Bóng tối và ánh sáng

02/11/2004 17:08 GMT+7

Lần nữa, chúng tôi, Nguyễn Công Chánh, Thúy Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Phi Nhạn, Ngọc Ánh... những người trong nhóm "Hướng Thiện" từ Mỹ về Việt Nam thực hiện chương trình “Khơi Nguồn Ánh Sáng” cho 350 ngàn người mù nghèo bị đục thủy tinh thể.

Hành trình đã vạch định. Làm thế nào để sớm đem lại ánh sáng cho những người mù, cho những người bất hạnh mà cuộc đời của họ đã nhận chịu nhiều cam khổ. Trên mỗi số phận, kiếp người mà đấng tạo hóa tác thành sao vẫn có nhiều người thương tật, tình cảnh của nhiều gia đình có mẹ già mù lòa, các em bé tật nguyền, những người đàn bà bán thân nơi vùng ven biên. Chúng tôi cùng chảy lệ theo niềm đau, nỗi hiu quạnh của từng cảnh đời thoi thóp hy vọng những bàn tay nhân ái bắt một nhịp cầu yêu thương. Từng cảnh sống làm chúng tôi ngậm ngùi. Thị trấn Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài, người thanh niên mù lòa tên Nguyễn Văn Hải, 23 tuổi ở ấp Xóm Lò, xã Tiên Thuận, tỉnh Tây Ninh, lần bước theo dấu chân của người vợ trẻ. Anh mời chúng tôi mua vé số: “Chú ơi, mua cho cháu vài tấm vé số, cầu mong cho chú được trúng...”. Tôi nhìn dáng vẻ tiều tụy của anh ta, nét xanh xao của người vợ chưa đầy 18 tuổi. Tấm vé số, nếu may mắn, chưa hẳn đã thay đổi cuộc đời tôi. Nhưng, những tấm vé số đó được mua là miếng ăn, manh áo của vợ chồng anh ta. Tôi hỏi: “Cháu mù từ lúc nào. Có còn thấy lờ mờ không”. Anh nói: “Đôi lúc cháu thấy một vệt sáng lung linh”. Như vậy, vẫn còn hy vọng. Dù mong manh và tốn kém, chúng tôi cố gắng tận chữa cho anh ta. Đôi mắt người vợ bừng sáng, rạng lên một niềm vui. Nhìn theo giọt nước mắt của người vợ chảy xuống vừa đủ thấm chiếc áo thô cũ kỹ. Người vợ đang mang thai, theo cô, đứa bé trong bụng được 7 tháng, nhưng cái bụng thì không nhô cao lắm, nhỏ thó theo vóc dáng gầy yếu của cô. Ngày sinh của đứa bé trong nỗi lo sợ của cha mẹ. Không biết cháu có bị mù lòa bẩm sinh như cha cháu hay không? Rồi đây, cháu có theo gót cha mẹ vất vưởng trên những hè phố rao bán những tấm vé số độ nhật. Tương lai của cháu là một dấu hỏi buồn. Tôi hỏi người vợ: “Tại sao cháu làm vợ một người mù”. Người vợ trả lời: “Bởi vì, chồng cháu mù nên cháu thương ảnh”. Tôi hỏi tiếp: “Nếu chồng cháu được sáng mắt, cháu còn ở với ảnh không”. Người vợ đáp nhanh: “Ảnh mù cháu còn lấy, huống hồ ảnh được sáng mắt. Xin các cô chú cứu giúp chồng cháu”. Tôi lặng người. Đó có phải là một tình yêu đích thực, một hạnh phúc son sắc mà người thanh niên mù được bù đắp. Tôi còn biết thêm, ở Tuy Hòa có một mối tình thật đẹp mà cô ký giả Phương Trà của báo Phú Yên kể cho tôi: “...chuyện bất ngờ đến cho một thanh niên mù ở gần sông Đà Rằng. Qua nhiều lần thư từ với một cô giáo ở Hải Dương, cô đâm ra yêu thương người mù này và quyết định làm vợ của anh ta…”. Đó là những chuyện tình đẹp, ít xảy ra trong đời sống. Có lần, tôi hỏi bác sĩ Mai ở bệnh viện mắt tỉnh Cà Mau: “Nếu có một người mù được bác sĩ chữa sáng mắt, ngỏ lòng yêu bác sĩ thì bác sĩ chấp nhận hay không”. Cô bác sĩ nói: “Những người mù khi được sáng mắt, họ cũng bình thường như bao nhiêu người khác. Em cũng có thể yêu họ và họ cũng có thể yêu em”. Bác sĩ Mai còn nói: “Mỗi lần, thấy một bệnh nhân được sáng mắt, em vui lắm. Cái cảm giác rất là lạ. Chính trong gia đình cũng có người bác bị mù nên em rất thấu hiểu tình cảnh của người mù và gắn bó với bệnh nhân từ bao năm nay”. Câu trả lời rất dễ thương, rất tình người làm chúng tôi phấn chấn hơn.

