ gãy, chống thêm cột để làm sao cây vững chắc và cứng cáp trở lại. Bên cạnh đó, trồng thêm cây mới, ra sức chăm bón, tăng cường dưỡng chất, thổ nhưỡng cho cây xanh tốt và phát triển một cách nhanh nhất.

"Với quyết tâm rất cao nên khoảng 1 năm rưỡi là cây xanh đã cơ bản được hồi phục, để tạo bóng mát, đảm bảo môi trường sống mát mẻ, trong lành cho người dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo", thượng tá Nguyễn Văn Khương chia sẻ.

Tiếng gà gáy vang vọng trên Nhà giàn DK1/8

Tiếng gà gáy vang vọng trên Nhà giàn DK1/8

NỮ VƯƠNG

Gà, vịt ở đảo Đá Tây A

Gà, vịt ở đảo Đá Tây A

NỮ VƯƠNG

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 7.

Hình ảnh thân thương của quê nhà ở các điểm đảo Trường Sa

NỮ VƯƠNG

Gà gáy trên đảo Đá Tây A

Chúng tôi đến đảo vào một ngày cuối tháng 4, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đây cho biết từ trước tết đến giờ chưa hề có mưa. Với sự khắc nghiệt của thời tiết, quyết tâm và ý chí của quân, dân ở đây càng cao hơn.

Một chiến sĩ tại đây nói: "Mùa này khó trồng thật, vì lâu lắm rồi không có mưa. Nhưng khó chứ không phải không trồng được". Tôi hỏi: "Vậy mùa mưa chắc dễ trồng hơn?", chiến sĩ này đáp: "Mùa mưa cũng khó, vì rau dễ bị dập và hư hết, cộng với sóng và gió đánh nước mặn vào". "Như vậy mùa nào tốt nhất?", tôi thắc mắc, chiến sĩ này cười và dí dỏm: "Mùa… về bờ".

Dẫu mùa nào ở đảo cũng có nhiều khó khăn như vậy, nhưng với những người đi ra từ đất liền như chúng tôi đều phải trầm trồ, ngưỡng mộ vì rau xanh tươi mơn mởn, nhiều cây ăn quả còn cho trái to và trĩu cành hơn khi được trồng ở đất liền.

Tạo điều kiện cho anh em tự tay vun trồng để truyền cảm hứng rằng dù ở bất cứ đâu, điều kiện khắc nghiệt như thế nào thì màu xanh của đất liền vẫn vươn rộng ra với biển, đảo, khẳng định chủ quyền vững chắc của Việt Nam

Đại úy Bùi Xuân Quốc, Chính trị viên đảo Đá Thị
Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 8.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 9.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 10.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 11.

Mỗi ngày, những mầm xanh luôn vươn mình trên đảo

Mỗi ngày, những mầm xanh luôn vươn mình trên đảo

NỮ VƯƠNG

Chị Đinh Thị Mỹ Thảo, người dân ở đảo Song Tử Tây, kể: "Tháng này nắng quá thì khó trồng hơn chút, nhưng vẫn đủ rau ăn. Nếu lúc nào trồng được nhiều quá thì san sẻ với mấy anh chiến sĩ, còn lúc nào các anh dư lại mang chia sẻ với dân. Ở đây, các anh trồng được nhiều loại lắm như rau muống, cải xanh, củ cải trắng, bầu, bí các loại, còn có cả cây ăn trái…". Rồi chị Thảo khoe: "Ở đây cuộc sống hài hòa, cây nhiều nên rất mát".

Không những khắc phục điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, các cán bộ, chiến sĩ ở đây còn trở thành những… nhà nông học, tự nghiên cứu để ươm các giống cây. Tại đảo Song Tử Tây, cứ chiều đến sẽ có một tổ ươm cây đi lấy quả phi lao về sàng lọc, tách ra, sau đó lấy hạt đưa vào vườn ươm. Nhưng mọi người để ý từng đặc tính của các loại cây để khắc phục mọi trở ngại. Chẳng hạn với cây phi lao, phải nhặt trước 17 giờ để quả không chuyển sang màu thâm sậm. Vì theo các chiến sĩ, nếu quả chuyển màu thâm đồng nghĩa với việc tự tách hạt ra và rơi xuống đất, như thế khi mang đi ươm sẽ không đạt hiệu quả.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 13.

Những cây dừa là tình cảm từ đất liền gửi ra các điểm đảo ở Trường Sa đã được cán bộ, chiến sĩ vun trồng và giờ đây quả ngọt đã hiện hữu

Những cây dừa là tình cảm từ đất liền gửi ra các điểm đảo ở Trường Sa đã được cán bộ, chiến sĩ vun trồng và giờ đây quả ngọt đã hiện hữu

NỮ VƯƠNG

Dưa hấu tại đảo

Dưa hấu tại đảo

NỮ VƯƠNG

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 16.

