Giải phóng mặt bằng chậm vì đất không đẹp bố trí tái định cư, người dân không chịu

14/12/2023 15:01 GMT+7

Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa bị chậm trễ, theo lý giải của ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở KH-ĐT Thanh Hóa.

Sáng 14.12, HĐND tỉnh Thanh Hóa bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công; và chậm triển khai, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp.

Mặt bằng đẹp đem đi đấu giá nên tái định cư chậm - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở KH-ĐT Thanh Hóa trả lời chất vấn

MINH HẢI

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT Thanh Hóa, tính đến ngày 5.12, trong hơn 14.900 tỉ đồng vốn đầu tư công được giao và đã được phân bổ, tỉnh Thanh Hóa mới giải ngân được gần 10.000 tỉ đồng, đạt hơn 66%.

Vì thế đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã chất vấn ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở KH-ĐT Thanh Hóa yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để giải quyết vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

Trả lời chất vấn, ông Nghĩa nói thẳng: Vốn đầu tư công giải ngân chậm nguyên nhân trước tiên và chủ yếu là do năng lực của chủ đầu tư, tức UBND các huyện, các xã, các đơn vị được giao vốn công. Vì cùng điều kiện mà có nơi giải ngân tốt hơn, nơi lại chậm. "Các chủ đầu tư trong quá trình khảo sát, thiết kế chưa tốt. Chất lượng tư vấn, kiểm soát của chủ đầu tư kém. Hồ sơ khi nộp lên cấp trên để trình, phê duyệt không đạt, phải trả lại. Chủ đầu tư thiếu sâu sát trong quá trình kiểm tra các bước công việc", ông Nghĩa nói rõ. 

Mặt bằng đẹp đem đi đấu giá nên tái định cư chậm - Ảnh 2.

Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh Thanh Hóa còn chậm

MINH HẢI

Nguyên nhân thứ 2 là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm. Có địa phương chậm bố trí tái định cư, hoặc bố trí khu tái định cư nhưng người dân chưa chịu di chuyển đến. "Nguyên nhân là do những vị trí mặt bằng "đẹp" thì mang  tổ chức bán đấu giá, còn những vị trí không "đẹp" thì bố trí tái định cư, dẫn tới chậm trễ trong việc GPMB" - ông Nghĩa lý giải.

Ngoài ra theo ông Nghĩa, cũng có những nguyên nhân khách quan dẫn tới việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, đó là trong quá trình triển khai dự án có thêm một số quy định mới, như đánh giá tác động môi trường đối với dự án có sử dụng đất lúa, mất thời gian khoảng 2 tháng; phải lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 (mất thời gian khoảng 1 - 3 tháng) thay vì chỉ lập quy hoạch mặt bằng như trước đây.

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn về chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì kỳ họp đã yêu cầu UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh, và các chủ đầu tư, thực hiện ngay các giải pháp cam kết tại kỳ họp.

"UBND tỉnh tập trung cao độ chỉ đạo các sở ngành khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị; khẩn trương phân bổ và giao vốn đầu tư công năm 2024. Đối với vốn đầu tư công còn lại năm 2023, phấn đấu trước ngày 31.12 giải ngân đạt hơn 95% vốn; kiên quyết điều chuyển vốn, không giao dự án mới cho các chủ đầu tư giải ngân vốn chậm", ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.