Tái diễn bi kịch cô dâu Việt ở Hàn Quốc

28/10/2008 00:02 GMT+7

Kỳ 2: Con đường mai mối Trong câu chuyện về cuộc hôn nhân hãi hùng, V. luôn thắc mắc rằng cô kết hôn với người chồng Hàn không phải qua đường dây chui, mà qua giới thiệu bởi Trung tâm Hỗ trợ kết hôn (TTHTKH) thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM. Một tổ chức chính danh là vậy, nhưng...

Cưới chồng trong...  5 ngày 

Năm 2007, khi cuộc sống có nhiều nỗi buồn, một người quen giới thiệu lấy chồng Hàn Quốc và V. đồng ý. Ngày hẹn, người này đưa V. lên một đường dây ở Đầm Sen (TP.HCM). Nhưng lúc ấy người ta bảo V. sẽ không đi đường dây ngoài mà sẽ đăng ký tại TTHTKH (71 Võ Thị Sáu, TP.HCM). Người của đường dây đưa V. đến TTHTKH.

Khi đến TTHTKH, V. cùng nhiều cô gái nữa được phát những bộ hồ sơ, sau đó được đưa vào một phòng vi tính, có webcam, có người phiên dịch tiếng Anh. Người đàn ông họ Kwon đang chờ V. trên mạng. Ông ta bắt đầu hỏi V. những câu đại loại có người yêu chưa, còn con gái hay không, hiện đang có quan hệ với ai không, có uống rượu, hút thuốc gì không,... V. cũng hỏi ông ta tại sao lại ly hôn với người vợ trước, và được trả lời do cô này cứ khóc, khóc suốt nên ông không thích. (V. ngậm ngùi nói, sau khi chung sống với ông Kwon, cô không khó để hiểu tại sao người vợ kia khóc suốt). Kwon cũng hỏi V. có thể chờ ông ta thêm hai tháng rưỡi nữa được không, vì còn đang vướng thủ tục ly hôn người vợ trước? Và V. đồng ý. 

Trường hợp của V. là ngoại lệ. Chúng tôi đã hỏi nhiều cô dâu khác và được biết thông thường, nếu người đàn ông Hàn đã "ưng nhãn" thì phía Công ty PIM (Hàn Quốc, đơn vị liên kết với TTHTKH) sẽ tổ chức cho các chú rể Hàn một chuyến qua VN. Các chuyến đi đều đặn theo lịch trình: đoàn đàn ông Hàn qua VN vào tối thứ bảy. Chủ nhật phía TTHTKH sẽ tổ chức cho các chú rể Hàn xem mắt các cô dâu lần nữa. Nếu không đổi ý, các cô dâu chú rể sẽ được tổ chức một chuyến đi chơi ngắn ngày ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, vào thứ ba, các cô dâu, chú rể sẽ làm lễ đính hôn. Ngày thứ năm, các chú rể Hàn sẽ rời VN. Trong những dịp này, TTHTKH sẽ bố trí các cô dâu đến nấu nướng, tâm sự... với các chú rể ở khách sạn. Những cuộc hôn nhân ở TTHTKH TP.HCM thường diễn ra chóng vánh chưa đầy một tuần như vậy.

Các cô dâu cũng tiết lộ theo lệ, những chú rể Hàn được "mai mối" qua TTHTKH TP.HCM và Công ty PIM sẽ tặng gia đình cô dâu 11,5 triệu đồng, chia thành hai lần. Lần đầu sẽ đưa 6 triệu đồng vào ngày thứ ba, khi hai bên làm lễ đính hôn. Số tiền còn lại sẽ được đưa cho nhà gái hôm cô dâu bước lên máy bay sang Hàn Quốc. 

Thế nhưng khi kết hôn, cô dâu cũng phải ký vào một bản cam kết: nếu ly hôn trước sáu tháng cô dâu phải bồi thường số tiền 40 triệu đồng.

