Món nợ - Truyện ngắn của Võ Thu Hương

09/03/2014 03:20 GMT+7

“Đám cưới cái Hà cả xóm cuống cuồng tìm chú rể. Sau 30 phút hoang mang kiếm tìm, một người bà con bị đau bụng, chạy vội vào hố xí thì phát hiện anh chàng ngồi thu lu ở đó. Mặc đồ vest, vẫn có bông hồng trắng buộc ruy băng đỏ cài ở ngực, vẻ mặt hoảng sợ tột độ. Anh chàng huơ huơ tay, ú ớ nói không nên lời. Buồn cười thế chứ”…

Minh họa: Văn Nguyễn
Minh họa: Văn Nguyễn 

Ông Cừ cười ha hả và kể lại đám cưới đầu tiên của mẹ tôi. Tiếng cười đột ngột lịm tắt khi ông nhận ra không có ai cười theo hưởng ứng. Mẹ tôi mặt cắt không còn giọt máu, tái xanh tái xẩm. Tôi lặng đi nghe kể chuyện mà thấy một nỗi xót xa, bẽ bàng vì chuyện hệ trọng như thế nhưng chưa bao giờ bố con tôi được biết, và lòng thít nghẹn lại vì thương mẹ. Đây là lần đầu tiên bà dẫn chồng con về quê ngoại. Nếu một ông chú họ không vui miệng trong cuộc nhậu đã la đà kể ra, hẳn nhiên chẳng ai biết.

Bố tôi không đủ bình tĩnh đón nhận câu chuyện như tôi. Ông đứng dậy, đá mâm “rầm”. Chưa hả, ông túm lấy chai rượu quẳng ra sân nát vỡ trăm mảnh. Ông lẳng lặng bỏ vào buồng xách ba lô bỏ đi trong sự cản ngăn của mọi người. Sau những âm thanh chát chúa ấy, ông Cừ tỉnh rượu khóc hu hu: “Hà ơi, chú hại con rồi”. Chỉ mẹ tôi và tôi vẫn im lặng. Khi bố đã ra khỏi sân, khuất dần sau hàng rào đỏ rực hoa râm bụt, mẹ úp mặt vào tay khóc nấc: “Không, không phải như vậy”.

Mùa xuân nát tan luôn từ đó. Năm tôi 15 tuổi. Vẫn còn đứng giáp ranh giữa hai bờ trẻ con và người lớn, nhưng đã biết quặn lòng đắng đót khi thấy mẹ bất lực đứng nhìn bố bỏ đi.

* * * * *

Tôi không ngủ suốt đêm. Câu chuyện của ông Cừ và mẹ kể sau khi bố đi khiến tôi ám ảnh tột độ và lẫn lộn hết thảy mọi cảm giác giận, thương. Tôi mường tượng rõ ràng ngày mẹ bằng tuổi tôi. Người yêu đầu tiên của mẹ là chú Hòa, ở huyện bên. Cách nhau vài chục cây số, một con sông đã là cả một quãng đường xa vợi, không hề dễ tìm hiểu cửa nhà nhau. Yêu nhau hai năm, bàn tính chuyện đám cưới, ba mẹ chú Hòa qua dạm ngõ… Mọi việc diễn ra nhanh chóng như số phận sẵn an bài. Ai dè, ngày đám cưới, chú rể là người anh song sinh, bị chậm phát triển từ nhỏ chứ không phải chú Hòa. Chú Hòa bỏ đi biệt tích vì mặc cảm tội lỗi. Món quà duy nhất cũng là quà cưới của chú gửi lại cho mẹ là đôi chim sáo nhỏ nhốt trong chiếc lồng mây xinh xắn tự tay chú đan.

Mẹ tôi khóc như mưa ngày về nhà chồng. Trong khi nhà trai ngồi chờ đón dâu bên ngoài cửa trước, bà ngoại xót con, chuẩn bị nhanh chóng đồ đoàn, nhét hết thảy vào tay nải, xúi mẹ bỏ trốn đi cửa sau. Ông ngoại biết được, cấm cẳn: “Nó chỉ khờ chứ không ngu hẳn. Lấy chồng về rồi cũng chỉ sinh con đẻ cái, lo cho chúng lớn thôi mà. Đến nước này rồi, không theo người ta về thì ở vậy cho bố mẹ thờ ư? Mày bỏ đi rồi cả làng chửi bố mẹ nghe ư?”. Ông ngoại là một ông giáo làng, bước chân không ra khỏi mấy lũy tre. Mẹ trao lại túi đồ cho bà. Quyết định không ra đi. Không hẳn vì sợ ông, chỉ vì muốn ở gần để thăm nom cha mẹ. Ông bà ngoại đứng nhìn theo con gái về nhà chồng, ứa nước mắt.

