Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 8: “Thổi” bệnh huyền bí

10/04/2012 03:42 GMT+7

Hiện ở nhiều bản làng xa xôi hẻo lánh, đồng bào đã biết tìm đến cơ sở y tế mỗi khi đau ốm. Nhưng vẫn còn không ít nơi chữa bệnh bằng “thổi phép” bùa chú và cúng “ma” rừng.

Hiện ở nhiều bản làng xa xôi hẻo lánh, đồng bào đã biết tìm đến cơ sở y tế mỗi khi đau ốm. Nhưng vẫn còn không ít nơi chữa bệnh bằng “thổi phép” bùa chú và cúng “ma” rừng.

>> Kỳ 7: Ám ảnh ma rừng

Phun rượu, đọc “thần chú”

Thực hư thế nào, có cơ sở để kiểm chứng hiệu nghiệm hay không thì chưa rõ nhưng khá nhiều người ở quanh vùng, thậm chí cả ngoại tỉnh biết và tìm đến nhà bà Ác, người Vân Kiều ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy để trị bệnh. Hễ trái gió trở trời là họ lại tìm đến xin vài gói thuốc, nhờ bà “phù phù” cho vài lần. Bà cho biết thường hay chữa các bệnh như dạ dày, đại tràng, tai nạn, xương khớp, sỏi thận.

Cách chữa bệnh của bà khá đơn giản và giống nhau. Bệnh nhẹ hay nặng bà đều “bắt” bằng cách lấy lá trầu sạch áp lên chỗ đau rồi “thổi phép” vào, biểu hiện căn bệnh sẽ in lên lá trầu. Nếu bệnh quá nặng và nguy hiểm thì bà yêu cầu phải đi bệnh viện khám, chụp phim chẩn đoán bệnh. Bà “thổi” bằng cách chà lá trầu sạch lên toàn thân người hay một bộ phận nào đó, vừa chà bà vừa phun rượu ngậm trong miệng và đọc các câu “thần chú”, vị trí bị đau được thổi nhiều lần. Tùy theo từng loại bệnh mà bà đọc những câu “thần chú” khác nhau. Bà bảo mỗi lần “thổi” như vậy rất mệt và mất nhiều công lực. Sau đó, người bệnh được bốc thuốc về sắc uống. Thuốc gồm các loại lá, rễ, thân cây ở trong rừng. Có khi phải đi cả tháng trời mới tìm được cây thuốc đem về. Nó được rửa sạch, thái nhỏ phơi khô rồi cất vào bao. Bà Ác thường dặn người bệnh thực hiện ăn uống đúng chế độ kiêng kỵ.

 
Ông Đinh Rầu làm lễ trước khi ngậm rựa nung thổi bệnh - Ảnh: T.Q.Nam

Bà kể, ông nội đã truyền nghề cho bà từ lúc 14 tuổi. Khi chưa đạt đến sự lão luyện, việc học rất gian nan và công phu. Phải kiêng hầu hết các loại thức ăn như: cá lóc, cá trê, lươn, tiết canh, sừng, xương các loại động vật và các loài vật giống đực. Theo lý giải của bà, đó là sự “kiêng phép”, muốn cầm máu, muốn liền xương phải kiêng chính thứ đó. Và không được dùng tay bẻ củi đun, hái bẻ các loại cây mà phải lấy dao cắt. Nhổ sắn mà có củ nào bị gãy thì không được ăn củ đó..., như thế chóng liền vết, nhanh hồi sinh. Học đến năm 40 tuổi, bà mới có thể chữa bệnh. Bà không truyền dạy cho các người con trai vì bà cho rằng con trai không chịu khó kiêng cữ, bà chỉ truyền cho một người con gái.

