Quản lý nợ công: Cần làm rõ trách nhiệm của người quản lý, sử dụng tiền vay

27/10/2008 22:39 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định: “Tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn”, nhưng tại buổi thảo luận tổ chiều qua về dự án Luật quản lý nợ công, nhiều ĐB vẫn chưa thật yên tâm.

Có ĐB đề nghị, Chính phủ phải giải thích rõ hơn về "tính an toàn" bởi lẽ phần lớn tiền vay của nước ngoài chúng ta không phải trả ngay mà phải 50 – 60 năm sau, các thế hệ con, cháu phải trả. Và đó cũng là lý do các ĐBQH đòi hỏi Chính phủ phải quản lý chặt chẽ nguồn tiền này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thừa nhận: “Hiện nay, đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ để đi vay khá rộng. Điều đó dẫn đến dư nợ bảo lãnh tăng, tiềm ẩn rủi ro nhất định đối với ngân sách nhà nước”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Trịnh Huy Quách tỏ ra không hài lòng khi dự thảo đề cập đến những "ngoại lệ" trong vay nợ tín dụng nước ngoài, khi đó Chính phủ sẽ bảo lãnh cho một tổ chức, địa phương vay nợ.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng, dự luật còn quá nhiều quy định mang tính nguyên tắc, chưa chi tiết. “Phần quy định về đi vay thì nói tương đối, còn phần quản lý nợ và trả nợ thì chung chung” – ĐB Lịch nói. Ông Lịch cảnh báo về tình trạng các dự án không chủ động phát hành trái phiếu (mặc dù đủ điều kiện) mà hoàn toàn dựa vào vốn vay lại từ khoản vay của Chính phủ. “Hiện nay có hàng đống trái phiếu Chính phủ vay thương mại để tài trợ cho doanh nghiệp. Đây là điều không ổn”, ông Lịch cảnh báo.

Một loạt các điều khoản quy định về trách nhiệm quản lý tiền đi vay, thẩm định để cho vay trong dự thảo cũng được cho là chưa ổn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nói rằng, các cơ quan đi vay không chỉ thực hiện quyền hạn của mình mà phải chịu trách nhiệm pháp lý trong quản lý, sử dụng vốn vay; nhất là trường hợp cho vay không đúng mục đích, không hiệu quả, để xảy ra tình trạng thất thoát, không có khả năng hoàn trả. Ông Hiển đề nghị, dự luật phải làm rõ chế độ trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân đối với các đối tượng thực hiện thẩm định cho vay vốn, nhất là trong trường hợp tổ chức được vay vốn không đủ năng lực tài chính, sử dụng đồng vốn không hiệu quả.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) kiến nghị, dự luật phải có quy định trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm cá nhân khi xảy ra tình trạng không trả được nợ vay. “Tổng giám đốc Tổng công ty nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với những khoản vay do người đó ký? Bộ trưởng Bộ Tài chính hay Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về giải ngân trái phiếu Chính phủ ?” – ông Đào đặt câu hỏi. Còn ĐB Trần Du Lịch đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, ví dụ trong trường hợp để xảy ra tình trạng Kho bạc Nhà nước còn hàng nghìn tỉ đồng nhưng Nhà nước vẫn đi vay để đầu tư. Chung quan điểm với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH, ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) lên tiếng: “Quy định người được đi vay như dự thảo là quá rộng, trong một gia đình chồng cũng đi vay, vợ cũng đi vay thì rất dễ phá sản. Đất nước có quá nhiều cơ quan được đi vay, rất dễ vỡ nợ”. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đồng tình: “Không hiểu phân cấp như thế (các địa phương có đủ điều kiện cũng được vay nợ - PV) thì Chính phủ có quản lý được tổng vay nợ công hay không?”. Cuối cùng, các ĐBQH đều kiến nghị thống nhất một đầu mối vay nợ để tránh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức được vay sẽ dẫn đến khó quản lý, sử dụng vốn tràn lan không hiệu quả.

Xuân Toàn  - An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.