Ở đâu thì vẫn có những trái tim chan hòa yêu thương. Như tôi đã nói: “Khơi Nguồn Ánh Sáng cho người mù, họ sẽ rất hạnh phúc và chúng ta sẽ an vui hơn”. Quả đúng vậy, những bệnh nhân khi được sáng mắt họ đều bày tỏ lòng cảm kích đến bác sĩ và những ân nhân giúp đỡ. Bác Lê Thị Tẻ, 82 tuổi, xã Hòa Vinh, huyện Tuy Hòa,Phú Yên nói: “Bác sĩ mổ mắt cho tôi như là cha mẹ đã tái sinh”. Còn bác Nguyễn Thị Nghĩa, 70 tuổi ở Sài Gòn ra Kontum thăm con gái, nhân có đoàn bác sĩ mổ mắt từ thành phố ra mổ miễn phí, con gái bác xin cho bác được mổ. Bác cho biết: “Bị mù từ năm 1986, gia đình quá nghèo, sống lây lất, không thấy đàng, nhiều khi con muỗi, con ruồi cũng bốc ăn. Sau mười mấy năm, bây giờ mới được sáng mắt. Cái áo bác mặc mấy chục năm tưởng là màu đen, bây giờ lại là màu xanh dương. Bác cám ơn chương trình này. Cám ơn các bác sĩ…”. Bác Nguyễn Thị Lữ, 76 tuổi, ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bày tỏ: “Trước khi mổ mắt, tôi hoàn toàn không thấy đường, chỉ một tuần sau được sáng mắt, vui lắm. Người già mà còn bị mù thấy cô quạnh làm sao. Chồng chết 20 năm. Với 6 đứa con, tôi không thể chăm sóc và nhìn thấy chúng. Năm năm qua, cảnh đời thay đổi nhiều quá”. Bác Lê Thị Ánh, 68 tuổi, ở Bình Phước, tỉnh Bình Thuận, nghẹn ngào nói: “Cám ơn người trong nước và người ngoài nước đã mổ nhân đạo cho chúng tôi có lại được ánh sáng”. Riêng trường hợp em Nguyễn Thị Như Ý, 10 tuổi, ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau bị mù bẩm sinh 100% nên không thể nào chữa được. Em mơ ước được đàn, được hát, được gửi nỗi lòng của mình đến các bạn cùng cảnh ngộ. Bài hát: “Hát cho mẹ về với con… Mẹ đi vắng, con sang chơi nhà bạn, con cầm cây đàn con hát, hát cho mẹ về với con, hát cho mẹ về với con…” đã làm cho mọi người rơi lệ.

