"Phù thủy" luyện vàng - Bài 1: Tôi đi bắt "heo vàng"

04/12/2006 00:01 GMT+7

Không lên rừng xuống bể, cũng không phải đào hầm lò, sàng đãi ở những nơi thâm sơn cùng cốc; ở ngay thành phố, ngày ngày vẫn có một đội quân tủa đi khắp nơi để tìm vàng. Không đâu xa, "hầm vàng mỏ bạc" của họ nằm ngay tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc.

Từ xa xưa, dân Nam Bộ đã dùng thuật ngữ "heo vàng" để nói về những vật dụng có dính và chứa vàng như ống hút, nước rửa tay, giẻ rách, bao ni-lông, vỏ bao thuốc lá… nằm trong các tiệm vàng bạc. Thường thì đến dịp cuối năm, giáp Tết; số vật dụng có dính vàng bạc này được gom lại để bán. Người mua chúng được gọi là thợ "bắt heo". Bắt được "heo vàng", thợ đem về lò đốt, luyện lại thành vàng tinh chất. Vào thời buổi nữ trang vàng bạc "trăm hoa đua nở" như hiện nay, không phải chờ Tết, ngày nào thợ cũng có thể đi "bắt heo" miễn là có mối và biết nghề…

Học việc

Sau nhiều lần nài nỉ, tôi được thợ "bắt heo" tên H. ở quận Gò Vấp (TP.HCM) đồng ý cho đi cùng. Thế mà vừa ló mặt vô nhà, hắn đã quở: "Đi bắt heo mà ăn bận vậy hả cha nội?". Lập tức, một bộ quần áo đen đúa, nhàu nát được ném ra. Mất thêm ba phút trang điểm, tôi được H. phù phép thành một thằng "mặt xấu chân tay bẩn", ra dáng dân "bắt heo" chuyên nghiệp lắm. H. bảo nghề "bắt heo" chỉ đãi người chăm chỉ, chịu đựng khổ cực. Hắn nói: "Tao kêu mày quét là phải quét, móc là phải móc, chui vô buồng vệ sinh cũng phải chui!". Tôi "dạ dạ" rồi gom đồ nghề. Đó là một cái xẻng nhỏ, một cây cọ, nùi giẻ lau, một máy hút bụi và thùng chứa. Đeo đồ nghề lên xe, hai thầy trò trực chỉ quận 4...

Đó là một tiệm vàng nhỏ, ngoài chủ và người nhà ra thì có hai người thợ. H. bảo, đếm thợ để ước "heo vàng". Thợ nhiều, vàng bạc được làm nhiều thì bụi vàng, bạc cũng nhiều, "heo" mới lớn. H. đến thẳng, vỗ vai một thợ vàng tên Tư hồ hởi: "Sao em, khỏe không, tháng rồi làm được lắm hả, hàng nhiều dữ hả?". Tư cười, thu dọn đồ nữ trang đang làm rồi cho vô tủ, khóa lại. Hai anh em ra ngoài uống cà phê. Chỗ Tư ngồi từ giờ thuộc về thầy trò chúng tôi. H. ngó nghiêng giây lát rồi kêu tôi mở đồ nghề ra làm. Hắn lấy cây cọ, quét sạch bàn người thợ, vun bụi vàng vào một chỗ. Tôi cầm chổi quét xung quanh khu làm việc của anh em Tư, gom hết tất cả rác, mẩu giấy, tàn thuốc lại trong một bịch.

H. quét xong bàn thì lấy chổi quét, cào ở những khe bàn xung quanh, kể cả ghế ngồi. Hắn kêu tôi lôi ra cái máy đánh bóng vàng bạc của tiệm. H. bảo, bụi vàng nằm ở túi chứa trong máy rất nhiều, phải lấy cho hết. Tôi được giao cầm giẻ ướt, lau cho sạch bóng chiếc máy này. Giẻ dùng xong, tôi toan vứt thì H. vội chụp lại: "Vàng dính trong giẻ đó cha nội!". Những thứ như giẻ ướt này, cùng với bịch ni-lông, nước chứa vàng, bạc gọi là "heo ướt", khác với "heo khô" như giẻ lau, tàn thuốc lá, rác rưởi... H. kêu tôi đi vào buồng vệ sinh. Ở đó có... nước rửa tay của người thợ. Ngoài ra còn có "nước rung" (nước từ máy rung bạc), H. bảo trong đó có nhiều vàng bạc lắm. Hắn lấy cái xô mang theo chắt hai thứ nước trên rồi đổ vô. Công việc "bắt heo" đại loại là như thế, H. không chỉ dẫn thêm vì thật sự hắn sợ lộ "nghề".

