Gặp người chụp những tấm ảnh lịch sử sau sự kiện Gạc Ma

14/03/2024 07:22 GMT+7

Trong những ngày này, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, H.Cam Lâm, Khánh Hòa) đón hàng ngàn người dân đến thắp nén nhang tưởng nhớ và tri ân 64 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma (14.3.1988).

Họ đã rất xúc động khi xem những kỷ vật, hình ảnh của cán bộ chiến sĩ Trường Sa năm 1988. Nhiều bức ảnh quý trong đó là tác phẩm của nhà báo Nguyễn Viết Thái, phóng viên Báo Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa), khi ông theo đoàn công tác ra Trường Sa.

Gặp người chụp những tấm ảnh lịch sử sau sự kiện Gạc Ma- Ảnh 1.

Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đọc lời thề giữ đảo tại Trường Sa năm 1988

VIẾT THÁI

Cảm phục tinh thần lạc quan của những người lính trẻ

Nhà báo Nguyễn Viết Thái (70 tuổi) hiện sinh sống tại P.Vĩnh Hiệp, TP.Nha Trang; sức khỏe ông không được tốt và đang phải điều trị trong bệnh viện, nhưng mỗi khi nhắc lại chuyến đi năm ấy, ông vẫn nhớ như in từng chi tiết.

Ông kể cuối tháng 4.1988, nhận được thông báo sẽ ra công tác tại Trường Sa, tâm trạng ông rất lo lắng bởi sự kiện Gạc Ma vừa diễn ra chưa lâu, tình hình vẫn rất căng thẳng. "Tôi quyết định đi bởi trong tòa soạn có rất ít phóng viên, mình vừa chụp ảnh lại có thể viết lách tốt. Hành trang mang theo là chiếc máy ảnh Pentax cùng 10 cuộn phim đen trắng được bảo quản kỹ lưỡng", ông Thái nhớ lại.

Cùng đi trong đợt ấy ở tỉnh Phú Khánh có một số cán bộ ở Sở Văn hóa - Thông tin, ca sĩ của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng. Đoàn công tác vào Vùng 4 Hải quân ở Cam Ranh (Khánh Hòa) được 1 tuần thì tàu xuất phát, lúc đó ông Thái mới biết có Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cùng nhiều cán bộ cao cấp của quân chủng, tổng cục cùng chung chuyến đi này. "Trên tàu cũng có nhiều nhà báo, nhà quay phim đến từ Hà Nội và TP.HCM cùng rất nhiều thư từ, quà gửi đến Trường Sa. Lúc này cả nước đang hướng về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Thái hồi tưởng.

Gặp người chụp những tấm ảnh lịch sử sau sự kiện Gạc Ma- Ảnh 2.

Bức ảnh Nụ cười Trường Sa của nhà báo Nguyễn Viết Thái

VIẾT THÁI

Điểm đầu tiên đoàn đến là đảo Đá Lát, Nguyễn Viết Thái lúc ấy 34 tuổi lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa. Trên đảo, ông đã ghi lại một số hình ảnh sinh hoạt của anh em chiến sĩ và nụ cười lạc quan của họ, sau này ông đặt tên cho bức ảnh là Nụ cười Trường Sa. "Trong bức ảnh đó có 7 chiến sĩ, anh nào cũng cười lạc quan, không thấy một nét nào là lo lắng cả. Mặc dù không gian sinh hoạt chật chội như vậy nhưng tôi vẫn nhớ các chiến sĩ còn nuôi thêm 2 con chó và xem chúng như những người bạn thân thương", ông Thái kể.

Gặp người chụp những tấm ảnh lịch sử sau sự kiện Gạc Ma- Ảnh 3.

