Từ "Chuyện đau lòng của một bà mẹ"

29/10/2009 16:10 GMT+7

Thanh Niên ngày 2.10 có bài Chuyện đau lòng của một bà mẹ của tác giả Hoàng Tạo viết về một cụ bà bị con cái chửi mắng để giành nhà, thậm chí con của đứa con trai bà cũng giao cho bà nuôi, chăm sóc từ nhỏ đến nay đã lên 3... Rất nhiều thư bạn đọc đã gửi về chia sẻ.

Đau xót

Đọc bài viết tôi không sao cầm được nước mắt.

Tôi nhớ lại những tháng ngày khi bắt đầu bươn chải phương xa, mất rất nhiều thời gian tôi mới có thể nguôi ngoai được ý nghĩ, mình đã vô tâm khi để mẹ già còm cõi một thân một mình nơi quê nhà.

Không phải bà hiếm con, đến cả 10 đứa, cả dâu, rể gần mẹ là thế nhưng được mấy người về thăm mẹ thường xuyên.  Tôi ở cách xa mẹ hàng ngàn cây số, mà như thói quen, việc lớn nhỏ gì mẹ cũng điện thoại tâm tình với cô con gái bé bỏng. Cái ngày tiếng mẹ buồn buồn: “Chúng nó cắt hợp đồng điện thoại rồi vì cho là không cần thiết”, khiến tôi càng thêm đau thắt, phần vì nhớ mẹ, phần coi như mình mang tội lớn lắm vì không thể làm gì hơn cho mẹ.

Có lần gặp một doanh nhân thành đạt gốc Việt, sau 30 năm làm kinh tế từ Nhật Bản về nước. Ông đã cho tôi những lời khuyên, khiến tôi thay đổi quan niệm “cũ kỹ” trước đây vẫn một mực tuân thủ. Nếu trước, ví như mỗi 100 ngàn đồng kiếm được, 30 ngàn tôi đem cất, 30 ngàn mua thức ăn, còn 40 ngàn đầu tư tiếp, nhưng khi nghe ông chia sẻ: với nhiều người Nhật Bản thành đạt, 100 ngàn kiếm được, 30 ngàn họ mua thức ăn, 30 ngàn đầu tư tiếp, còn 40 ngàn họ dành cả cho việc phụng dưỡng cha mẹ, cho đến khi cha mẹ mất, tôi đã nhìn lại mình.

Nói gì đến nỗi đau tột cùng của bà mẹ già trong bài viết này đã tâm sự, đau xót quá mẹ ơi...

Kim Xuyến
(P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Bài học cho các bậc cha mẹ

Trong kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam còn có chuyện: gia đình nọ có ông bố đã già, đến bữa ăn, tay run lẩy bẩy nên thường đánh vỡ bát cơm. Người con trai cụ thấy vậy mới đẽo cho cụ một chiếc bát gỗ, thay bát sứ để khỏi bị vỡ. Một hôm anh ta thấy cậu con trai lên năm tuổi đang kỳ cạch đẽo một chiếc bát gỗ, bèn hỏi: “Con làm gì đấy?”. Cậu bé trả lời: “Con đẽo chiếc bát để sau này cho bố dùng”. Nghe con nói vậy anh ta xúc động, chảy nước mắt và từ đó không bắt bố phải ăn cơm bằng bát gỗ nữa. Nhưng đối với vợ chồng người con thứ của bà cụ, chắc rằng nghe những câu chuyện như vậy cũng chẳng động lòng, vì qua lời bà cụ kể, đứa con của họ cũng bắt mẹ nuôi từ khi cháu mới 9 tháng tuổi đến nay đã 3 tuổi.

Tôi có suy nghĩ hậu quả có thể do bà cụ lúc con còn bé, chồng đã mất mà con đầu thì bị tâm thần, nên quá cưng chiều con thứ, từ đó nuôi dưỡng tính ích kỷ của con, bây giờ con mới hư đốn như thế. Tính ích kỷ của người con trai ảnh hưởng đến vợ là chuyện đương nhiên, như ca dao: “Con bà có thương bà đâu/Mà đòi con rể, con dâu thương bà”. Nghĩ vậy không phải để trách cụ nhưng cho những bậc cha mẹ rút kinh nghiệm trong việc dạy con từ thuở còn thơ.

Còn chuyện bà cụ hỏi về việc nhờ người chăm sóc, sau này có thể để một phần tài sản cho người đó không, thì tôi nghĩ bà cụ có quyền nhờ người như vậy vì tài sản là của cụ, cụ có quyền cho ai tùy cụ. Nếu như cụ chỉ có một mình người con tồi tệ đó thì cụ vẫn có quyền giành một phần tài sản cho mình, muốn cho ai thì cho hay dùng làm từ thiện, khuyến học hay một việc nào đó tùy ý. Huống hồ ở đây cụ còn có người con cả bệnh tật mà cụ phải chăm sóc, người con cả hẳn cũng phải có phần tài sản thừa kế chứ. Cụ có thể nhận một người làm con nuôi, làm giấy tờ hợp pháp, chăm sóc cho mình và cho người con cả bệnh tật. Cụ có quyền lập di chúc dành một phần tài sản cho con cả và con nuôi, giao cho con nuôi tiếp tục chăm sóc con cả sau khi cụ mất. Nếu không nhận con nuôi, cụ có thể nhận người giúp việc và để trả công ơn cho người đó, cụ vẫn có quyền dành phần tài sản của mình cho họ.

Hoàng Kỳ
(TP Vinh - Nghệ An)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.