Ứng cứu đê, kè Hà Nội

05/11/2008 00:56 GMT+7

* Đã kiểm soát được đê Chương Mỹ * Bác bỏ tin đồn vỡ đê * Đã có 58 người chết, 7 người mất tích * Vùng trũng Tân Mai vẫn bị cô lập

Tiếp tục chống tràn, tiêu úng

  Mời nghe đọc bài này

Dự báo, diễn biến mưa lũ vẫn còn rất phức tạp, trong vài ngày tới vẫn có mưa và dự báo lượng mưa không nhỏ. Tình hình này đặc biệt gây hại cho đê, kè của thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, bằng mọi biện pháp, cần tiếp tục chống tràn và tiêu úng. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm túc việc không bơm nước ra sông Nhuệ. Ngoài ra, Sở Xây dựng phải tính toán, rà soát lại năng lực bơm tiêu trong nội thành, đưa ra phương án mạnh mẽ hơn nữa để nhanh chóng bơm nước ra sông Hồng. 

Liên quan tới hỗ trợ đời sống cho người dân, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống cho người dân. Trường hợp quận huyện gặp khó khăn, phải liên hệ gấp để thành phố hỗ trợ, bất kể là hàng hóa, thiết bị, máy móc hay kinh phí. Ông Nguyễn Thế Thảo lưu ý: "Thiếu gì thành phố cũng có thể cung cấp kịp thời, song Chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước thành phố về đời sống của người dân". 

UBND TP cũng nhắc nhở quận, huyện kiểm soát chặt giá cả, chống đầu cơ, tích trữ, tăng giá hàng hóa bừa bãi. Để bình ổn giá cả, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng cho biết, thành phố cho phép chuyển số hàng hóa trị giá 160 tỉ đồng, đã chuẩn bị trước đó cho dịp Tết Kỷ Sửu, sang phục vụ người dân vùng khó khăn.

Đê Chương Mỹ đã được kiểm soát

Hôm qua 4.11, khi chúng tôi có mặt tại 2 xã Chung Hòa và Thanh Bình (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nước sông Bùi bắt đầu rút chậm nhưng các đoạn đê quan trọng ở đây vẫn đang phải oằn mình chống chọi với sức nước, các lực lượng hộ đê vẫn đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có sự cố xảy ra. 100 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 58 (Sư đoàn 308, Quân đoàn I) đang cắm chốt tại trạm bơm Trung Hoàng, nằm sát bờ đê, trực chiến. Trên 1,5 km đê tả Bùi thuộc địa phận xã Thanh Bình đã được gia cố, các bao đất đá xếp dọc triền đê, ngổn ngang các đống đất đá. Nước vẫn mấp mé các bao đất, chỉ cần dâng thêm vài phân nữa là lại tràn qua đê, tấn công làng mạc.

Ông Trần Bá Xiêm, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình, kể: “Từ đêm 31.10, nước sông đã dâng cao, vượt mức báo động III tới 45 cm, cao hơn mức nước lịch sử năm 1971. Trên 1,5 km đê đã bị nước sông Bùi tràn qua”. Ông Trần Bá Xiêm cho biết thêm, xã đã có phương án di dời khoảng 3.000 dân thuộc các thôn Kim Lê, Tiến Phối và xóm Đồi Bé nếu có sự cố nghiêm trọng xảy ra. Người dân tại đây đã chủ động gói ghém đồ dùng cá nhân, nhu yếu phẩm, kê cao lương thực và các vật dụng trong gia đình, sẵn sàng di tản khi có thông báo của chính quyền. 

Nằm cạnh xã Thanh Bình là xã Chung Hòa, nơi mà theo ông Chủ tịch xã Phạm Ngọc Liện, hiện là vùng phân lũ. Đứng trên đê, nơi nước đang mấp mé bờ, ông Liện nói: “Mực nước hiện nay đã cao hơn 12m so với trước khi mưa. Đã có 31m đê bị rạn nứt, tràn. Lực lượng xung kích và nhân dân trong xã đã kịp thời hộ đê thành công. Hiện trên đê lúc nào cũng có 24 người túc trực, cảnh giới. Các phương án di dời dân cũng đã được lên từ trước. Nếu có sự cố, khoảng 1.800 hộ dân sẽ phải di dời”.

Phía bên kia sông, vùng phân lũ, hàng trăm ngôi nhà của người dân thuộc các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương… đã bị ngập sâu trên 1m. Người dân đã sơ tán từ nhà thấp lên nhà cao tầng, từ khu vực trũng tới vùng cao hơn nhưng cuộc sống của rất nhiều người đang gặp khó khăn do thiếu nước sạch, và các nhu yếu phẩm khác.

