Bí ẩn “thần dược” Minh Mạng thang - Kỳ 3: Minh Mạng thang là “Viagra”?

28/03/2012 03:38 GMT+7

Từ lập luận vua Minh Mạng có tới hàng trăm bà vợ và 142 người con mà người ta suy diễn rằng để có được “bản lĩnh” ấy nhà vua đã dùng Minh Mạng thang. Vậy Minh Mạng thang là bổ dược hay dâm dược?

>> Kỳ 1: Bí ẩn “thần dược” Minh Mạng thang
>> Kỳ 2: Những bài thuốc lưu truyền

Từ lập luận vua Minh Mạng có tới hàng trăm bà vợ và 142 người con mà người ta suy diễn rằng để có được “bản lĩnh” ấy nhà vua đã dùng Minh Mạng thang. Vậy Minh Mạng thang là bổ dược hay dâm dược?

Lý giải bí quyết của vua Minh Mạng

Trong một lần bàn luận về công dụng của Minh Mạng thang, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh cho rằng thực ra trên đời dù có phương thuốc “thần dược” ấy đi chăng nữa thì hiệu quả của “bản lĩnh đàn ông” có được phải nhờ vào sự tổng hòa của nhiều yếu tố gồm dinh dưỡng, sức khỏe (trong đó đã bao hàm thuốc thang), môi trường… và đặc biệt là “đối tác”. Một người dù đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng, sức khỏe, môi trường nhưng đối tác không hấp dẫn, mới lạ thì khả năng “đàn ông” cũng không thể như vua Minh Mạng. Bí quyết của vấn đề nằm ở từ “lạ”.

 
Giới thiệu rượu Minh Mạng thang với du khách - Ảnh: B.N.L 

Vua Minh Mạng sinh được 142 người con, nhưng nếu chừng ấy người con chỉ với một vài bà vợ thì đó mới là điều lạ cần nghiên cứu. Còn đây, ông ta có tới hàng trăm bà vợ (toàn là người đẹp được tuyển chọn, thậm chí có người lần đầu gặp mặt), trong số đó, không ít bà chỉ qua đêm một lần. Như vậy, rõ ràng, “đối tác” của vua Minh Mạng luôn luôn mới lạ. “Chỉ cần một yếu tố này thôi, cũng đủ để nhà vua “giong tay phát biểu” rồi” - anh Thịnh nói. Cách lý giải này dù mang tính hài hước nhiều hơn, nhưng đã được rất nhiều người có mặt trong cuộc bàn luận đồng tình.

Như các bài trước đã nói, căn cứ vào các tài liệu lịch sử cũng như quần áo mà vua Minh Mạng đã mặc còn lưu lại, cho thấy nhà vua là người vạm vỡ, mạnh khỏe, trong đời ông rất ít bệnh chỉ ngoài vài lần ốm vặt. Với một người đàn ông có thể lực tốt như vậy kèm thêm “đối tác” luôn luôn mới lạ, trẻ đẹp thì khả năng “đàn ông” của ông cao cũng là chuyện dễ hiểu.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận công dụng của thuốc trong vấn đề tình dục. Với những trường hợp như vua Minh Mạng, thuốc không phải là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề, mà chỉ là yếu tố có tác dụng phục hồi sức khỏe sau một quá trình bị “mất sức” mà thôi. Đó là cách lý giải của những người “ngoại đạo”, còn những nhà chuyên môn trong y học Đông phương thì giải thích ra sao?

