Những nhà máy giữa nội đô

11/10/2005 00:45 GMT+7

Vào khoảng giữa năm 2003, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 74/2003 về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực các quận nội thành. Đó là một quyết định chính xác và cần thiết.

Nó thật sự cần thiết nếu chúng ta biết được rằng, vào thời điểm đó (năm 2003), để Hà Nội có thêm một trường học đạt "chuẩn quốc gia" phải có biết bao tiêu chuẩn kèm theo, trong đó, ngành giáo dục yêu cầu phải có một mặt bằng đủ rộng, có nhiều cây xanh, có khu cho các em học sinh vui chơi, khu tập thể thao và các hoạt động khác. Chính vì thế mà có khi cả một quận ở nội thành Hà Nội khi đó, tìm mỏi mắt mới được một trường, gọi là "chuẩn quốc gia" như vậy.

Trên một lĩnh vực khác, ví dụ như giao thông - công chính. Thủ đô của chúng ta cũng đang "chết kẹt" về mật độ đậm đặc của các phương tiện xe cơ giới hoạt động nhưng thiếu điểm đỗ hay còn gọi là giao thông tĩnh. Rồi các khu công viên, vui chơi giải trí, hay còn gọi là những công trình phúc lợi công cộng thì còn thiếu, thậm chí thiếu trầm trọng nếu muốn xem nó như một trong những tiêu chí để gọi Hà Nội là thành phố xanh - sạch - đẹp.

Hãy đảo qua một vòng thành phố, chúng ta còn thấy sự lãng phí khi sử dụng đất đai đến mức nào. Ở nhà máy Dệt kim Đông Xuân (67 Ngô Thì Nhậm) và cơ sở liền kề nằm bên phố Hòa Mã - Q.Hai Bà Trưng, cả một cơ sở như vậy, rộng ước chừng gần 10.000m2, ngoài sự ô nhiễm môi trường do chính các hóa chất họ sử dụng, người dân nơi đây còn phải sống bên cạnh sự ô nhiễm của cả một dãy mặt tiền quá lý tưởng biến thành các quán ăn suốt ngày khói bếp nghi ngút và các dịch vụ khác nằm ngoài chức năng kinh doanh của đơn vị. Rồi ở quận Ba Đình, có Công ty Điện tử Viettronic Đống Đa (56 Nguyễn Chí Thanh) với diện tích được cấp khoảng gần 1,5 ha cũng tồn tại "hết sức khó khăn" bởi sản phẩm điện tử làm ra khó cạnh tranh nổi với các thương hiệu khác. Điều này đã được chứng minh bằng việc họ phải thu hẹp đầu tư mở rộng ngành hàng, diện tích đất được Nhà nước giao để sản xuất lại phải đem cho thuê làm khu ăn uống tới cả ngàn mét vuông mặt tiền...

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng trong số hàng trăm ví dụ khác mà tôi muốn nêu để kiến nghị một điều: Nhà nước, mà cụ thể là thành phố Hà Nội nên mạnh tay hơn nữa trong việc di dời các cơ sở sản xuất đã được thừa nhận là không còn phù hợp với quy hoạch hoặc do gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành. Nếu như quỹ đất nói trên được thu hồi (tất nhiên là phải có chính sách đền bù, hỗ trợ khá thỏa đáng, và đó thực sự cũng là một gánh nặng cho ngân sách thành phố phải chi trả) dùng để xây dựng các công trình phúc lợi, đây sẽ là một quỹ đất hết sức quý để xây dựng các tòa nhà cao ốc làm văn phòng cho thuê. Thật là vô lý nếu được biết rằng, giá thuê nhà làm văn phòng ở Hà Nội hiện đắt vào tốp đầu bảng ở khu vực châu Á trong khi môi trường đầu tư của chúng ta thì chưa hẳn được người ta cho là "miền đất hứa".

Theo tìm hiểu của người viết, hiện mới chỉ có những cơ sở sản xuất lớn nằm trong khu công nghiệp như khu Thượng Đình là do thực tiễn quá bức xúc, do ý thức được mối nguy hại của vấn đề môi trường nên họ cũng đã có kế hoạch di dời nhà máy, còn một số nơi khác, doanh nghiệp khác, nghe đâu chưa có rục rịch gì. Lý do họ nêu cũng nhiều mà cơ quan chủ quản của các cơ sở nói trên cũng cố níu giữ bằng được theo lối "được năm nào biết năm ấy". Xin thưa, đó là một cách làm, một lối nghĩ sẽ gây bất lợi cho chính họ một khi quỹ đất hiện có của Hà Nội ngày một teo dần đi và như thế, các cơ sở sản xuất di dời chậm sẽ phải chịu thiệt, phải đi xa thành phố hơn nhiều so với họ quyết định đi sớm.

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.