Thái Lan - Campuchia đe dọa đối đầu

14/10/2008 23:11 GMT+7

Trước tối hậu thư của Campuchia, Thái Lan nói họ sẵn sàng đối đầu nếu quốc gia láng giềng sử dụng vũ lực.

Căng thẳng đỉnh cao

Có thể nói, căng thẳng về vấn đề biên giới giữa Thái Lan và Campuchia hiện đang ở điểm nóng nhất kể từ khi tranh chấp quanh đền Preah Vihear bùng lên từ tháng 7. Đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong hôm 13.10 cảnh báo Thái Lan phải rút quân khỏi khu vực tranh chấp, nếu không sẽ đối mặt với “xung đột vũ trang quy mô lớn”. Thủ tướng Campuchia Hun Sen sau đó cũng yêu cầu 84 binh sĩ Thái Lan phải rút quân trước buổi trưa hôm qua (14.10) tại khu vực tranh chấp mà ông gọi là “trận địa sinh tử”. “Nếu họ không rút đi đêm nay, họ sẽ phải rút vào ngày mai”, Báo Phnom Penh Post dẫn lời ông Hun Sen nói hôm 13.10. Cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng hai nước hôm 13.10, cũng như các cuộc trước đó, không đem lại kết quả. Một vài vụ chạm súng nhỏ giữa đôi bên thời gian qua cũng đã khiến nhiều binh sĩ của cả hai bị thương. Từ đó đến nay, quan điểm của Phnom Penh về vấn đề đền Preah Vihear vẫn cứng rắn.

Sau khi phía Campuchia ra “tối hậu thư” và quân đội nước này được tăng cường tại khu vực trên, Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat đã họp khẩn cấp với Tổng tư lệnh Lục quân Anupong Paochinda cùng các tướng lĩnh quân đội khác. Đến trưa hôm qua, Hãng tin Reuters dẫn lời một tướng lĩnh của Campuchia là Chea Mon nói rằng binh sĩ Thái Lan đã rút khỏi khu vực tranh chấp. “Tình hình có vẻ đã trở lại bình thường”, tướng Chea Mon nói, “Quân đội chúng tôi đã chiếm lại khu vực mà binh sĩ Thái vừa rút đi”. Tuy nhiên, Bangkok bác bỏ hoàn toàn tin này. Ngoại trưởng Thái Lan Sompong Amornviwat nói quân đội nước này có quyền ở lại khu vực mà họ đang đóng quân. “Tất cả 80 binh sĩ sẽ duy trì tại khu vực tranh chấp bởi Thái Lan đã quản lý nơi đây 20 đến 30 năm nay”, ông Sompong nói.

Sẵn sàng đối đầu

Ông Somchai cũng tuyên bố Thái Lan không thể rút quân ngay lúc này theo yêu cầu của ông Hun Sen. Một tuyên bố đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng nói Bangkok vô cùng ngạc nhiên về việc Thủ tướng Hun Sen ra tối hậu thư. Bộ Ngoại giao Thái nói điều này đi ngược lại với tinh thần hữu nghị hai nước, đặc biệt khi cả hai cùng là thành viên ASEAN.

Tuyên bố trên cũng tỏ rõ sự cứng rắn của Thái Lan: “Nếu Campuchia dùng đến vũ lực theo như những điều mà họ gọi là tối hậu thư thì Thái Lan buộc phải thực thi quyền phòng vệ của mình theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhằm bảo vệ người, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Có thể thấy, Thái Lan đã sẵn sàng đối đầu nếu Campuchia “ra tay”. Tuy nhiên, Thái Lan cũng nói họ sẽ không nổ súng trước.

Về phần Chính phủ Thái Lan, nếu họ không xử lý vấn đề đền Preah Vihear một cách khéo léo thì bản thân họ sẽ bị lực lượng chống đối là Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD) vin vào cái cớ đó để tiếp tục biểu tình, gây sức ép. Dưới thời Thủ tướng Samak Sundaravej, Ngoại trưởng Noppadon Pattama đã phải từ chức, sau khi ký văn bản ủng hộ đền Preah Vihear trở thành di sản thế giới, do không chịu được sức ép từ PAD, lực lượng cáo buộc ông và chính quyền của ông Samak là “bán nước”. Bên kia, sau khi đền Preah Vihear được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Campuchia nói họ sẽ cho các công ty tư nhân đầu tư ít nhất 2 triệu USD để lắp đặt các tuyến cáp treo cùng việc xây dựng đường sá dẫn lên đền.

Hiện ông Somchai đang phải oằn mình trước tình hình chính trị trong nước, vừa phải tìm cách đối phó với vấn đề biên giới trong khi Phnom Penh thì vẫn giữ nguyên thái độ cứng rắn. Không khí xung quanh đền Preah Vihear vì thế mà chưa có dấu hiệu lắng dịu sớm.

Việt Phương
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.