Từ đầu năm 2004 đến nay Hội Giúp Người Mù của kiều bào Bắc Cali (Mỹ) đã cùng Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo TP Hồ Chí Minh phẫu thuật cho 13.339 người bị đục thủy tinh thể tại 16 tỉnh thành. Riêng Hội chúng tôi đã giúp được 4000 ca mổ để góp phần tại: Bạc Liêu 50 người, Bình Định 600 người, Cà Mau 200 người, Bình Thuận 525 người, Daklak 940 người, Daknong 200 người, Gia Lai 1976 người, Huế 1600 người, Khánh Hòa 738 người, Kontum 450 người, Long An 200 người, Đà Nẵng 500 người, Ninh Thuận 1140 người, Phú Yên 1900 người, Quảng Nam 2000 người, Quảng Ngãi 320 người. Ngoài ra, Hội Giúp Người Mù tại Bắc Cali và Hội Phụ Nữ Nhân Đạo tại Seattle còn tặng thêm cho những bệnh nhân nghèo bị khuyết tật ở Tuy Hòa 100 triệu đồng, Cà Mau 2000 USD, Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương 4000 USD và cá nhân anh Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ Tịch của Hội Giúp Người Mù góp thêm 2000 USD nữa để Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương có điều kiện xây dựng thư viện cho các em mồ côi, khuyết tật. Đồng thời, chúng tôi đưa 40 em bị mù bẩm sinh và bị giác mạc lên bệnh viện Nhi Đồng 2 để chữa trị. Trường hợp này, nếu phẫu thuật hay ghép giác mạc phải tốn gần 2000 USD cho mỗi em. Trong số 40 em mà chúng tôi đưa đi chữa trị, may ra có 7 em được phẫu thuật sáng mắt.

Khi đến Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương, các em quây quần bên chúng tôi, duy có một em bé bị câm khóc nức nở. Dỗ dành mãi thì em ra dấu cho biết: “Em mới vào trung tâm này mấy ngày, nên rất nhớ cha mẹ. Thấy các cô chú đến thăm, em mủi lòng, thèm được về lại với gia đình”. Hình ảnh những em bé tật nguyền, mù lòa, mồ côi, sinh họat trong những căn chòi lá làm lòng chúng tôi se lại. Nhiều trường hợp thật đáng thương. Có em, ở tận ngoài Bắc, cha mẹ không đủ khả năng nuôi dưỡng nên gửi vào trung tâm này. Em Nguyễn Thị Nương, 15 tuổi, quê ở Nam Định, bị mù bẩm sinh, gia đình có 4 anh em, cha mẹ làm ruộng, nhà nghèo khó tâm sự: “Nếu em được sáng mắt, đó là một hạnh phúc lớn lao nhất. Em sẽ tình nguyện ở mãi trung tâm này để chia sẻ, giúp đỡ những bạn cùng cảnh ngộ và làm những công việc ý nghĩa. Còn như, em không có lại được ánh sáng thì em cũng biết ơn những ân nhân đã quan tâm đến số phận mù lòa hẩm hiu của các em”. Còn em, Trịnh Văn Quân 13 tuổi, ở Hà Tây, vừa bị ngọng, vừa bị mù, ước mơ được làm thầy giáo để dạy những em mù. Khi nghe một em mù hát bài “Quê Hương” thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng và thổi sáo bài “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân khiến chúng tôi rưng rưng một nỗi buồn. Cuộc sống này, ai cũng mong những điều tốt đẹp. Hãy cho những người bất hạnh có một đời sống an nhiên.

Chuyến đi lần này, Hội chúng tôi thật vất vả. Phải đi cả ngày lẫn đêm để đến 16 tỉnh thành cho kịp thời gian ấn định mổ mắt. Vừa từ Mỹ đáp máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất, liền mấy tiếng sau, chúng tôi đi xe ngay lên Kontum. Có những người tóc hoa niên như anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp, chị Nguyễn Thị Nguyệt, dù thấm mệt nhưng vẫn vui. Nghĩ đến những người mù sắp được sáng mắt, lòng chúng tôi tràn ngập niềm hân hoan. Chúng tôi cố gắng để Kontum và 7 tỉnh miền Trung được xóa mù trong thời gian sớm nhất, như tỉnh Gia Lai đã làm lễ công bố xóa mù cho 1976 người trong tỉnh vào đầu tháng 9/2004 vừa qua.