Muôn nẻo tìm "heo vàng"

Mất khoảng hai giờ đồng hồ thì chỗ ngồi của người thợ rộng khoảng 4m2 được dọn dẹp, lau chùi sạch bóng như gương. H. quệt mồ hôi trên trán, thở hắt ra một cái rồi mang tiền "bắt heo" trả ông chủ. "Con heo" này H. mua giá 1,5 triệu đồng. Hai thầy trò tiếp tục trực chỉ hướng chợ Thiếc. Đến một cơ sở đánh bóng, xi mạ và đúc, "hàng" nhiều, thầy trò lại quét tước, lau dọn, gom rác rưởi. “Con heo” bự này, H. phải trả tới 20 triệu đồng. Hắn nhẩm tính về "hầm" được 2 cây vàng là ngon lắm rồi.

Cuối buổi, H. còn dắt tôi đi "xăm lương" (hỏi thăm) 3 tiệm vàng nữa rồi mới ghé vô một quán bia hơi nghỉ ngơi. Lúc này thì thầy trò đã mặt đỏ tía tai vì cháy nắng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Hai cái khăn ướt mới đem ra lau mặt đã đen như giẻ chùi nồi. H. ngậm ngùi kể về cái đạo thầy trò, về cái sự nghiệt ngã trong nghề. Khoảng mười lăm năm trước, thầy của H. còn là con người cực khổ, lam lũ kéo xe dưới miệt Cà Mau. Thương người, một tay thợ vàng kêu thầy H. đến nhà rồi thở dài: "Thấy anh cực khổ quá, tui thương. Muốn làm nghề vàng tui dạy, nghề không sung túc nhưng chắc cũng bớt cực hơn". Chuyện chỉ có vậy. Từ đó, thầy của H. theo tay thợ vàng đi "bắt heo".

Có lần, hai thầy trò mò đến một tiệm vàng, đặt vấn đề mua lại hầm chứa nước rửa tay, tắm giặt và... nước tiểu của những người thợ bạc (may là hầm này không chứa phân). Thường thì, khi tắm giặt, rửa tay, bụi vàng, bạc bám trên người thợ sẽ theo nước chảy xuống hầm. Chủ tiệm ban đầu trố mắt ngạc nhiên, sau rồi "à" lên môt tiếng vì hiểu ra vấn đề. Thương hai thầy trò, chủ tiệm bán cái hầm giá hai chỉ vàng và ngỏ lời: "Nếu không đãi được gì thì lại đây tui thối tiền!". Hai thầy trò hì hục hút nước rồi cạo, vét đáy hầm không sót một vảy vàng, vảy bạc, thậm chí một cục sạn. May rồi trời còn thương người khó. Lần đó, hai thầy trò mang cô lại, luyện được hơn 3 cây vàng!

Một lần khác, thầy H. kể lại: Lần đó, hai thầy trò nhắm một tiệm vàng đã tồn tại từ thời trước giải phóng. Tiệm này thì không bán "heo vàng" vì đã có mối. Không mua được, thầy trò phát hiện ra một điều: Hệ thống nước thải của tiệm vàng không lưu giữ trong nhà mà đổ ra con sông ở mé sau! Nhiều khả năng vàng sẽ nằm lại đó. Thế là họ đặt vấn đề xin "đãi vàng" ở khúc sông sau tiệm. Ròng rã cả tháng trời, cứ đợi con nước ròng là thầy trò cùng lính lác "lục tung" khúc sông lên. Bất kỳ thứ gì cảm thấy có dính vàng đều được đãi thô rồi mang về. Rồi khấp khởi, hì hục sàng, luyện. "Cục vàng" thu được lần đó nặng chưa đầy... hai chỉ. Hai thầy trò chỉ biết mếu máo nhìn nhau vì lỗ chổng vó.

