Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ - Kỳ cuối: Đặng Thùy Trâm - Một thông điệp hòa bình

16/10/2005 22:34 GMT+7

Danny L.Jacks: "Việt Nam, ai lại không muốn đến !" Danny L.Jacks là cựu toán trưởng Viễn thám Oregan thuộc Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal đóng tại Chu Lai. Sau 18 tháng phục vụ tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi - trong đó có 3 tháng nằm viện vì bị thương - ông về Mỹ. Một ngày trung tuần tháng 10/2005, Jacks trở lại với các câu hỏi của phóng viên Báo Thanh Niên từ Việt Nam gửi sang, do tôi trực tiếp chuyển đến ông.

* Thưa ông, sau khi trở về Mỹ, ông có bị hội chứng sau chiến tranh?

- Danny L.Jacks: Kể từ cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất nổ ra, người dân Mỹ mới có dịp so sánh với cuộc chiến tại Việt Nam. Và mọi người thấy rằng, mỗi cuộc chiến đều được giới truyền thông đặt tên. Mỗi danh từ riêng từ miệng báo chí, truyền hình đều lặåp đi lặåp lại và thấm vào người xem, người đọc. Tôi bị thương trở về từ Việt Nam được những người hàng xóm ở Rison đặt tên là baby-killer. Tôi còn bị hội chứng sau chiến tranh, PTSD (Post-Traumatic-Stress-Disorder), và phải nhập bệnh viện tâm thần để chữa trị gần 6 tháng. Tôi đã chịu đựng. May quá, hình ảnh chiến tranh vùng Vịnh đã làm mất đi quan niệm cũ kĩ trong đầu người dân miền Nam nước Mỹ. Họ đẩy trách nhiệm đến trước mặt chính phủ. Tất cả những ai bị mất mát vì Việt Nam gần như đều quay nhìn chúng tôi, những nạn nhân, thật thông cảm.

Danny L.Jacks khi còn ở Việt Nam

* Hồi đó, ông từng nghĩ gì mỗi khi nhận lệnh công tác?

- Danny L.Jacks: Sau lần thoát chết ở Ba Tơ, 1969, đầu óc tôi trống rỗng khi bước lên trung tâm hành quân nghe thuyết trình, bay VR (thám sát mục tiêu trước) và nhiều lúc trong khi chuẩn bị lên đường. Tôi không muốn gặp người tôi tìm kiếm (tức bác sĩ Thùy Trâm). Tôi thực sự không muốn gặp bất trắc. Thời gian cạn dần theo tour phục vụ, tâm trạng ấy càng tăng lên. Tôi nhớ có lần nói lại với anh em trong toán rằng thiếu tá Perkin chê chúng ta vì cứ bị người con gái vi-xi ấy bỏ sau lưng hoài. Mà đâu chỉ một mình tôi mang tiếng, nhiều đơn vị bạn cũng đã để cô bác sĩ chạy thoát.

* Trở lại chuyện một cuốn sách bằng tiếng Anh về bác sĩ Trâm, theo ông nên như thế nào?

- Danny L.Jacks: Tất nhiên là công việc phải làm của những con người còn may mắn sống sót. Theo tôi, chuyện in ấn xuất bản không khó nhưng cái khó là phải thực hiện sao cho thuyết phục. Hình ảnh một người con gái có học vị, có chuyên môn, xung phong vào miền Nam chiến đấu, vượt gian khổ cứu giúp dân lành và chấp nhận hi sinh vì lí tưởng, tôi nghĩ, sẽ bay vượt lên trên tầm mắt của giới trẻ tại Mỹ. Riêng tôi rất tiếc, nếu ai đó cho tôi biết chuyện này sớm, tôi đã không bị PTSD giày vò.

* Ông có dự định trở lại thăm Việt Nam?

- Danny L.Jacks: Việt Nam thật may mắn có được những con người như cô Trâm sau khi cuộc chiến tàn. Gia đình cô ấy phải thật hãnh diện có một người con tuyệt vời như thế. Ngược lại, chúng tôi chỉ sản xuất những người anh hùng, theo nghĩa đen của nó - (Jacks nói như giễu cợt). Chẳng ai có huy chương "cứu người bội tinh" (Life-Saver Medal) trong thời chiến. Nghĩ lại buồn cười, hồi đó chúng tôi đã từng chạy theo đuôi tóc cô ấy. Tôi có kể chuyện này cho Steve Lemire - Americal LRRP, đang ở Alaska - nghe mấy hôm trước. Tay ấy vừa nghe vừa thở vừa lặp đi lặp lại sự ngạc nhiên. Đáng lẽ ra cô ấy không bao giờ chết mới đúng (Jacks ngừng). Những người ở quê hương các anh thật là rộng lượng. Họ thật rộng lượng. Việt Nam, ai lại không muốn đến!