Hình ảnh em Lương Quốc Khánh, 2 tuổi, ở xã Ngọc Vang, huyện Đắc Hà, tỉnh Kontum, bị mù bẩm sinh có thể chữa được, nhưng mẹ cháu nghèo nên đành đau lòng chấp nhận sự tật nguyền của con mình. Hiểu hoàn cảnh và nỗi đau của người mẹ, nên chúng tôi đã thu xếp với bác sĩ Dương Thị Thanh Liêm ở bệnh viện tỉnh đưa cháu về thành phố chữa. Đôi mắt của cháu rất dị thường, một màng xanh phủ kín tròng mắt. Cái màu xanh đã cướp lấy ánh sáng của cháu. Cái màu xanh nghiệt ngã, chứ không phải màu xanh hy vọng mà cháu đón nhận. Trường hợp này, bác sĩ Liêm cho chúng tôi biết: “Tỉnh có nhiều bé bị mù bẩm sinh. Một số có khả năng giữ lại thị lực để chữa trị, nhưng gia đình lại không có điều kiện vật chất”. Bác sĩ Phạm Súy, Giám đốc bệnh viện tỉnh, mong muốn trong năm nay Kontum sẽ được xóa mù. Ông nói: “Hầu hết bệnh nhân khi được sáng mắt, họ khóc, họ mừng rỡ. Họ như người chết được sống lại, nhiều trường hợp rất tội nghiệp…”.

Đợt mổ mắt lần này, chúng tôi đã phẫu thuật cho những cụ bà, cụ ông như bà Nguyễn Thị Thanh, 96 tuổi, ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Bà Dương Thị Kìm, 85 tuổi, ở huyện Cả Nước, tỉnh Cà Mau. Bà Nguyễn Thị Bảy, 104 tuổi, ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ông Văn Tấn Bài, 85 tuổi, ông Lê Chỉnh cùng ở xã Phú Hiệp, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên … Tất cả các cụ đều có một lời phát biểu tương tự: “Già rồi, chết là nay mai thôi, nhưng chết mà không được nhìn thấy con cháu thì buồn lắm. Sáng mắt rồi, mai chết cũng xong”.

Tâm trạng của người mù thật bi thảm, họ đối diện với bóng tối, với màn đen sâu thẩm. Thử tưởng tượng, khi chúng ta nhắm mắt một vài phút. Và tưởng chừng, ánh sáng sẽ không bao giờ đến nữa, chúng ta sẽ đau khổ biết chừng nào. Niềm hy vọng mong manh của những người mù là trông đợi vào y học, vào sự tận tâm của bác sĩ và cũng chính là lòng nhân ái của chúng ta, của những người có lòng, có khả năng giúp đỡ họ.

Hội Giúp Người Mù tại Bắc Cali tuy mới thành lập, và chỉ một vài lần tuyên bố ý định thực hiện chương trình “Khơi Nguồn Ánh Sáng” cho 350 ngàn người mù nghèo bị đục thủy tinh thể tại Việt Nam trước đông đảo khán giả trong những buổi tổ chức văn nghệ tại San Jose. Hội chưa phát động những cuộc gây quỹ sâu rộng, nhưng đã đạt được kết quả nhanh chóng nhờ vào tấm lòng hảo tâm của nhiều người và nhóm “Hướng Thiện” khởi xướng thành lập Hội.Vững niềm tin là phương châm mà Hội đề ra. Số bệnh nhân mù có lại ánh sáng mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Và số ân nhân giúp đỡ ngày càng nhiều hơn. Tôi còn nhớ câu nói của một bệnh nhân, ở Bình Định: “Ráng lên con, cố gắng lên con. Công đức không phải là sự tính toán mà là điều mình đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác”.