Mẹ tôi về nhà chồng trong tâm thế một người bị lừa tình. Bà vẫn muốn gặp lại chú Hòa để hỏi cho ra lẽ. Mối tình đầu của bà. Bà vẫn luôn tin rằng nó có thật. Bởi vậy chỉ ba ngày bà sọp hẳn người khi trong đầu vẫn váng vất câu hỏi tại sao đến phút chót chú lại bỏ đi để đánh tráo chú rể trong đám cưới cả hai người cùng chờ mong này. Bà mẹ chồng thương con dâu mới về trong cảnh bẽ bàng, bà tìm cách vỗ về bao nhiêu thì hờn tủi càng trào ra, con dâu càng khóc nấc bấy nhiêu. Đến khi bà đành nói thật rằng, chính chú Hòa cũng vì bị ba mẹ ép buộc, phải vì chữ hiếu mà cưới vợ cho anh. Từ ngày đám cưới, chú Hòa cũng không chịu nổi nỗi đau này mà bỏ đi không một dòng tin tức… Mẹ gục xuống gối có thêu đôi chim uyên ương mà khóc nấc. Đêm ấy, chờ khi gà gáy, trời lờ mờ sáng, bà trốn chạy khỏi nhà chồng. Trốn chạy sau một tuần về nhà chồng và chưa hề biết mùi chồng.

Chạy quá mấy lũy tre thì bà bất ngờ quay đầu đứng đợi khi phát hiện ra anh chồng khờ đang đuổi theo. Ông dúi dúi chiếc lồng có chứa đôi chim sáo - quà tặng của chú Hòa cho mẹ. Mẹ cay đắng cầm lấy, lòng băn khoăn nhẹ. Anh chồng khờ cười hiền queo đưa tay vẫy vẫy chào và lầm lũi quay về. Hai vai ông rung lên bần bật. Ông vừa đi vừa quệt tay lau nước mắt. Hai con chim sáo thấy động vô tư nhảy loạn xạ trong lồng và cất cổ ngân nga vài tiếng chào ban mai đang lên.

* * * * *

Mẹ bỏ xứ vào miền Nam, mang theo đôi chim sáo. Khi tôi hỏi bà về chú Hòa, mẹ cười nhẹ: “Giận lắm, nhưng mà vẫn thương. Tới giờ vẫn chưa một lần gặp lại”. Có những người chỉ một lần đi qua đời nhau nhưng chẳng thể quên khi đã gieo vào lòng niềm thương nỗi nhớ.

Đôi chim sáo ấy bố từng rất thích. Nó dường như là ông mối cho bố với mẹ. Bố vẫn kể, thấy đôi chim sáo đẹp, khôn, ông thường bắt châu chấu cào cào đưa vào cho. Vào cho chim ăn vài lần thì quen thân, rồi thương mẹ ngày nào không hay. Cũng đôi chim sáo ấy mà hôm nay ông ngồi nhìn tụi nó già nua không thèm nhảy nhót. Bố uống đã ba chai rượu. Không đứa nào dám nhảy vào can. Đôi chim sáo rũ cánh trong lồng. Bố nhìn đôi chim với ánh mắt vằn vện, tưởng như có thể chực ăn tươi nuốt sống chúng. Có lúc, ông thậm chí đã xách con dao lên ngồi cạnh lồng chim và mở cửa lồng. Giọng nghẹn lại: “Ra đi, tao giết từng đứa”. Cửa lồng cứ mở mà đôi chim chẳng thèm bay ra. Chúng đứng ủ rũ nhìn lại ông với đôi mắt lóng lánh. Bố bất lực vất con dao ra sân, gục đầu lên lồng chim mà khóc hầng hậc.