Kỹ nghệ "hầm heo"

H. nói nôm na, bắt được "heo vàng", thợ bỏ vô chảo gang để "cô" lại (đốt). Dưới nhiệt độ cao, sau nửa tiếng, "heo vàng" đã "chín" thành tro bụi. Số tro này được vun lại, giã nhỏ, sau đó trộn chung với bột sô-đa, hàn the, muối câu, "xì tẩy" (hợp chất sẽ nói ở đoạn sau). Thợ hầm heo lấy hỗn hợp trên bỏ vô cái nồi đất. Nồi hầm này được đốt bằng bình dầu có tim. Đầu tiên, ngọn lửa được "thả" nhẹ để khỏi bay bụi vàng. Khi hỗn hợp chảy lỏng sền sệt, thợ hầm bỏ vô đó 300 gr chì thỏi và nâng dần nhiệt độ nung lên trong thời gian 2 - 3 tiếng. Khi nung đạt khoảng 3.000 độ C thì ngưng lửa và giữ nguyên ở mức nhiệt độ này từ 1,5 - 2 tiếng nữa. Giai đoạn này dân trong nghề gọi là "giót" (để chì nóng chảy và hút hết kim loại có trong nồi như vàng, bạc, đồng, sắt...). Khi hỗn hợp "đỏ rực như nham thạch núi lửa", thợ hầm nhìn vô thấy bề mặt đỏ hồng, trong suốt như thủy tinh thì mẻ "hầm heo" hoàn thành.

Nồi hầm được mang ra để nguội chừng một giờ đồng hồ. Thợ hầm đập nồi, lấy ra cục chì có hình ô-van. Cục chì được bỏ vô lỗ tròn ở giữa ổ vôi (trộn tro, trấu và vôi). Thợ hầm dùng lửa thổi vô cục chì. Khi chì chảy hết xuống lỗ tròn, còn lại một cục hỗn hợp gồm vàng, bạc, đồng, sắt nổi lên ở giữa lỗ tròn (chì khi chảy sẽ nâng vàng, bạc, đồng, sắt lên, bản thân chì thì bị làm nguội bởi vôi, tro, trấu. Lớp chì này gọi là "xì tẩy" - sẽ được dùng để hầm con heo khác theo công đoạn đã nói ở trên). Cục hỗn hợp ở lỗ tròn sẽ được gắp ra, bỏ vô ống nghiệm. Thợ hầm sẽ đổ vô đó axít ni-tric. Lại đun nhẹ ống nghiệm. Đợi khói đen, khói vàng (từ sắt và đồng) bốc lên, đến khi có khói trắng (từ bạc) thì hạ nhiệt độ rồi ngưng đốt. Sau đó, thợ chế nước sôi vô rửa sạch những bụi vàng (như bột cà phê) bám vô thành, đáy ống nghiệm. Lượng nước trong được chắt ra xô, số bột vàng được cho vô một mẻ đất nhỏ gọi là "mẻ thảo". Lại dùng ngọn lửa đốt cho số bột vàng này nóng chảy thành một khối thì thu được vàng 24K. "Câu" lại số nước trong ở trong xô thì thu được bạc.

Hết các công đoạn trên thì "heo vàng" đã được hầm thành vàng, bạc tinh chất. Tùy vào kinh nghiệm và tay nghề mà thợ hầm có thể cho ra được vàng ở những độ tuổi khác nhau. Nhưng thường thì độ tuổi vàng nằm vào mức 9,6 - 9,9 tuổi, nghĩa là vàng cực kỳ tinh chất. Cao thủ hơn, có những tay thợ còn chuyên mua lại đồ sau khi thợ "hầm heo" đã phân kim. Nhiều nhất là mua lại lớp "đé" (lớp bề mặt hỗn hợp trong như thủy tinh khi đun ở 3.000 độ C). Việc mua lại này, dân trong nghề gọi là "mót".

Phóng sự của Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.