Quả đấm

04/11/2008 00:49 GMT+7

Trong kỳ họp Quốc hội kỳ này, nhiều đại biểu đã đề cập đến các tập đoàn, các tổng công ty lớn của Nhà nước - với sự quan tâm đặc biệt, cả về vị trí, vai trò, cả về những hạn chế bất cập. Trong đó có một ý kiến được dư luận quan tâm, đó là ý kiến đã ví các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước như các quả đấm và quả đấm này không phải đã đấm đúng lúc, đúng chỗ, đấm hiệu quả, có khi từ chối đấm!

Đúng là các tập đoàn, các tổng công ty lớn của Nhà nước là các quả đấm của nền kinh tế. Có đại biểu còn ví các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước giống như các công tử, con quan, tập trung nguồn lực hữu hình và vô hình lớn nhất so với các loại hình kinh tế khác.

Quả đấm đúng ra phải đấm đúng lúc. Vào lúc cần phải "đấm" để trị lạm phát, có tập đoàn, tổng công ty lớn lại có những động thái không phải là để kiềm chế lạm phát, trong đó có hai động thái đáng lưu ý. Động thái thứ nhất là kêu lỗ (?), đòi tăng giá, mà đòi lãi (?), đòi tăng giá vào lúc lạm phát thì chẳng khác gì "đưa thêm củi vào lò nấu nồi nước đang sôi"? Động thái thứ hai là không cung ứng đầy đủ, kịp thời sản phẩm để dập tắt các cơn sốt hay hỗ trợ sản xuất kinh doanh chung (khi cơn sốt giá lương thực, cắt điện, tăng nhiều giảm ít, giảm chậm đối với giá xăng dầu,…). Kinh tế thế giới có nguy cơ suy thoái, cho nên lúc này là lúc mà các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn cần dồn sức cho việc chống trì trệ, suy thoái,…

Quả đấm đúng ra phải đấm đúng chỗ, nhưng có tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đã đấm không đúng chỗ. "Cái đúng chỗ" của các tập đoàn và tổng công ty lớn của Nhà nước là ngành, lĩnh vực chính, các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực chính chủ yếu là phụ trợ, là hỗ trợ để làm cho ngành, lĩnh vực chính mạnh lên, chứ không phải là lĩnh vực nóng, vừa có nhiều rủi ro dễ gây thất thoát, vừa làm giảm vốn đầu tư vào lĩnh vực chuyên môn chính.

Quả đấm phải có hiệu quả, bởi có hiệu quả mới có lợi nhuận, mới có tích lũy tái đầu tư phát triển, mới có sức cạnh tranh trong điều kiện mở cửa hội nhập ngày một sâu rộng để vừa thắng trên sân người, vừa thắng trên sân nhà. Nhưng tỷ suất lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty lớn còn thấp.

Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước trong GDP tiếp tục giảm. Tỷ trọng kinh tế nhà nước trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế cũng liên tục giảm. Hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước thấp và giảm. Năm 2007, để tăng một đồng GDP, nếu toàn nền kinh tế đầu tư 2,72 đồng vốn thì khu vực kinh tế nhà nước phải đầu tư 3,53 đồng; một đồng vốn đầu tư để tạo ra GDP, nếu toàn nền kinh tế đạt 2,48 đồng, thì khu vực kinh tế nhà nước chỉ đạt 2,1 đồng. Riêng về hệ số ICOR (tức là hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP và tốc độ tăng GDP) càng chứng tỏ hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước còn thấp. Đành rằng, khu vực nhà nước còn phải "gánh" nhiều việc đầu tư cho những vùng, những ngành, lĩnh vực không thuận hơn so với các loại hình kinh tế khác (chủ yếu vì lợi nhuận).

Quả đấm đúng ra phải đi tiên phong trong việc "đấm", nhưng lại có đơn vị từ chối "đấm". Điển hình là EVN đã từ chối 13 dự án đầu tư vào chính lĩnh vực điện!

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.