 
Một toa Minh Mạng đại bổ thang của nhà thuốc tư nhân Tôn Thất Thống (Huế) bán trên thị trường - Ảnh: B.N.L

Là bổ dược chứ không phải dâm dược

Theo lương y Thích Tuệ Tâm, người xưa lập phương thuốc phải tùy vào bệnh cảnh của từng người, gọi là “đối chứng, lập phương”. Không phải có một công thức cố định để áp dụng cho tất cả mọi người. Bài thuốc Minh Mạng thang gồm 22 vị (có nơi còn bổ sung thêm 3 vị nữa là cao hổ cốt, cao ly tử, hồng cúc), trong đó nhóm bổ khí có bạch truật, phục linh, cam thảo, đại táo…; nhóm bổ huyết có dương quy, bạch thược, xuyên khung…; nhóm bổ âm có sa sâm, câu ký tử, thục địa…; nhóm bổ dương có: nhục quế, đỗ trọng…; nhóm trừ phong thấp có mộc qua, tục đoạn, phòng phong, tàn giao, độc hoạt, thương truật…; nhóm mạnh gân cốt có đỗ trọng, ngưu tất, tục đoạn, mộc qua…; nhóm hành huyết có đào nhân, xuyên khung, đương quy…; nhóm hành khí có tàn bì…; nhóm kích thích tiêu hóa có đại hồi, bạch truật, trần bì, phục linh, cam thảo, đại táo… Như vậy, bài thuốc này bao gồm các vị thuốc có tác dụng bổ khí huyết, bổ âm, bổ dương, trừ phong thấp, mạnh gân cốt, hành khí, hành huyết và kích thích tiêu hóa. Bài thuốc này cả nam và nữ đều dùng được.

“Tuy vậy, tùy từng trường hợp mà có thể gia giảm khác nhau (ví dụ mùa đông thì tăng thêm các vị nóng; người yếu thận thì phải tăng thêm các vị bổ thận; người không yếu thận nhưng bị phong thấp thì giảm bổ thận, tăng vị chống nhức mỏi...), nên muốn sử dụng hiệu quả thì phải tìm đến thầy thuốc bắt mạch kê đơn. Còn uống rượu sản xuất đại trà, hoặc tự mua về ngâm rượu uống thì hầu như không có tác dụng, thậm chí còn bị tác dụng ngược...”, vị lương y nhận định.

Lương y Thích Tuệ Tâm khẳng định: “Minh Mạng thang không phải là “dâm dược” (thuốc kích dục như khái niệm tây y - PV) mà là một bài thuốc bồi bổ nguyên khí, bổ thận tráng dương rất tốt cho sức khỏe, dù trẻ hay già, có bệnh hay không có bệnh”.

Đồng quan điểm này, bác sĩ, lương y Đoàn Văn Quýnh (giảng viên Trường đại học Y Dược Huế) cho rằng theo y học phương Đông, con người là một chỉnh thể bất khả phân, sức khỏe là sự điều hòa khí huyết, cân bằng âm dương, trên thông với trời, dưới thông với đất, chứ không phải kích thích riêng lẻ từng bộ phận, từng cơ quan như quan niệm của y học phương Tây. Theo đó, Minh Mạng thang là một loại thuốc bổ chứ không phải là thang thuốc dâm dược mà nhiều tác giả trước đây đã vô tình hay cố ý đề cập làm cho nhiều người hiểu sai lệch.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Văn Lân, trong bài Nhận định về công hiệu của Minh Mạng thang, cũng cho rằng: “Y dược Á Đông theo nguyên lý m dương Ngũ hành và được chế biến từ những nguyên liệu thiên nhiên mà hiện nay chưa có một sự phân chất thí nghiệm quy mô. Dược liệu Trung y qua hơn 5.000 năm lịch sử từng chứng tỏ công hiệu trên nhiều phương diện. Ví dụ như Nhung hươu non chứa nhiều kích thích tố, dùng trích tinh để thí nghiệm trên chuột thì thấy chuột tăng cường về sinh lý rõ ràng. Nhục thung dung là một loại nấm chứa nhiều mangan thường có trong nhiều thuốc kích dục. Thành ra không phải y dược Á Đông không có hiệu nghiệm, nhưng hiệu nghiệm này còn rất ẩn, hầu như có tính chất huyền thoại, phải theo kinh nghiệm lâu đời của người xưa mà dùng lâu ngày mới thấy. Một yếu tố đáng kể là thể tạng của từng bệnh nhân đã đáp ứng ra sao với sự trị liệu nên thuốc dùng cho người này thì tốt mà dùng cho kẻ khác thì không”.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.