Thi tốt nghiệp THPT 2009: Mỗi thí sinh một đề trắc nghiệm

23/11/2008 21:42 GMT+7

Ông Nguyễn An Ninh (ảnh) - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã trao đổi với PV Thanh Niên về những thay đổi trong cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009.

* Xin ông cho biết những điểm mới sẽ được thực hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009?

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 sẽ sửa đổi theo hướng ngày càng siết chặt kỷ luật và tính nghiêm túc trong thi cử. Ví dụ, sẽ bỏ lực lượng giám thị ngoài phòng thi như những năm trước. Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy một bộ phận giám thị hành lang không những không làm hết trách nhiệm của mình mà còn tỏ ra rất “nguy hiểm” vì nhiều khi đi báo động cho các phòng thi mỗi lúc thanh tra tới. Thay vào đó sẽ tăng cường lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ.

Năm ngoái 7 phòng thi có 1 thanh tra ủy quyền, năm nay dự kiến 5 phòng thi sẽ có 1 thanh tra. Lực lượng này sẽ đảm nhiệm việc theo dõi thí sinh ra ngoài phòng thi và liên hệ giữa giám thị với lãnh đạo hội đồng coi thi.

Về phía thí sinh, chúng tôi cũng kiến nghị phải có những quy định chặt chẽ hơn, kiên quyết không để học sinh chưa đủ trình độ tốt nghiệp lớp 12 tham gia dự thi. Với những nhóm thí sinh thuộc diện ưu tiên ở vùng sâu, vùng xa sẽ sửa đổi quy chế để tất cả thí sinh ở từng xã, từng huyện miền núi, hải đảo... cũng được hưởng chế độ ưu tiên chứ không chỉ khoanh vùng ở cấp tỉnh như hiện nay.

 
“Về nguyên tắc thi trắc nghiệm, 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là phải khác phiên bản đề”- Ông Nguyễn An Ninh
* Tại hội nghị về thi phổ thông năm 2009, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT xem lại cách ra đề trắc nghiệm, vì đã có không ít trường hợp thí sinh nhìn được bài nhau. Vậy năm tới cách thức ra đề trắc nghiệm sẽ được thay đổi ra sao, thưa ông?

- Về nguyên tắc thi trắc nghiệm, 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là phải khác phiên bản đề. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng thí sinh nhìn bài nhau, có lẽ năm tới chúng tôi sẽ tăng thêm số phiên bản để đảm bảo trong một phòng thi mỗi thí sinh sẽ có một phiên bản đề riêng.

* Có địa phương còn đề xuất: Bộ nên có nhiều đề gốc chứ không chỉ nhiều phiên bản đề. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Thi cử phải đảm bảo trước hết là sự công bằng, nhiều đề gốc nói là tương đương nhau nhưng vẫn có thể chênh lệch về mức độ kiến thức. Bởi vậy chúng tôi vẫn khẳng định chỉ có một đề gốc và tăng lên nhiều phiên bản.

* Đề thi năm nay sẽ ra theo hướng nào, có phù hợp với hướng dẫn ôn tập của Vụ Giáo dục trung học của Bộ không, thưa ông?

- Không có bất cứ hướng dẫn ôn tập nào có giá trị. Quyết định về cấu trúc đề thi đã được ban hành mới là căn cứ để chúng tôi ra đề.

* Việc chấm thẩm định mà Bộ GD-ĐT tiến hành đối với một số địa phương có kết quả tốt nghiệp THPT được xem là “bất thường” vừa qua đã khiến không ít địa phương rất bức xúc vì không được đối thoại và trao đổi về cách thức chấm. Ông nghĩ sao về điều này?

- Kết quả này được Bộ GD-ĐT gửi trực tiếp về Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố mà không thông qua sở GD-ĐT có thể đã khiến ngành GD ở một số địa phương bị lãnh đạo chính quyền phê bình quá gay gắt. Tuy nhiên, chúng tôi tiến hành chấm thẩm định không nhiều, cũng không phải là chấm phúc khảo một cách quy mô theo quy chế nên không cần thiết phải đối thoại và không nhất thiết cho sở GD-ĐT biết.

Chúng tôi cũng không kết luận là tỉnh nào làm sai lệch cả, càng không yêu cầu phải sửa bài của thí sinh. Nếu chấm quy mô thì phải sửa bài và lúc đó phải tính thời gian hợp lý. Năm nay, kết quả tốt nghiệp của học sinh vẫn được giữ nguyên, không ảnh hưởng. Tuy nhiên, sang năm Bộ sẽ phải rút kinh nghiệm trong cách thông báo kết quả thẩm định, cũng phải tính đến việc các địa phương có quan niệm khác nhau và đẩy sự việc lên quá căng thẳng.

* Như ông nói sẽ tăng cường lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ, trong khi dư luận lại lên tiếng rằng thanh tra ủy quyền đã “nhờn thuốc” và không còn phát huy hiệu quả như mong muốn, có biểu hiện nể nang cơ sở. Tại sao lại như vậy?

- Không cần thanh tra ủy quyền theo kiểu dư luận phản ảnh chứ không thể thiếu thanh tra ủy quyền. Trong khi lực lượng ở địa phương rất mỏng, phải huy động tất cả các cấp để tổ chức thi thì số cán bộ giảng viên của trường ĐH-CĐ lại rất đông đảo. Tuy là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng quyền lợi về tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ có ở đấy, tổ chức nghiêm túc thì các trường lựa chọn được người chính xác.

* Vậy để nghiêm túc hơn tại sao Bộ lại không tiến hành cho đổi chéo giám thị giữa các địa phương?

- Ý kiến đó là tích cực nhưng không thể làm được tất cả, sẽ có nhiều địa phương phản đối vì điều kiện không thể đi được. Trường ĐH đi thanh tra thì có kinh phí nhưng nếu giáo viên phổ thông đổi chéo như thế cũng gây nhiều khó khăn cho địa phương.

* Những quy định chưa rõ ràng và không còn phù hợp trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành sẽ được sửa đổi ra sao, thưa ông?

- Năm nay sẽ sửa đổi và bổ sung sớm, trong tháng 12 tới phải hoàn thành.

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.