Cây ăn quả hiên ngang trước nắng gió Trường Sa

Cây ăn quả hiên ngang trước nắng gió Trường Sa

NỮ VƯƠNG

Vững tâm bám biển, bám đảo

Ở các đảo nổi việc tạo mảng xanh đã khó khăn, đảo chìm càng nhiều thử thách hơn. Dẫn chúng tôi tham quan vườn rau xanh tốt ở nơi mà đất và nước ngọt đều rất hạn chế, Trần Thiện Thoại (20 tuổi), chiến sĩ đảo Đá Thị, cho biết nước để tưới cây được tận dụng từ nước sinh hoạt hằng ngày (nguồn nước mưa dự trữ). "Mỗi lần rửa chén, mình sẽ lấy nước mặn rửa trước, sau đó tráng lại bằng nước ngọt ở bước cuối. Nước cuối sau khi rửa chén được tận dụng để tưới cây. Hay tất cả các nước như vo gạo, rửa rau các kiểu đều dùng tưới cho cây", Thoại kể và cho biết mặc dù trời nắng, lượng nước ngọt hạn chế nhưng biển êm nên cũng đỡ. Những ngày biển động, nước biển đánh lên, đọng lại thành sương muối rơi xuống và gây chết cây. Chính vì thế, những lúc gió to là phải che chắn kỹ hơn.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 18.

Một góc xinh tươi tại đảo Sinh Tồn Đông

NỮ VƯƠNG

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 19.

Hoa khoe sắc

NỮ VƯƠNG

Những con đường xanh mát rợp bóng cây

Những con đường xanh mát rợp bóng cây

NỮ VƯƠNG

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 21.

Không thiếu các loại cây trái trên đảo

Không thiếu các loại cây trái trên đảo

NỮ VƯƠNG

Ở đảo chìm, điều kiện khắc nghiệt hơn, nhưng bầu, bí, mướp quả treo lủng lẳng; rau vẫn xanh tươi; hoa vẫn khoe sắc hiên ngang trước sóng gió…

Đại úy Bùi Xuân Quốc, Chính trị viên đảo Đá Thị, khẳng định: "Để có thể ổn định tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ ở đây thì chúng tôi luôn cố gắng tạo môi trường sống làm sao gần với đất liền nhất. Để làm tốt điều này, chúng tôi tạo cảnh quan bằng cách trồng thêm rất nhiều cây xanh, rau củ quả và hoa. Tạo điều kiện cho anh em tự tay vun trồng để truyền cảm hứng rằng dù ở bất cứ đâu, điều kiện khắc nghiệt như thế nào thì màu xanh của đất liền vẫn vươn rộng ra với biển, đảo, khẳng định chủ quyền vững chắc của VN".

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 23.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 24.

Các chiến sĩ tăng gia sản xuất mỗi ngày

NỮ VƯƠNG

Ở đảo An Bang, màu xanh khiến chúng tôi không ai dám nghĩ rằng nơi này từng được gọi là đảo Lò Vôi vì quá nóng. Chia tay đảo ra về, ai cũng nhớ nhung sự xanh mát, tươi đẹp và thầm ngưỡng mộ công sức của người vun trồng.

Ở đảo, mọi người trồng rau có những thủ thuật rất riêng, mà nói ra những người ở đất liền như chúng tôi đều phải "ồ" lên. Như đại úy Bùi Xuân Quốc cho biết mùa biển động, giông gió, cứ mỗi ngày 2 lần, các cán bộ và chiến sĩ trên đảo phải dùng nước ngọt đi rửa từng cái lá cho cây, đảm bảo rau không bị dính muối mặn và đất trồng cũng không bị nhiễm mặn. Không những thế, thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên phó đảo An Bang, còn cho biết mỗi ngày những bồn rau ở đây luôn phải được xoay đổi theo hướng che khuất, không để gió và muối biển tác động lên…

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 25.

Gà gáy ở Trường Sa- Ảnh 26.

Những vườn ươm trên đảo

NỮ VƯƠNG

Một điều rất đặc biệt, ở tất cả các điểm đảo hiện nay, kể cả Nhà giàn DK1 - nơi quanh năm không chạm được mặt đất, ngoài cây trái xanh tươi, vẫn có tiếng gà gáy vang vọng mỗi ngày. Tất cả các điểm đảo giờ đây đều nuôi được lợn, gà, vịt… để duy trì đời sống không khác gì ở đất liền. Mỗi một màu xanh phát triển, mỗi một con gà, con lợn được nuôi sống ở điều kiện vô cùng khắc nghiệt là sự hiện diện của tinh thần, ý chí quật cường của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió.

Nếu hỏi các chiến sĩ ở mỗi điểm đảo rằng có nhớ nhà không, thì câu trả lời sẽ luôn là: "Đảo cũng là nhà của chúng tôi". Chính việc duy trì và phát triển được một đời sống trên đảo như ở đất liền không chỉ giúp các cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, mà còn khẳng định được chủ quyền vững chắc của Tổ quốc Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.