Ông Nguyễn Văn Doanh – Phó chủ tịch thường trực UBND H.Chương Mỹ cho biết, 1.200 thùng mì ăn liền và 30.000 chai nước do Hội Chữ thập đỏ thành phố hỗ trợ đã được đưa vào vùng lũ chia sẻ khó khăn trước mắt với dân. Công tác cứu trợ vẫn đang được triển khai một cách khẩn trương. Thống kê bước đầu, mưa lớn đã làm ngập 50 ha hoa màu, 100 ha nuôi trồng thủy sản của người dân ở đây.

Tin đồn thất thiệt

Hôm qua, tại Hà Nội đã xuất hiện một loạt các tin đồn: vỡ đê nhiều nơi, Hà Đông sẽ là vùng phân xả lũ, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Bùi Minh Tăng đệ đơn từ chức… Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng khẳng định: “Các thông tin vỡ đê, vùng xả lũ chỉ là tin đồn thất thiệt. Qua rà soát trên toàn địa bàn, đến thời điểm này, chưa có tuyến đê nào của Hà Nội bị vỡ, Hà Nội cũng chưa có chủ trương phân lũ vào địa phương nào cả. Chúng tôi đang cố gắng ngăn ngừa các tin đồn đó vì trên thực tế nó đã gây hoang mang trong dân chúng, giá cả nhu yếu phẩm cũng tăng theo”. Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Minh Tăng cũng đã bác bỏ thông tin ông viết đơn xin từ chức.

Tuy nhiên, ông Hùng xác nhận một số tuyến đê, nhất là đê sông Bùi, sông Tích, sông Đáy… đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nước tràn đê. Tại khu vực sông Bùi, sông Tích nhiều khu dân cư đã bị ngập, chia cắt, cần được hỗ trợ. Ông Hùng cho biết Hà Nội đã đề nghị Bộ Quốc phòng chủ động chuẩn bị bố trí lực lượng, phương tiện theo phương án, để khi có sự cố xảy ra sẽ trợ giúp. Trước mắt, Bộ Quốc phòng thông báo cho các đơn vị đóng quân ở khu vực dọc các sông, sẵn sàng tham gia giúp đỡ các địa phương. Khó khăn thứ hai của Hà Nội hiện tại là tiêu úng cho nội thành vì hiện chỉ trông chờ vào trạm bơm Yên Sở. Hà Nội đang tính đến phương án lắp đặt một số trạm bơm dã chiến, mua thêm máy hút nước tại đập Thịnh Liệt đổ ra sông Nhuệ…

Để chống ngập cho Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo tiếp tục vận hành an toàn trạm bơm Yên Sở, đồng thời Bộ sẽ chỉ đạo Hà Nam cho vận hành tối đa công suất trạm bơm Yên Lệnh, giảm áp lực nước cho sông Nhuệ.

Từ giữa tuần lại có đợt mưa lũ mới

Chiều tối 4.11, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã họp bàn các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai và đối phó với các diễn biến tiếp theo của mưa lũ. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, đến chiều 4.11, mưa lũ đã làm 58 người chết (Thái Nguyên 4 người, Bắc Giang 5 người, Phú Thọ 2 người, Vĩnh Phúc 7 người, Hòa Bình 3 người, Hà Nội 20 người, Nghệ An 9 người, Hà Tĩnh 5 người, Ninh Bình cùng với Quảng Bình và Hà Nam mỗi tỉnh có 1 người chết), 7 người mất tích và 4 người bị thương.

Q.D

Ông Bùi Minh Tăng – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư nhận định: từ ngày 6 – 8.11, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhiều trở lại. Mưa bắt đầu từ phía tây Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc, sau đó lan đến vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dự báo tại các khu vực kể trên sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa dao động trong khoảng 50 – 200 mm, một số nơi lớn hơn 200 mm. Nguy cơ ngập úng trở lại đối với Hà Nội, lũ các sông tiếp tục lên tạo áp lực lớn cho hệ thống đê của Hà Nội; các tỉnh khác cũng đối diện với ngập lụt, lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất là rất cao.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Hà Nội phải lường trước tình huống xấu nhất có thể xảy đến. “Mực nước tại Hà Nội có thể lên tiếp trong thời gian tới. Thành phố phải thông tin đầy đủ cho người dân biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho dân” – ông Phát nhấn mạnh. Bộ trưởng cho rằng, Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng phương án hỗ trợ dân sinh nếu ngập lụt tiếp tục xảy ra theo hướng tổ chức hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn, sử dụng cầu vượt nhẹ để mọi người qua lại vũng nước ngập sâu, không để dân thiếu gạo và thực phẩm. Đối với các địa phương khác, cần chủ động chuẩn bị đối phó với lũ lên lại, lũ quét đồng thời xây dựng các kịch bản để hỗ trợ người dân gặp thiên tai hiệu quả nhất. 

