Phát hiện vụ nổ tia gamma lâu đời nhất

31/10/2009 22:25 GMT+7

Giới thiên văn học vừa ghi nhận một vụ nổ sao siêu lớn xuất phát từ vật thể được xác định là cách trái đất xa nhất từ trước đến nay. Ánh sáng của vụ nổ trên, gọi là vụ nổ tia gamma (GRB), phải mất 13 tỉ năm mới đến được hành tinh của chúng ta, theo chuyên san Nature dẫn kết quả báo cáo của 2 nhóm khoa học gia hồi giữa tuần.

GRB là vụ nổ dữ dội nhất mà con người từng biết đến, có thể phát ra ánh sáng mạnh gấp 10 triệu lần so với các thiên hà sáng nhất. Những vụ nổ này theo sau cái chết đầy kịch tính của một ngôi sao siêu lớn, có nguy cơ kết thúc bằng sự sụp đổ từ nhân của ngôi sao và biến thành hố đen.

Được đặt tên là GRB 090423, phát hiện mới đã được vệ tinh Swift của NASA ghi nhận đầu tiên và lập tức đánh động giới thiên văn học trên toàn thế giới. Theo các nhà khoa học của Đại học Leichester, việc quan sát GRB 090423 cho phép con người có thể bắt đầu nghiên cứu những trang cuối còn chưa rõ ràng trong bản đồ vũ trụ. Điều này do vụ nổ xảy ra vào thời điểm được gọi là những thời đại đen tối của vũ trụ, vốn bắt đầu khoảng 40.000 năm sau vụ nổ Big Bang được cho là đã hình thành vũ trụ cách đây 13,7 tỉ năm. Trong khoảng thời gian đó, các electron và proton tự do kết hợp với nhau để hình thành những nguyên tử trung hòa với cùng số điện tích dương và âm, gây nên một vũ trụ mờ đục hay đen tối. Phải đến 800 - 900 triệu năm sau đó, các nguyên tử và phân tử mới được tái ion hóa, tạo nên một vũ trụ tương đối rõ ràng hơn giống như hiện nay.

T.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.