Bạo lực yêu - Kỳ 1

31/10/2009 12:07 GMT+7

Hai giờ đêm, Tuyết lao ra khỏi cửa phòng trọ. Toàn thân Tuyết bầm tím, đây không biết là lần thứ bao nhiêu Tuyết bị người yêu đánh đập, hành hạ. Cả xóm trọ làng Trung Văn biết, nhưng cũng chỉ im lặng vì mọi người cho rằng đó là chuyện riêng.

Nước mắt trong đêm

Tuyết là sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải. Con gái Sơn La da trắng ngần, lại nhanh nhẹn dễ thương, ngay từ những ngày học đầu tiên ở Hà Nội đã có rất nhiều người theo đuổi Tuyết.

Cô đã yêu Hùng, hơn cô ba tuổi, là sinh viên ĐH Kiến trúc. Bạn bè thấy Hùng đẹp trai nhưng dữ tướng nên khuyên Tuyết cần tìm hiểu kỹ trước khi nhận lời yêu. Nhưng họ vẫn đến với nhau. 

Năm thứ hai, Tuyết dọn về ở cùng Hùng trong căn phòng 9m2 ở làng Trung Văn. Họ gọi đó là sống tiết kiệm. Sau hơn sáu tháng sống thử, mọi người trong xóm trọ thường xuyên nghe thấy tiếng đánh chửi, khóc thét, tiếng van xin của Tuyết từ phòng trọ.

“Tại sao cô tắt điện thoại, cô đi với thằng nào - Điện thoại em hết pin - Hết pin...chiều nào cũng hết pin...”. “...bốp bốp...”. Khi ngôn ngữ bất lực thì… chân tay lên tiếng.

Sinh viên cùng dãy trọ vẫn thường phỏng đoán tình huống sau khi nghe những đoạn hội thoại lạ như thế. Những trận đánh đập,  thường xảy ra sau những cuộc cãi vã, những cơn say của Hùng.

Năm dấu hiệu của người có tính bạo hành

- Ghen tuông thái quá, có tính đa nghi.
- Áp đặt ý kiến chủ quan của cá nhân trong mọi cuộc tranh luận.
- Nóng tính, hung hãn, thích xử sự mọi việc theo lối thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
- Ngăn cấm người yêu đi với bạn khác giới, dù đó là mối quan hệ gì.
- Có tính sở hữu, quan niệm người yêu là của riêng mình, thuộc về mình, có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn.

Hơn một năm qua, Tuyết âm thầm chịu cảnh đớn đau một mình. Bao lần Tuyết nức nở, quyết tâm sẽ bỏ người yêu khi nghe mọi người phân tích. Nhưng rồi Tuyết không thể.

Cô phụ thuộc vào người yêu. Không phải vì tiền, mà còn vì tình. Tuyết nói: Hai người đã sống với nhau như vợ chồng, có sự hòa hợp nên mình không thể dứt ra đi được. Chỉ mong anh ấy sớm có sự thay đổi.

Sinh viên sống trọ tại ngõ đê Tô Hoàng (Hà Nội) thường xót xa thay cho Lan khi cam chịu cảnh bị người yêu đánh, làm nhục ngay trước mặt bạn bè.

Từ Thái Bình lên thăm con gái, bà Thanh, mẹ Lan tá hỏa lo lắng khi nhìn thấy con mình héo quắt gầy mòn, không còn sức sống. Bà Thanh nhờ bạn bè Lan đưa cô đến bệnh viện. Bác sỹ chẩn đoán Lan bị suy nhược cơ thể.

Nằm điều trị hai tuần ở bệnh viện, mặc cho mẹ hỏi han vì sao ra nông nỗi này, Lan chỉ im lặng.

Qua bạn bè, bà Thanh biết Lan kiệt sức vì tình yêu. Phương Nhung, bạn thân học cùng lớp với Lan ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân kể với bà Thanh: Lan yêu anh Tùng được một năm nay.

Tùng là con một, gia đình khá giả ở ngoại thành Hà Nội, yêu Lan nhưng có tính hay ghen. Chỉ cần nhìn thấy Lan đi với bạn khác giới, không cần biết đó là quan hệ gì, Tùng lập tức đánh đập và lôi cô đi xồng xộc.

Xấu hổ với bạn bè, Lan bất lực với chính mình.  Hằng ngày, cô lặng lẽ đi học rồi ngoan ngoãn ngồi nhà chờ người yêu. Sợ tình yêu tan vỡ, có lần Lan nói với bạn rằng: Dù có phải đánh đổi nhiều thứ, cô cũng quyết tâm giữ người yêu ở bên mình.

Xóm trọ ai cũng biết Lan ngoan hiền, một mực nghe lời người yêu  nhưng không ai biết Lan đang có một nỗi sợ hãi, một nỗi ám ảnh: bạo lực tình dục.

Nước mắt ngắn dài, Lan nói với Nhung trong một đêm đau ốm: mình cảm thấy xấu hổ khi nói ra chuyện này, nhưng mình thấy đau lắm. Chỗ ấy nhức buốt, nghĩ đến cảnh người yêu đòi hỏi thường ngày Lan thấy sợ nhưng cũng vẫn nín nhịn vì lo Tùng bỏ rơi…

Theo Hải Yến / Tiền Phong

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.