Hai tháng trôi qua, bố mẹ không trò chuyện. Mẹ nhìn bố với ánh mắt hối lỗi tột cùng và dè dặt. Mọi việc bà vẫn chu toàn như xưa nhưng có cảm giác như một sự phụng sự để trả nợ. Đáp lại, thi thoảng bố nhìn mẹ với ánh mắt vằn vện, hoặc có khi lại đầy khinh bỉ. Những phút giây riêng tư của bố mẹ chưa bao giờ mấy chị em có thể biết thì bây giờ đã lờ mờ biết. Bởi cứ vài ngày một lần, về khuya lại nghe tiếng mẹ nấc lên đau đớn, và tiếng bố chửi rủa những câu không đầu không cuối. Đối thoại của bố mẹ chỉ dừng lại những phút ấy. Mẹ ngày càng tiều tụy, cam chịu còn bố ngày càng khó tính, hằn học hơn.

Tất cả sự thay đổi ấy khiến tôi lạc lõng trong căn nhà mình đã gắn bó bao năm. Tôi khăn gói ra đi. Ra đi, đơn giản vì thấy mình không còn thuộc về nơi ấy. Còn vì thấy vừa giận vừa thương cả hai người đã từng là thần tượng thương yêu nên không chịu nổi sự ngột ngạt họ dành cho nhau và khiến con cái phải chịu chung. Vốn liếng cho cuộc bỏ trốn là con heo đất nuôi suốt ba năm chưa đập.

* * * * *

Anh là người duy nhất thuyết phục bằng được tôi trở về. Chính tôi cũng khó ngờ rằng mình có thể một đi không trở lại từ cái hôm quyết tâm bỏ trốn đến nay. Tự lực sống giữa đời với một cô bé tuổi 15, 16 không phải là điều quá khó. Tôi - 25 tuổi, là nhân viên luôn ở top đầu trong một công ty liên doanh có tiếng. Hiếm khi tôi kể cho ai nghe về gia đình mình, thậm chí hiếm khi một mình nhớ lại chuyện cũ. Tôi tự chậc lưỡi cho qua với suy nghĩ: thời gian có dư đâu mà buồn.

- Anh biết em không quá khó để sống một mình, nhưng chắc mẹ sẽ quá khó để sống khi em bỏ đi. Đó có lẽ là sự trừng phạt lớn nhất còn gì nữa, em? Theo em, mẹ có đáng bị vậy không?

Khi anh nói điều ấy, tôi giật mình. Sự trừng phạt mẹ? Đó có phải là điều duy nhất tâm can tôi muốn sau những cú sốc đầu đời bố mẹ vô tình gieo cho tôi, nguyên nhân sâu xa chỉ vì số phận khắc nghiệt khiến mẹ tôi phải chịu. Bằng ấy năm, tôi lẩn tránh không nhắc tới, không nghĩ tới những từ này. Tuy vậy, anh lục ra đúng bản chất của những sự việc.

- Anh thất vọng về em lắm à?

- Không. Anh chỉ thất vọng nếu em không vì mẹ, vì anh và vì chính em mà quay về.

Vị mặn của nước mắt chảy vuột vào tôi hay sao mà xót mặn đến vậy, sau những lời anh nói.

- Anh về quê với em chứ?

- Dĩ nhiên.

Và những dòng mặn đắng ấy như từng lớp sóng biển trào dâng, vỡ òa. Tôi thấy từ lâu rồi, cả tâm hồn lẫn cơ thể mình cùng được vỡ òa ra một cách thoải mái và mạnh mẽ nhất, khi tôi lên lịch cho chuyến trở về, sau bằng ấy năm đi xa.

Nhà cũ không khác xưa mấy. Vẫn dãy dâm bụt khoe sắc chẳng thể tỏa hương dẫn lối vào nhà bằng những đóa hoa đỏ, hồng, vàng rực rỡ. Đầu hè, con sáo già giọng khản đặc:

- Hạnh à!

Tôi giật mình, khẽ “Ờ”. Chừng ấy năm đôi chim sáo vẫn sống? Như thể ngày tôi đi mới vừa hôm qua chứ không phải mười mấy năm về trước. Nhìn kỹ thì hóa ra chẳng phải. Đôi chim mới chẳng có vết khoang nâu như chiếc khăn choàng qua cổ - điểm đặc biệt của đôi sáo cũ. Hai con sáo nhìn tôi chòng chọc, chẳng thể hiện niềm vui thân quen dù vẫn nhảy chuyền trên những nhánh dọc ngang buộc trong lồng: “Hạnh, Hạnh à…”.