Nhà báo Nguyễn Viết Thái (thứ 3, bên phải, hàng đứng) cùng đồng nghiệp trong chuyến đi Trường Sa năm 1988

TL

Sau đảo Đá Lát, đoàn tiếp tục hải trình đến thăm 10 điểm khác thuộc quần đảo Trường Sa và ở bất cứ nơi đâu, nhà báo Nguyễn Viết Thái đều cảm nhận không khí lạc quan như vậy. Ông nhớ khi đoàn đến đảo Phan Vinh thì đêm hôm đó xuất hiện cơn mưa lớn đổ xuống ào ạt, cán bộ chiến sĩ trên đảo rất vui, cùng nhau chạy ra tắm và căng bạt hứng nước mưa. Xúc động trước khung cảnh đó, nhạc sĩ Xuân An, công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Khánh, sáng tác bài hát Mưa Trường Sa ngay trong đêm với những câu thể hiện niềm vui, sự mong chờ những cơn mưa của lính đảo và hôm sau ông đã hát phục vụ luôn cán bộ, chiến sĩ tại đây.

Ông Thái cũng cho biết điều ông cảm nhận sau chuyến đi là tình cảm gần gũi, thân thương của Đại tướng Lê Đức Anh và Đô đốc Giáp Văn Cương cũng như các thành viên trong đoàn công tác dành cho cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa. Tình cảm ấy rất xúc động, dường như không có khoảng cách giữa tướng và lính, giữa quân với dân, các ca sĩ trong đoàn vừa khâu cúc áo vừa hát tặng cho chiến sĩ nghe. "Ở những nơi khác trên đất liền mình cũng tác nghiệp như thế nhưng mà không có cảm xúc đặc biệt như ở Trường Sa. Những khoảnh khắc đó tôi sẽ không bao giờ quên được", ông Thái chia sẻ.

Chuyện về những bức ảnh lịch sử

Ngày 7.5.1988, trên đảo Trường Sa diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, tại đây Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã đọc lời thề thiêng liêng: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta". Nhà báo Nguyễn Viết Thái đã ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này.

Gặp người chụp những tấm ảnh lịch sử sau sự kiện Gạc Ma- Ảnh 4.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đeo quân hàm) chụp cùng các chiến sĩ tàu HQ-505

VIẾT THÁI

Một tấm ảnh khác cũng rất nổi tiếng của ông Thái là bức ảnh thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chụp cùng các chiến sĩ tàu HQ-505 được trưng bày tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cũng như được sử dụng rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhà báo Nguyễn Viết Thái cho biết tấm ảnh trên được ông chụp vào ngày 19.5.1988 sau khi ông từ Trường Sa về đất liền được 1 ngày. Nghe thông tin có một số cán bộ, chiến sĩ vừa từ Gạc Ma trở về, biết đây là thời khắc quý giá, ông liền tìm gặp thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng các chiến sĩ tàu HQ-505 để phỏng vấn viết bài. Ngày 14.3.1988, tàu HQ-505 trúng đạn pháo của Trung Quốc và có nguy cơ chìm, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã cho tàu lao lên đảo chìm Cô Lin. Hành động quyết liệt và chuẩn xác này trong giờ phút một mất một còn đã giữ con tàu không bị chìm xuống biển, đồng thời tạo nên một pháo đài thép trên đảo .

Gặp người chụp những tấm ảnh lịch sử sau sự kiện Gạc Ma- Ảnh 5.

Nhạc sĩ Xuân An cầm đàn hát phục vụ các chiến sĩ đảo Trường Sa

VIẾT THÁI

Được gặp thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505, ông Thái vô cùng xúc động. Ông càng khâm phục hơn khi nghe chuyện sau khi tàu HQ-505 ủi lên đảo, cấp trên chỉ thị chỉ giữ lại 10 người để giữ đảo, còn lại cho về đảo Sinh Tồn thì tất cả đều xung phong ở lại.

"Sau khi gặp từng người để phỏng vấn, tôi đề nghị thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các cán bộ, chiến sĩ đứng gần nhau để tôi chụp một kiểu ảnh chung. Hiện nay, tôi vẫn còn giữ cuốn sổ tay ghi lại tên của 7 người trong tấm ảnh và câu chuyện họ chiến đấu ở đảo Cô Lin trong chiến dịch chủ quyền năm 1988", ông Thái chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.