Ký sự Tây Âu - Bài 1: Sự tương phản và miền đất lạ

05/11/2009 23:54 GMT+7

Châu u có một bề dày về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, âm nhạc, thể thao... và có nền kinh tế phát triển ổn định, vì thế nó luôn có sức lôi cuốn khách thập phương một cách mãnh liệt, trong đó có tôi. Nghe đọc bài

Lúc ngồi trên xe taxi ra phi trường Charles De Gaulle ở Paris của Pháp để bay về nước, nỗi ám ảnh về đoạn đường vào phi trường Tân Sơn Nhất ở TP.HCM lại hiện về trong ký ức của tôi 10 ngày trước...

Hôm ấy là chiều thứ sáu 16.10.2009, Sài Gòn mưa tầm tã. Đối với những hành khách ra phi trường Tân Sơn Nhất để lên máy bay thì đó là một buổi chiều tai họa. Hàng trăm chiếc xe hơi đủ loại cùng vô số xe gắn máy dính chùm với nhau ở giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Đình Giót (Q.Tân Bình) trong đó có rất nhiều xe đến phi trường. Chiếc taxi chở tôi “bơi” chậm chạp, nhích từng centimet trên một biển nước ngập đoạn quẹo vào đường Phan Đình Giót - con đường “huyết mạch” dẫn đến sân bay. Nhưng con đường ấy, vốn bị một cái lô cốt án ngữ hết nửa mặt lộ từ lâu lắm rồi, đến khi xe cộ dồn vào thì nửa mặt đường còn lại bị sụp dưới nửa thước nước, xe 2 bánh qua còn không được huống hồ xe hơi. Có một số hành khách nóng ruột liền xuống xe, vác hành lý lội nước, lên vỉa hè đi vội qua cái lô cốt ấy tìm xe khác để vào phi trường. Một cảnh tượng nhìn thấy chỉ có khóc thôi chứ không thể nào cười nổi. Chiếc taxi của tôi sau đó được mấy anh CSGT hướng dẫn chạy thẳng qua đường Thăng Long, đánh một vòng qua mấy dãy phố rồi thoát ra đường Trường Sơn, chạy ngược về công viên Hoàng Văn Thụ, đến mũi tàu rồi quay đầu lại chạy thẳng vào nhà ga. Đặt chân xuống nhà ga của phi trường tôi có cảm giác giống như mình vừa đặt chân đến... thiên đàng, vì không trễ chuyến bay.

Đó là sự khác biệt xa lắc xa lơ về chuyện quy hoạch đường sá giữa Paris và TP.HCM. Có rất nhiều xa lộ 8 làn xe 2 chiều (mỗi bên 4 làn) dẫn đến và thoát ra phi trường Charles De Gaulle ở ngoại ô Paris. Không thể đem phi trường Tân Sơn Nhất ra so sánh với phi trường lớn vào bậc nhất châu u như Charles De Gaulle được, vì sân bay của ta chỉ bằng một ô nhỏ trong cái tôi tạm gọi là “thành phố phi trường” của họ. Nhưng, trong mỗi ô nhỏ như vậy, người Pháp đều thiết lập ít nhất một xa lộ cho riêng nó, giúp hành khách đến và đi một cách nhanh nhất có thể. Trên những xa lộ này không hề có đèn tín hiệu giao thông hoặc giao lộ nào cắt ngang, cũng chẳng thấy cảnh sát giao thông. Những con đường khác tiếp cận với xa lộ đều được người ta thiết kế cho chạy băng qua phía trên, hoặc chui qua dưới đất. Có nghĩa là khi đã vào xa lộ, tài xế chỉ việc nhấn ga với vận tốc trên dưới 100 km/giờ thẳng tiến đến phi trường mà không hề gặp bất kỳ một trở ngại nào. Tại sao? Đơn giản vì trễ chuyến bay là mất đi một khoản tiền khá lớn để mua vé khác mà chưa chắc đã mua được liền. 

Tác giả (bìa trái) cùng các nhà báo VN trong trang phục truyền thống của Scotland - Ảnh: Phan Quang

Ngạc nhiên Tô Cách Lan

Scotland trước đây còn được gọi là Tô Cách Lan theo âm Hán - Việt. Scotland vốn là một nước độc lập cho đến năm 1707 thì liên hiệp chính trị với Vương quốc Anh khi Đạo luật Thống nhất ra đời. Kể từ đó, mặc dù vẫn có nền pháp lý riêng biệt theo luật quốc tế và bảo tồn được nền văn hóa dân tộc vốn có nhưng Scotland không còn là một quốc gia có chủ quyền, không được trực tiếp gia nhập vào Liên Hiệp Quốc hoặc Liên minh châu u (EU). Hiểu một cách nôm na là mọi chuyện của Scotland đều thông qua Anh quốc. Do đó, khi đã được cấp visa của Vương quốc Anh (United Kingdom - viết tắt UK), bạn có quyền đến thăm Scotland, North Ireland (Bắc Ái Nhĩ Lan) và xứ Wales một cách tự nhiên, không có trở ngại gì, giống như khi đã có visa Schengen do một nước EU cấp thì bạn có quyền du hành thoải mái sang các quốc gia khác trong khối. Tuy nhiên, do Anh quốc chưa gia nhập Schengen nên từ một nước trong khối EU, phải có visa UK bạn mới được phép nhập cảnh vào đảo quốc này, và ngược lại.