- Hạnh ơi…

Lại giật mình. Tiếng người chứ chẳng phải tiếng sáo. Chị Hằng xắn quần ống thấp ống cao đứng tần ngần một chút nơi sân. Khi tôi ngoảnh về phía chị, phải cắn chặt môi lại để khỏi bật khóc, chị òa khóc nức nở chạy về phía tôi:

- Đúng em tôi rồi, Hạnh ơi, Hạnh… Sao không về sớm hơn hả em, mẹ chờ em cả những giây cuối cùng…

Mẹ mất tháng trước, cũng đúng vào ngày trăng rằm tròn vạnh như hôm nay tôi về nhà. Trước khi mất nhiều ngày, mẹ nằm ở chiếc giường đơn, nơi chị em tôi đang ngồi trò chuyện. Chiếc giường kê ngay bên cửa, nơi nhìn ra có đôi chim sáo nhỏ. Chị Hằng nói, đôi chim trước chết già. Bố tìm bằng được đôi chim mới, khá giống và khôn y như đôi cũ cho mẹ vui lòng. Sau những năm đày đọa của bố, đáp lại chỉ là sự nhẫn nại của mẹ thì bố cũng nguôi ngoai vết thương cũ. Ông lại quày quả tìm mọi cách để mẹ gặp lại niềm vui. Nhưng vui gì nổi từ ngày tôi bỏ đi. Thi thoảng nghe tiếng bước chân lạ, bà lại cất tiếng hỏi: “Hạnh à?”. Có lẽ vì thế, khi thấy tôi, đôi chim sáo cũng bắt chước gọi “Hạnh à?”.

Cũng từ sau khi tôi đi, bố đằm tính lại. Ông thường ngồi nhìn ra ngõ nhỏ đầy hoa dâm bụt nở lòa xòa mà thở dài. Ông bắt đầu trò chuyện lại với mẹ. Nhưng chẳng hiểu sao chính mẹ lại luôn im lặng. Như thể bà mệt mỏi đến đỗi chẳng buồn trò chuyện với hết thảy mọi người. Thi thoảng có nói điều gì với ai đó, câu chuyện lòng vòng thế nào lại về chuyện tôi bỏ nhà đi. Mẹ vẫn nặng lòng cho rằng vì bà mà tôi ra đi.

Sau 5 năm, nhiều lần kiếm tìm thành công cốc, hết thảy mọi người đều tin rằng tôi chẳng bao giờ quay lại thì mẹ vẫn tin. Chị Hằng dẫn tôi vào phòng riêng của tôi ngày xưa. Tất cả sách vở lớp 8 của tôi vẫn còn trên bàn học, cây đàn guitar vẫn treo ở góc. Bụi phủi chưa lâu. Trước khi mẹ bệnh, chỉ có thể nằm yên một chỗ bà vẫn thường xuyên dọn dẹp căn phòng. Bà không muốn khi tôi quay về lại thấy đồ vật của mình bị bám bụi. Thậm chí, đến lúc nằm một nơi, mẹ vẫn nhắc chị Hằng nhớ dọn dẹp lau chùi nhưng đừng làm xê dịch mọi thứ trong căn phòng cũ ấy.

* * * * *

Tôi đứng thật lâu trong căn phòng cũ của mình. Chạm tay vào những sách vở, đồ vật thân thương mà lòng trĩu nặng. Lật tấm đệm bông lên, tôi kéo nhẹ cây roi tre bao năm vẫn còn ở đó. Cây roi ấy, ngày xưa tôi đã giấu khi phạm tội nói dối đi học, trốn mẹ đi chơi. Không may cho tôi, khi đang cùng đám bạn vi vu bên hồ thì một đám bạn khác lại kéo nhau đến nhà chơi nên lời nói dối bị lật tẩy. Đó là lần phạm tội nghiêm trọng nhất của tôi, đứa con ngoan hiền trong mắt mẹ và mọi người.

Tôi thắp nhang lên bàn thờ mẹ, đặt luôn chiếc roi tre lên bàn thờ. Tùy mẹ đấy, lần đầu tiên con gái chẳng trả giá với mẹ về những trận đòn roi nữa đâu. Tội chừng ấy năm bắt mẹ chờ đợi khi mẹ đã chịu bao đắng đau đến vậy, biết bao giờ tôi mới trả nổi. Ngoài sân, con sáo nhảy loạn xạ kêu: “Hạnh ơi, Hạnh ơi”.

Roi tre trước mặt, chẳng ai đánh mà tôi vẫn bật khóc ngon lành.

V.T.H

>> Ngày phép - Truyện ngắn của Võ Thu Hương
>> Ô cửa sổ màu tím" - Truyện ngắn của Võ Thu Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.