Khi nhà đầu tư “đánh nhanh, thắng nhanh”

13/10/2007 23:40 GMT+7

Thị trường chứng khoán (TTCK) diễn tiến thuận lợi cho dân “lướt sóng” với những phiên giảm giá xen kẽ nhiều phiên tăng giá. Rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) dài hạn đã chớp cơ hội chuyển sang “đánh nhanh, thắng nhanh”. Phương thức này đang trở nên phổ biến hơn trên sàn chứng khoán trong thời điểm hiện nay.

Linh hoạt trong đầu tư

Tại sàn giao dịch Công ty chứng khoán Bảo Việt, một NĐT đang theo dõi rất kỹ sự dao động của cổ phiếu (CP) PET và quyết định mua vào 1.000 CP này với giá 86.500 đồng/CP tại phiên giao dịch ngày 28.9. 4 phiên sau đó, PET liên tục tăng giá, tới lúc đạt 104.000 đồng/CP chị đặt lệnh bán ra, thu lợi 17,5 triệu đồng. Trong gần 3 tuần thị trường nóng lên, chị đã “nhảy ra nhảy vào” tới 3 lần, thu lời gần 40 triệu đồng. Chị cho biết, gần 2 năm tham gia TTCK, chị chỉ xác định đầu tư lâu dài bởi không có thời gian “bám sàn”. “Hầu hết những CP tôi đã và đang giữ hiện nay chỉ kiếm lời từ quyền lợi cổ đông chứ không nghĩ đến việc kiếm lợi từ chênh lệch giá” - chị nói. Tuy nhiên, đến thời điểm này chị đã quyết định vừa đầu tư, vừa đầu cơ vì không muốn mất cơ hội tăng thu nhập của mình.

Một NĐT dài hạn mới chuyển sang đánh ngắn cũng cho biết, anh “an phận” đầu tư lâu dài khá lâu nhưng tới thời điểm vừa rồi anh đã quyết định “lướt sóng” CP RIC với giá 118.000 đồng/CP vào cuối tháng 9. Lần đầu hơi “nhát tay” nên chỉ 3 phiên sau đó, khi RIC lên 127.000 đồng/CP anh đã vội bán ra. “Trừ phí giao dịch cũng lời hơn 4 triệu đồng, ít nhưng chắc ăn” - anh cho biết. Thấy “ngon ăn” và cũng vững tâm hơn sau một lần “lướt sóng” thành công, đầu tháng 10 vừa qua, anh mạnh tay gom vào 500 CP NKD với giá 225.000 đồng/CP và “vừa đợi vừa run không biết lần này thế nào”. Những nhà đầu cơ mới này đa số vẫn giữ những CP mà họ xác định đầu tư lâu dài nhưng chọn thêm một số CP nóng để “lướt sóng”.

Còn một phương thức đầu cơ mới trên thị trường cũng xuất phát từ các NĐT dài hạn. Đó là CP được các NĐT xác định giữ lại bởi thương hiệu, ngành nghề hoặc mối quan hệ của CP đó nhưng tới thời điểm này khi giá CP tăng vọt, họ quyết định “thanh lý” để thu lợi nhuận. Đây cũng được coi là một phương thức đầu cơ mới và được sự ủng hộ của nhiều người theo chủ nghĩa “mềm dẻo trong chủ trương đầu tư”.

Chiến lược và chiến Thuật

Trên thực tế, ngay cả các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước đều thực hiện chiến lược đầu tư dài hạn, đồng thời biết đầu cơ đúng thời điểm để tăng nguồn lợi nhuận. Hay nói đúng hơn là họ có chiến lược dài hạn nhưng tận dụng tối đa chiến thuật để “ghi bàn”. Đơn cử như thời điểm thị trường lình xình vừa qua, hầu hết các quỹ đầu tư nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam đều bình tĩnh “án binh bất động”, bởi kế hoạch đầu tư của họ thường ở mức trung và dài hạn. Họ không dễ bị “dọa” bởi những cơn nóng, lạnh thất thường như các NĐT trong nước. Mặc dù vậy, tới thời điểm thị trường nóng trở lại, họ bắt đầu tung tiền ra gom hàng để chớp cơ hội làm bàn. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapita cho biết, trong 6 tháng tới, quỹ VOP (Vietnam Opportunity Fund) sẽ bổ sung thêm 25 - 50% vốn để đầu tư vào các CP blue-chip tại Việt Nam. Theo ông Andy Ho, tính tới hết tháng 9.2007, TTCK Việt Nam đã tăng khoảng 37% và đây là thời điểm đầu tư hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư.

Dù nhận định việc mua hay bán CP của các quỹ là dựa trên các yếu tố căn bản của nền kinh tế chứ không phải do thị trường nóng hay lạnh nhưng ông DonLam, Chủ tịch HĐQT VinaCapital cũng thừa nhận, trong 2 - 3 tuần qua, phần lớn các quỹ đầu tư đã mua trở lại vì giá nhiều loại CP đã trở lại với giá trị thực. Việc các quỹ mua trở lại là một trong những lý do vì sao TTCK nóng lên. Một chuyên gia chứng khoán nhận định, NĐT biết đầu cơ mới là những người thu lợi nhiều nhất trên thị trường. NĐT “nằm chết một chỗ” (chỉ đầu tư dài hạn) sẽ khiến thị trường không có tính thanh khoản cao và cũng không làm lợi cho mình. Đó là lý do vì sao, nhiều cổ đông chiến lược của các công ty sẵn sàng bán CP của mình khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Có ý kiến cho rằng họ “bỏ” công ty đó nhưng trên thực tế họ đang thực hiện chiến lược đầu tư - đầu cơ khá bài bản. Khi CP tăng tới mức kỳ vọng họ “nhảy” ra làm bàn. Sau một thời gian, giá xuống mức thấp họ sẽ mua trở lại.

Tuy nhiên, dù chọn phương án nào thì NĐT cũng phải tìm hiểu kỹ các CP và chọn thời điểm phù hợp để áp dụng chiến thuật của mình. Việc “lướt sóng” vô cùng cám dỗ nhưng cũng chính là vũng lầy nếu NĐT coi TTCK là một canh bạc mà thiếu sự  tìm hiểu kỹ càng. 

N.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.