Sau khi ra khỏi phi trường Aberdeen, đoàn nhà báo chúng tôi được chở đến một cửa hàng bách hóa, không phải để mua sắm mà là để... đo quần áo và đo số giày! Anh Trung, người đại diện của Công ty u Á ở TP.HCM (đơn vị tổ chức chuyến đi) giải thích rằng chúng tôi sẽ được mặc trang phục truyền thống của đàn ông Scotland cho một bữa ăn tối trang trọng theo kiểu Tô Cách Lan (Scottish dinner) vào đêm mai. Qua hôm sau, khi đi tham quan về, bước vào phòng khách sạn đã thấy người ta để sẵn một bộ com-plê y phục truyền thống Scotland với đầy đủ phụ tùng. Chỉ có điều còn thiếu cái kèn túi có tên gọi Great Highland Bagpipe mà ta thường thấy trên sách vở hoặc truyền thông đại chúng.

Loay hoay mãi 30 phút tôi mới mặc gần đúng “bộ đồ đàn ông mặc váy” ấy, nhờ có một tờ hướng dẫn với hình vẽ kèm theo. Đó là bộ đồ không thể nhầm lẫn với bất kỳ y phục nào khác trên thế giới, vì nhìn vào người ta biết đích thị là Scotland. Tôi tính sắm một bộ đem về làm kỷ niệm nhưng sau đó đành ngậm ngùi từ bỏ ý định vì nó quá đắt so với thu nhập của người Việt Nam: khoảng 2.000 bảng Anh (tương đương 60 triệu đồng) cho một bộ hoàn chỉnh từ đầu tới chân.

Đối với du khách Việt Nam, Scotland vẫn còn là một vùng đất xa lạ. Nhưng người Việt Nam đã và đang quen dần với 2 “món” có xuất xứ từ Scotland: một là đánh gôn (golf) - môn “thể thao quý tộc” nổi đình nổi đám, tốn nhiều giấy mực của báo chí trong nước; hai là rượu whisky. Cả hai “món” này đang gây “ấn tượng mạnh” trên khắp thế giới. Trong đó, có một chi tiết khi tôi nghe được bỗng giật mình: Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trên thế giới tiêu thụ nhãn rượu whisky C. nổi tiếng ở xứ này loại 18 năm - một trong hằng hà sa số các nhãn hàng whisky do Scotland sản xuất. Điều đó chứng tỏ dân ta nhậu đạt đến đẳng cấp quốc tế, nhậu vào loại “có hạng” toàn cầu chứ chẳng phải vừa!

Ngoài hai “món” vừa nêu, Scotland còn là nước có thế mạnh về dầu mỏ, đóng tàu, vải sợi, hóa chất, đánh cá và du lịch. Thủ đô Edenburgh của Scotland là trung tâm tài chính lớn thứ 6 của châu u. Tóm lại Scotland là một nước giàu có, diện tích bằng 1/4 diện tích Việt Nam nhưng chỉ có 5 triệu dân, một vùng đất rộng người thưa, một chốn yên bình tĩnh lặng, phong cảnh đượm nét buồn man mác xa xăm nhưng lại đẹp như một bức tranh, nhất là vùng quê vào độ cuối thu.

Nhà cửa, giáo đường, công trình công cộng... của Scotland dùng vật liệu chính là đá với lối kiến trúc đơn giản nhưng trông chắc chắn và ấm cúng. Phố xá, làng mạc đều sạch sẽ và không hề thấy bất cứ một sợi dây nào giống như dây điện giăng mắc trong những thành phố hay thị trấn. Ở đây mọi đường dây dân dụng hoặc công cộng đều được người ta ngầm dưới đất, chứ không phải một đống bùi nhùi treo lơ lửng nhìn thấy ớn lạnh như ở Sài Gòn hay Hà Nội. Và dĩ nhiên, với việc ngầm hóa dây điện, người dân nơi đây cũng xa lạ với những tai nạn điện chết người ngoài phố theo kiểu Việt Nam.

(Còn tiếp) 

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.