Trở lại trường hợp của V. Khi biết tin V. đồng ý lấy ông Kwon, một người đàn bà từ "đường dây" Đầm Sen đến đòi V. 5 triệu đồng tiền môi giới. V. không đồng ý với lý do là cô đi qua TTHTKH, không phải "đường dây". Nhưng rồi người đàn bà này lại tới và đòi tiền ngay tại đám cưới V., khiến cô phải trả 2 triệu đồng và hứa sẽ trả thêm 1 triệu nữa khi cô lên máy bay. Người đàn bà này khóc giữa đám cưới, kể lể rằng việc làm ăn phải chia chác nhiều người, không phải riêng bà nhận hết... Hôm sau, người đàn bà này tiếp tục đến khách sạn đòi tiền, và phải đến khi V. dọa báo công an thì bà ta mới chịu rút lui.

Đám cưới của V. và các cô dâu khác được TTHTKH tổ chức tại nhà hàng Hoa Viên Nam Bộ (41 đường Hòa Bình). V. kể, mỗi nhà gái được đặt một bàn cỗ, nếu mời thêm khách thì gia đình nhà gái phải chịu trả tiền. 

Mỗi ngày được phát 2.000 đồng tiền ăn

Sau đám cưới, các chú rể Hàn về nước. Còn các cô dâu phải rời gia đình để được TTHTKH tập trung đến số nhà 36/20 đường Giải Phóng, P.4, Q.Tân Bình để học tiếng Hàn và nấu ăn, chờ ngày qua Hàn Quốc.


Phần giới thiệu biên bản hợp tác hôn nhân giữa TTHTKH TP.HCM với Công ty PIM (*)

Đó là một căn nhà rộng, hai tầng, thường khóa cửa ngoài im ỉm. Bên trong là nơi tập trung các đợt cô dâu do TTHTKH giới thiệu. V. kể nội quy ở đây là 9 giờ phải tắt hết điện để tiết kiệm, còn các cô dâu đi đâu ra ngoài phải xin phép người quản lý. Ngoài số tiền 11,5 triệu đồng chú rể đưa nhà gái, V. và các cô dâu khác đều không được biết số tiền ăn ở dành cho họ là bao nhiêu. Có lần V. hỏi thì được người TTHTKH trả lời không biết, đó là chuyện của công ty bên Hàn Quốc.  Hằng ngày, người của TTHTKH phát tiền cho các cô dâu đi chợ. Thời điểm V. ở có 16 cô dâu, nhưng tiền phát đi chợ hằng ngày không quá 35 ngàn đồng. Cho nên các cô dâu chỉ còn cách là mỗi ngày đều một xoong cá hú kho, vừa rẻ, vừa tiết kiệm. Không chấp nhận điều đó, V. cùng các cô dâu khác đòi tăng tiền ăn và được người của TTHTKH giảng giải rằng nếu ăn nhịn một chút mà ở được nhà đẹp thì có sao?! Sau đó, số tiền ăn hàng ngày cũng được tăng lên trên 50 ngàn đồng. Nhưng đó là thời điểm cuối năm 2007, khi tình hình trượt giá do lạm phát tăng, nên bữa ăn của V. và các cô dâu khác vẫn chỉ là cá hú kho.

Trong khi đó, trên trang web www.pimwedding.com, PIM giới thiệu họ là công ty chuyên môi giới hôn nhân cô dâu VN, Philippines cho đàn ông Hàn. Phần giới thiệu sự liên kết giữa TTHTKH TP.HCM với PIM được khuếch trương hết cỡ bằng những hình ảnh hai bên hoan hỉ ký kết biên bản "hợp tác" hôn nhân. Nhưng cũng chính công ty đã trở mặt, suýt bỏ rơi cô dâu V. trên ngọn núi cao hoang vắng trong cái đêm mà V. bơ vơ khi người chồng rắp tâm hất cô ra ngoài đường.

Quang Thi

(*) Những hình ảnh giới thiệu hoạt động môi giới hôn nhân  trên trang web của  Công ty PIM

Kỳ 1:  Cuộc hôn nhân hãi hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.