Gãy mũi có tự lành không?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
08/05/2023 00:06 GMT+7

Mũi là bộ phận phức tạp được cấu thành từ xương, sụn và mô mềm. Vì nằm ở vị trí nổi bật trên khuôn mặt nên mũi dễ bị chấn thương, đặc biệt là khi chơi các môn thể thao va đập nhiều.

Các nguyên nhân phổ biến khiến gãy mũi là chấn thương thể thao, té ngã, đánh nhau hoặc tai nạn giao thông. Lực tác động mạnh sẽ khiến xương mũi bị thương, thậm chí bị gãy, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Mũi gãy có tự lành không, khi nào cần đến bệnh viện ? - Ảnh 1.

Gãy mũi nhẹ có thể tự lành mà không cần điều trị

SHUTTERSTOCK

Trẻ em có ít nguy cơ gãy mũi hơn người lớn vì xương mũi trẻ mềm và dẻo hơn. Các triệu chứng của gãy mũi có thể khác nhau tùy vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Gãy mũi nhẹ chỉ gây chảy máu mũi hoặc sưng nhẹ.

Trong khi đó, gãy mũi nghiêm trọng sẽ để lại những tổn thương nặng cho xương, sụn và các mô xung quanh mũi. Nạn nhân có thể bị đau, sưng, khó thở bằng mũi, bầm tím và biến dạng mũi. Một số ít trường hợp còn bị tụ máu vách ngăn, tức hình thành cục máu tụ giữa sụn và vách ngăn mũi.

Trong nhiều trường hợp, gãy mũi nhẹ có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, gãy mũi nặng cần được can thệp và điều trị thích hợp.

Thông thường, gãy mũi mất ít nhất 3 tuần để lành lại. Người bị gãy mũi cần kiểm soát cơn đau, sưng và tránh các hoạt động có thể làm tổn thương thêm mũi. Vì đây là giai đoạn phục hồi quan trọng nên cần hết sức cẩn trọng. Cách tốt nhất là hãy đến gặp bác sĩ tai mũi họng để biết mức độ chấn thương và cách chăm sóc phù hợp.

Bác sĩ sẽ quan sát mũi bị gãy và khu vực chấn thương xung quanh để xác định những biến dạng do chấn thương gây ra. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được chụp X-quang hoặc CT để đánh giá mức độ nghiêm trọng.

Nếu vết thương nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân các biện pháp chăm sóc tại nhà để kiểm soát triệu chứng. Nâng cao đầu khi nằm, chườm lạnh, nghỉ ngơi sẽ giúp giảm sưng đau. Thời gian chườm lành lạnh là nên từ 10 đến 15 phút/lần, 4 lần/ngày.

Với vết thương nặng, người bị gãy mũi sẽ cảm thấy rất đau. Khi đó, họ có thể cần uống các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ can thiệp, yêu cầu đeo gạc mũi hoặc bó bột để xương có thể phát triển lại đúng hình dạng như ban đầu. Phẫu thuật cũng có thể dùng để định hình lại vách ngăn hoặc tạo hình mũi. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng cho những trường hợp mũi bị lệch nghiêm trọng hoặc chấn thương ảnh hưởng lớn đến hô hấp, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.