Những giấc mơ trên sóng

12/09/2005 22:19 GMT+7

Đã một lần từ chối lời mời của Con đường âm nhạc, nhưng qua 4 số đầu, Phó Đức Phương lại dần "cảm" chương trình từ lúc nào không hay. Nhạc sĩ của những cánh cò và những dòng sông đã trở thành nhân vật chính của Con đường âm nhạc số 5 (diễn ra tối 11.9 tại khu triển lãm Giảng Võ - Hà Nội) với chủ đề Những giấc mơ trên sóng.

Không có một tên gọi nào thích hợp hơn cho những giấc mơ của Phó Đức Phương, hình như lúc nào cũng bồng bềnh sóng nước, mênh mang sóng lúa, bảng lảng những cánh cò chao nhịp. Những gì vốn bình dị nhất, quê mùa nhất, nhưng đi hết nửa đời người thì nhạc sĩ ngộ ra "Nơi bền lâu là nơi lắng sâu" (Về quê). Dòng sông Cái, sông Mẹ của anh đấy! Nơi không chỉ cho cậu bé Phó Đức Phương một cái tên, một hình hài, mà còn thổi vào tâm hồn nghệ sĩ ấy một khối nguồn rung cảm lạ lùng, nhờ vậy mà người yêu nhạc may mắn có được Trên đỉnh Phù Vân, Hồ trên núi, Chảy đi sông ơi,  Không thể và có thể, Huyền thoại hồ núi Cốc… Mỗi một ca khúc, như một câu hát của Phó Đức Phương "Này đây những chiếc lá ta thả trôi trên sông" (Chảy đi sông ơi), gói ghém một niềm vui, nỗi buồn, một tâm tình, triết lý, gọi mời ta vào những giấc mơ dài trên sóng, những con sóng gối đầu chảy mãi...

Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong đêm nhạc

Không phải ai cũng thành công với nhạc Phó Đức Phương. Bởi ca khúc của anh đòi hỏi người hát phải có một nội lực đáng kể, từ khả năng cảm thụ cho đến làn hơi. Người ta không khỏi nghi ngại trước danh sách ca sĩ trong Những giấc mơ trên sóng, hầu hết thuộc về dòng nhạc khác và chưa một lần làm quen với âm nhạc Phó Đức Phương. Ai biết được, Tùng Dương có ý định "liêu trai hóa" Phó Đức Phương hay không? Còn Quang Linh xem chừng lả lướt quá. Mỹ Lệ, Thu Minh thì khéo "rock hóa" cái cò, ngọn lúa của Phó Đức Phương mất. Phương Thanh với lối hát nghẹn ngào cùng cách lấy hơi gấp gáp lại càng không thể yên tâm... Nhưng cuối cùng, người ta thấy Phó Đức Phương với nụ cười hết cỡ chỉ thiếu điều nhảy phắt lên ghế mà reo vang trước màn song ca rực lửa của Tùng Dương và Thu Minh trong Chảy đi sông ơi. Cũng vẫn Phó Đức Phương lặng im vì xúc động khi Tùng Dương cất giọng vời vợi Trên đỉnh Phù Vân. Mộc mạc và dữ dội, khắc khoải và nồng nàn. Cái vi vu, cái mênh mang, cái kỳ vĩ, cái biến ảo, tất cả đều được anh đẩy đến tận cùng bằng làn hơi dày khỏe và xúc cảm thăm thẳm. Trong tiếng vỗ tay trào dâng khắp các hàng ghế, Tùng Dương có lẽ đã vượt qua cái bóng của ai đó nhiều năm qua từng gắn liền với ca khúc cực kỳ khó thể hiện này.

Ở một, hai ca sĩ trẻ khác, đôi lúc, người ta cũng nghe thấy có tiếng phản đối từ khán giả, chỉ khe khẽ  thôi vì muốn tôn trọng nhạc sĩ. Đó là khi người hát thử đem cái điệu đà, trơn tru, bóng bẩy vào âm nhạc Phó Đức Phương, hoặc đã quen với lối hát ấy mà không hiểu rằng, những dòng sông của Phó Đức Phương không bao giờ là một dòng sông phẳng lặng. Từ những ca khúc nhẹ nhàng nhất của anh cũng đều cồn cào những dải sóng ngầm. Và, khán giả sẽ thỏa lòng hơn nếu Phương Thanh thêm một chút bay bổng vào Những cô gái quan họ, dù chị đã hát với tất cả sự dịu dàng đằm thắm. Mỹ Lệ cũng sẽ thành công hơn nếu bớt đi những âm vực "gào thét" mà thay vào đó là một chút kìm nén, một chút run rẩy, một chút thầm lặng. Cuối cùng, chương trình sẽ trọn vẹn hơn nếu ê-kíp thực hiện không quá tham số lượng, lược bớt đi một vài ca khúc rất nhạt "chất" Phó Đức Phương và hoàn toàn không quen thuộc với khán giả.

Không "duyên ngầm" như Dương Thụ, cũng chẳng nhanh nhạy, sắc sảo như Phú Quang, dí dỏm, hài hước như Nguyễn Cường, qua phần giao lưu ngắn ngủi, chân dung Phó Đức Phương khá nhạt nhòa so với những gì mà âm nhạc của anh đã thể hiện. Nhưng, cũng phải châm chước cho nhạc sĩ có tiếng là hiền khô và chẳng khéo ăn khéo nói này. Dù sao, với một người nhạc sĩ thì âm nhạc mới là tất cả, âm nhạc là chính tâm hồn và cuộc sống của anh rồi còn gì. Vậy nên, chỉ cần Phó Đức Phương ngồi đó với nụ cười hiền lành là đủ !

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.