Nhiều cách lạ

Dân bản Cà Roòng ở xã Thượng Trạch (H.Bố Trạch) sát biên giới Việt - Lào gặp chúng tôi đều khoe chuyện một số kỳ nhân có nhiều biệt tài như có thể ngậm sắt hay mũi rựa nung đỏ hoặc tắm nước đun sôi. Và đặc biệt, chỉ có người Ma Coong mới có bí kíp này, còn các tộc người khác trong vùng thì không thể.

Ông Đinh Hợp cho hay, ngày xưa không có y tế, mỗi khi bà con đau ốm đều phải cúng chữa theo các phương pháp cha ông truyền lại, có thuốc rừng nhưng cũng có những bài huyền bí. Còn kỳ nhân Đinh Mỳ nhất định không biểu diễn cho người khác xem. Ông bảo, ông làm để chữa bệnh thôi, nếu trong bản có ai đau ốm mới làm, còn không dàng phạt chết. Ông cũng không rõ chữa có lành bệnh không, dân bản ốm đau thì chữa.

Một người Ma Coong khác hiện sống tại bản A Rem, xã Tân Trạch là ông Đinh Rầu có biệt tài ngậm rựa sắt nung đỏ để chữa bệnh. Trước khi tiến hành phải làm lễ cúng gồm một bình rượu cần, nến làm bằng sáp ong rừng, trầu, tất cả để trong một cái mâm gang. Sắp đặt lễ xong, Đinh Rầu thắp nến và đọc thần chú cúng, vừa đọc ông vừa lấy trầu bỏ vào miệng nhai. Trước đó, một cây rựa sắt rửa sạch đã được ông cho vào bếp lửa nung. Khi cúng xong và ước thời gian cây rựa đủ độ nóng thì ông ra bếp cầm vào nơi làm lễ, lúc này phần mũi rựa đã đỏ rực. Ngay lập tức ông đưa mũi rựa đỏ vào miệng ngậm sâu đến 4 cm giữa 2 hàm răng trong thời gian khoảng 3 giây, sau đó ông đưa mũi rựa xuống dưới lòng bàn chân chà lui chà tới mấy lần. Đó là những công đoạn bước đầu mỗi khi làm lễ chữa bệnh cho ai đó. Việc người Ma Coong “thổi bệnh” có hiệu nghiệm hay không thì chưa ai kiểm chứng nhưng chúng tôi đã được nghe bà chủ quán trong xã tên Quế kể từng được ông Đinh Rầu cứu nạn.

Hầu như ở các bản làng thâm sơn cùng cốc nào cũng có ít nhất một người biết chữa bệnh bằng “phép”. Ở bản Dộ, xã Trọng Hóa (H.Minh Hóa), nơi người Mày và người Khùa sinh sống thì có ông Hồ Phoong. Tuổi ngoài 50 nhưng nhìn ông còn rắn khỏe, ông nói chẳng ai dạy ông cách chữa bệnh, có vẻ như trời sinh ra, thần rừng đã ban cho ông vậy. Cuộc sống biệt lập, phải đối mặt với nhiều nguy hiểm đến từ núi rừng sâu thẳm nên các tộc người phải tự trang bị cách đối chọi hoặc chí ít cũng có cái gì đó làm niềm tin cho họ qua ngày tháng. Đọc “thần chú” cũng là một cách ấy.

Hồ Phoong kể, ngày trước, bất cứ chứng bệnh gì cũng “thổi” vì không có sự lựa chọn nào khác. Bây giờ có y tế nên chỉ “thổi” những trường hợp bị vết thương ngoài da. Sẽ có mỗi bài chú khác nhau dành cho các loại vết thương. Người đến trị thương mang 2 bình rượu để làm lễ. Hồ Phoong sẽ dùng nến làm từ sáp ong và rượu để “thổi”. Thời gian “thổi” khoảng nửa tiếng đồng hồ và đặc biệt phải giữ không khí linh thiêng, không được cười nói. “Ma mót” sẽ tức giận bỏ đi, tất cả công sức tan biến và công lực của thầy “thổi” cũng bị triệt bỏ phần nào.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.