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục xả nước tại các hồ chứa, hồ thủy điện để tạo dung tích chứa lũ khi xuất hiện đợt lũ mới.

Thanh niên tình nguyện giúp dân

Ngày 4.11, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã đến thăm, tặng quà động viên các đội thanh niên tình nguyện (TNTN) thủ đô đang làm nhiệm vụ ứng trực, khắc phục hậu quả ngập lụt tại địa bàn phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai). Mặc dù đã 4 ngày trôi qua, mưa cũng đã dứt song tại đây vẫn còn rất nhiều điểm ngập lụt.

Quận Đoàn Hoàng Mai đã phối hợp với đội TNTN trường ĐH Kinh tế quốc dân trực tại những địa bàn trọng yếu, thăm hỏi, tặng quà và giúp dân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Anh Nguyễn Đắc Vinh trao áo phao và áo xanh tình nguyện cho các đội TNTN; đồng thời hy vọng với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” các bạn trẻ sẽ giúp nhân dân sớm khắc phục hậu quả mưa lụt.

* Cùng ngày, Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với Hải đội 4, vùng 1 (Quân chủng Hải quân) tổ chức 4 đoàn công tác hỗ trợ người dân tại các vùng bị ảnh hưởng mưa úng trên địa bàn thành phố thuộc các huyện Mê Linh, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai. Hải đội 4 đã điều động 10 thuyền cao su, 1 xuồng máy, 100 áo phao và 20 chiến sĩ hải quân phối hợp với các cơ sở Đoàn để thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân khu vực bị ngập úng kéo dài. Thành Đoàn đã huy động 10 thùng mì tôm, 10 thùng nước ngọt, 150 áo mũ TNTN phục vụ công tác hỗ trợ.

H.Bình

Tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh

Hôm qua 4.11, 6 đoàn kiểm tra do Sở Y tế Hà Nội thành lập tiếp tục tiến hành kiểm tra, giám sát công tác khắc phục, phòng chống dịch bệnh sau lũ tại các quận, huyện thành phố. Tại huyện Hoài Đức, có 8 xã trong tổng số 20 xã và thị trấn vẫn đang trong tình trạng ngập úng nặng, trong đó có xã Lại Yên với trên 2.000 hộ, 9.000 nhân khẩu. Vấn đề quan tâm nhất của bà con tại đây là nguồn nước sinh hoạt đã bị nhiễm khuẩn.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Y tế đã hướng dẫn người dân cách làm trong và khử khuẩn nước bằng phèn chua và Cloramin B, nhưng lưu ý vẫn phải nấu chín, uống sôi. Hiện, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội dự trữ 12 tấn Cloramin B, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các điểm ngập úng nặng. Rác thải, xác súc vật chết được thu sau úng ngập sẽ được trung tâm y tế quận, huyện phun thuốc khử khuẩn trước khi được mang đi xử lý. Nguồn nước sinh hoạt vẫn tiếp tục được kiểm tra đầu vào và cả đầu ra.

Minh Ngọc

Hà Đông náo loạn vì tin đồn thất thiệt

Hôm qua 4.11, tại khu vực Hà Đông xuất hiện tin đồn “xả lũ về Hà Đông”. Tin đồn đã làm náo loạn nhiều khu vực. Khoảng 15 giờ 30, quanh chợ Hà Đông, nhiều người tụ tập tại các cửa hàng bán đồ ăn, thực phẩm gây ách tắc giao thông. Đám đông vây nhiều vòng quanh các cửa hàng và chen lấn để mua được mì tôm, gạo, lương thực dự trữ…

Những người mua hàng cho biết, họ nghe có tin rằng sẽ đổ lũ về Hà Đông, cho nên phải đi mua đồ dự trữ phòng trước. Đến 17 giờ cùng ngày, trên các loa truyền thanh tại Hà Đông, chính quyền địa phương thông báo tin đồn lũ về Hà Đông là thất thiệt, đồng thời cử người đến tận các ngõ để phổ biến, tránh hoang mang cho người dân.

Đến 19 giờ, tình hình mới trở lại bình thường, các cửa hàng không còn bị “bao vây”.

Hồng Hà

Ngọc Nam - Quang Duẩn -  Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.