Mỗi chuyến đi. Mỗi việc hướng thiện, tâm tư tôi nặng trĩu. Đêm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sa Đéc, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp nghe những câu Dạ Cổ Hoài Lang, nhắc lên một nỗi nhớ. Đêm của thân ái bên nhau, ngồi hàn huyên cùng những vị lương y kể về những cuộc phẫu thuật. Đêm ở Phú Yên cùng Quang Dũng, Hồng Ngọc, Thanh Bạch, Xuân Hương, Nguyễn Phụng Thiều, Công Chánh, Thùy Nga… tham dự đêm văn nghệ từ thiện. Đêm ở Nha Trang, Đà Lạt, Phan Rí, Qui Nhơn, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Đông Hà cùng bạn hữu ngâm thơ…

Một Sư cô ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa mù bao nhiêu năm nhưng vẫn chưa có điều kiện chữa trị. Sư cô cho biết: “Đoàn bác sĩ mổ mắt nào đến Sư cô cũng lo cho các đệ tử trước, riêng Sư cô hôm nay mới được mổ”. Ở Ninh Hòa, chúng tôi thật quyến luyến khi chia tay. Các bệnh nhân ở đây bịn rịn không muốn cho đoàn đi. Họ xem chúng tôi như những người thân. Trả lời câu hỏi của đài truyền hình Khánh Hòa, anh Nguyễn Công Chánh cho biết: “Tôi nghĩ, người Việt Nam nào cũng có tinh thần tương thân tương trợ, nhưng do điều kiện xa xôi nên chưa có cơ hội. Chúng ta nên khích lệ, để họ giúp đỡ nhiều hơn cho đồng bào nghèo khổ, khuyết tật trong nước”.

Trở về lại bệnh viện mắt TP Hồ Chí Minh, nơi đó chị Nguyệt đã đưa 4 Sơ, dòng Chúa Quan Phòng, Cần Thơ lên chữa trị. Sơ Trần Thị Hòa, 72 tuổi bị mây cườm 5 năm qua. Sơ nói: “Từ khi bị mây cườm, Sơ không còn phục vụ được nên phải về nghỉ, buồn lắm”. Còn Sơ Trần Thị Lộc, 76 tuổi đã về nghỉ từ lâu: “Ba năm nay Sơ bị mù không có tiền chữa trị nên đành phải chờ. Hôm nay, Sơ cảm ơn các con đã giúp cho các Sơ”. Bà Lê Thị Nghĩa, 61 tuổi, họ đạo Phụng Từ, ao ước được sáng mắt để nuôi mẹ già 91 tuổi, bà nói: “Tội nghiệp bà già, bả chỉ lết không hà! không ai chăm sóc hết. Tôi muốn sáng mắt để nuôi bả”.

Biết bao nhiêu tình cảnh chúng tôi đã gặp. Người sáng mắt nuôi người mù là điều đương nhiên. Nhưng cũng có người mù nuôi người sáng mắt. Có một gia đình ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, cả nhà 4 người đều bị mù nên phải buộc dây lại với nhau và sống trong một không gian chật hẹp để nâng đỡ lẫn nhau.

Gần 2 tháng qua, từ ngày 15/8/2004, Hội Giúp Người Mù tại Bắc Cali và Hội Phụ Nữ Nhân Đạo tại Seattle đã giúp phẫu thuật cho 3.000 người mù nghèo tại Việt Nam. Có dịp bày tỏ, chúng tôi đều nói: “Là người Việt sống xa quê hương. Dù ở nghìn dặm xa xôi hay trên đất nước mình, chúng tôi vẫn ấp ủ những tình cảm và hằng mong góp phần xoa dịu niềm đau của những người kém may mắn…”.

Đỗ Vẫn Trọn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.