'Giải mật' hồ sơ về chất độc da cam

Tuấn Duy
Tuấn Duy
21/05/2024 10:30 GMT+7

Chất độc da cam mà Mỹ rải xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dân Việt Nam, mà những binh lính Mỹ tham chiến tại đây trong giai đoạn ấy cũng không tránh khỏi. ‘Mùa xuân vắng lặng – Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam’ là tác phẩm nghiên cứu toàn diện vấn đề này, vừa được ra mắt.

Chiến tranh qua đi nhưng những di chứng mà nó để lại vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay. Trong khi tổn thương vật chất có thể tái thiết thì những ảnh hưởng về mặt tinh thần vẫn còn dai dẳng. Một trong số đó là các tổn thương do chất độc da cam (dioxin) gây ra cho nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Thế nhưng, ít người biết rằng ngay cả những cựu binh Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi hành động ấy. Bằng trải nghiệm của bản thân và nỗ lực lần giở các tư liệu, nghiên cứu khoa học cũng như các hồ sơ đã được giải mật…, tác giả Patrick Hogan đã tái hiện những diễn biến lịch sử, qua đó lên án hành động phi nhân, kêu gọi thêm các nỗ lực để những hy sinh của những người lính được đền đáp xứng đáng.

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam

The New York Times

Như tác giả viết: "Có hơn 58.280 hồ sơ về các quân nhân Mỹ đã chết tại Việt Nam trong các kho lưu trữ hồ sơ chính thức của chính phủ Mỹ. Họ được coi là toàn bộ những người đã chết trong cuộc chiến đó. Ngoài ra có khoảng hơn 300.000 người được ghi nhận là bị thương hoặc tàn tật. Đáng buồn là những số liệu chính thức ấy không hề nhắc tới hàng trăm nghìn lính bộ binh, lính thủy đánh bộ và các thủy thủ đã bị thương hoặc thiệt mạng do các loại thuốc trừ sâu phun lên người họ trong cuộc chiến mà họ không biết gì về chúng cho tới nhiều năm về sau".

Patrick Hogan là một cựu chiến binh từng đóng quân tại Việt Nam từ tháng 9.1966 đến tháng 6.1969. Khi mới nhập ngũ, ông nhận nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý hàng hóa thiết yếu ở Tổng kho Cam Ranh (Khánh Hòa). Trong thời gian này, ông thường chứng kiến những lần máy bay phun rải hóa chất mà vào lúc ấy ông không thể biết đó là chất gì. Sau khi rời Việt Nam, ông trở về Mỹ và đảm nhận công việc cảnh sát.

Kể từ những năm 1970, ông thấy cơ thể đang suy yếu dần, cộng thêm cái chết của người đồng đội thân thiết Larry, hạt mầm hoài nghi sâu bên trong ông bắt đầu thức dậy. Năm 2012, sau khi nghe bài diễn thuyết của cựu Tổng thống Barack Obama về chiến tranh Việt Nam, Hogan thôi thúc phải điều tra về hậu quả của việc tiếp xúc với chất độc da cam, từ đó ý tưởng về Mùa xuân vắng lặng – Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam dần được thành hình.

Được viết bởi một cựu binh từng tham chiến, cuốn sách mang dáng dấp hồi ký, ghi lại những năm đầu tiên mà tác giả đặt chân đến Việt Nam. Ông đã tái hiện những thiếu thốn như phải ở trong những căn nhà đơn sơ gọi là “chuồng ngựa”, xung quanh chỉ toàn là cát, nhiệt độ thì tương đối cao… cũng như những áp lực mà người lính phải chịu, từ lối đánh du kích của bộ đội ta, cho đến thổ nhưỡng, các căn bệnh nhiệt đới hay đa dạng sinh vật mà côn trùng là một trong những lý do khiến chính quyền Mỹ tiến hành phun rải chất dioxin.

Sách Mùa xuân vắng lặng – Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam

Sách Mùa xuân vắng lặng – Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam

T.D.

Song song đó, tác giả cũng quay trở về những ngày hiện tại, mô tả lại những chứng bệnh ông đã và đang gặp phải, từ tiểu đường tuýp 2, bệnh tim cho đến rối loạn tiêu hóa, rối loạn hô hấp… Theo Patrick Hogan, đây đều là di chứng mà các hóa chất do chính phủ Mỹ rải xuống gây ra. Thế nhưng, khi đòi bồi thường từ DVA - Bộ Cựu chiến binh, những kết quả trả về cho ông là không có đủ bằng chứng để khẳng định những căn bệnh đó do các hóa chất mà Mỹ rải xuống Việt Nam những năm 1960 gây ra.

Nhận thấy điều vô lý ấy, Hogan đã tìm hiểu sâu về các khía cạnh sinh học, hóa học của các hóa chất đã được rải xuống và kết hợp với các nghiên cứu mới nhất về chúng, để khẳng định cho lập luận của mình. Là một sĩ quan cảnh sát, ông cũng tận dụng thế mạnh điều tra để lần tìm về những hồ sơ được giải mật, qua đó cho thấy bức tranh chung nhất về bối cảnh lịch sử của những ngày ấy.

Nói về tác phẩm, tác giả chia sẻ: “Đây là câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về sự giận dữ và cuồng nộ, một cuốn biên niên sử được viết trong đau buồn và hy vọng. Đó là câu chuyện của vô số cựu binh từng phục vụ tại Việt Nam. Đó là một cuốn sách đi sâu vào các hóa chất chết người được sử dụng trong suốt cuộc chiến và ảnh hưởng của chúng lên các cựu binh. Nhiều trong số đó vẫn đang được sử dụng trên khắp nước Mỹ, thậm chí cho đến ngày nay. Đó là hành trình phơi bày mọi điều mà chính phủ Mỹ chưa từng và chưa bao giờ muốn phơi bày ra ánh sáng”.

Liệu các công ty hóa chất và chính phủ Mỹ có biết hóa chất mà họ rải xuống sẽ gây tác hại cho binh lính của mình? Liệu có cách nào đạt cùng mục đích mà không sử dụng hóa chất? Ngoài chất da cam thì các hóa chất còn gồm những gì? Liệu có những ai đã từng chống lại phương án nói trên?... Tất cả sẽ được giải đáp trong một tác phẩm sâu sắc, chi tiết và đầy mạnh mẽ về những tội ác chiến tranh, từ đó cảnh báo cho hiện tại, khi các hóa chất diệt cỏ và thuốc trừ sâu có độc tính tương tự đang được sử dụng không bị kiềm chế trong nông nghiệp hiện đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.