Thư của Danny L.Jacks gửi phóng viên Báo Thanh Niên

Anh Đặng Ngọc Khoa thân mến,

Ký ức trong tôi luôn tràn ngập lòng khâm phục bác sĩ Trâm, một người được đồng đội vô cùng yêu mến. Cô ấy đã hiến dâng cả sự nghiệp và hi sinh cuộc sống riêng tư để phục vụ cách mạng. Là người đứng đầu nhóm Oregon, Co G.Rangers, tôi từng cố gắng bắt cô ấy nhưng đã thất bại vì cô ấy luôn được những người lính yêu mến chiến đấu tới cùng để bảo vệ. Mỗi ngày trong cuộc sống, tôi đều có những kí ức đẹp đẽ về Việt Nam. Mỗi khi khẽ nhắm mắt để cho những kỉ niệm cũ ùa về, tôi có thể cảm nhận được mùi vị của những cánh rừng ven Đức Phổ. Tôi có thể nghe tiếng cười của lũ trẻ. Tôi có thể nghe tiếng hát ngọt ngào của vùng đất này dù rằng tôi không hiểu ý nghĩa của những khúc ca đó. Tôi cũng có thể thấy những lão nông theo sau những con trâu kéo cày trên cánh đồng lúa. Những ký ức đó cứ tràn ngập trong tôi hàng giờ liền.

Tôi muốn cảm ơn anh vì đã giúp đăng bài viết của anh Lê Thành Giai, bạn thân của tôi. Tôi nghĩ anh Giai đã làm được một công việc tuyệt vời, đó là góp phần tôn vinh những cống hiến của cô Trâm và tình yêu của cô dành cho đất nước, để những giá trị đó còn mãi trong lịch sử Việt Nam.

Danny L.Jacks
Co G.Rangers

Những tấm lòng từ nước Mỹ

Đặng Thùy Trâm (ngồi, thứ hai từ trái sang)

Phóng viên Báo Thanh Niên là người sớm nhất đã gửi cho tôi 100 trang Nhật kí Đặng Thùy Trâm, bản dịch tiếng Anh của Robert Whitehurst. Sau 15 ngày, tôi thực hiện việc ghi lại tâm tình của một số người đã và đang đọc nó. Xin cùng nghe họ...

* Gary L.Klauenburch (Redwood city, California): "Tôi đọc vì tò mò, và bị cuốn hút vào từng trang của cuốn nhật kí của Thùy Trâm. Trong ấy, tôi thấy một con người trẻ tuổi có lí tưởng thật rõ ràng. Hồi trước, thú thật tôi không có được tính cách như vậy. Tôi đã phục vụ tại Đức Phổ 12 tháng. Tôi là chuyên viên xã hội của Trung đội 1 Đại đội 29 Dân sự vụ. Người dân Đức Phổ chắc có người còn nhớ tôi. Tôi không ngờ rằng địa phương đó nay đã trở thành một địa điểm lịch sử nhờ sự hi sinh của cô Thùy Trâm. Thật tiếc! Hồi đó, tôi có nghe loáng thoáng về người bác sĩ này. Tôi có gửi cho một vài người bạn cùng đọc... Theo tôi, rất nên làm một điều gì đó cho Đức Phổ. Tôi không phủ nhận công lao của người từng sở hữu cuốn nhật kí giá trị đó, tuy nhiên Fred và Hiếu đã chấm dứt vai trò lịch sử. Tôi tin rằng người Việt và người Mỹ đang cùng nhau nhìn về phía trước một cách tích cực hơn. Một cuốn sách hay một cuốn phim về người bác sĩ này là một việc đáng làm".

* Jacks Marcell (Johnston Rd, Arkansas): "Tôi đọc được đến trang số 36. Thật cảm động! Tôi có mail 100 trang nhật kí cho các bạn láng giềng. Đọc nhật kí của một nữ bác sĩ người Việt và bàn luận chung quanh những gì cô ấy đã làm được là đề tài cuối tuần của chị em chúng tôi. Tôi thật sự cảm phục. Thật khó tìm ra một người như vậy. Qua cô Trâm, tôi yêu mến phụ nữ Việt Nam. Các bạn của tôi cũng chia sẻ như vậy. Một vài người trong họ có người thân tử trận tại chiến trường Việt Nam. Tôi nghĩ nên có một cuốn nhật kí in ấn thật đẹp để thỉnh thoảng đọc đi đọc lại. Tôi là phụ nữ như cô ấy. Chẳng có ranh giới giữa chúng tôi. Người Mỹ và người Việt nên cùng nhau hợp tác làm một cuốn phim về cô bác sĩ".

* Độc giả thanhniennews.com.vn, gốc Việt 54 tuổi, xin giấu tên (Little Sai Gon, Orange County): "Tôi có quyền đọc gì thì đọc. Ai kiểm soát tôi! Nên nhớ, tôi đang ở một xứ sở tự do. Cái gì tốt nên khen, nên truyền bá, vì đó là nét văn hóa của người Việt. Tật câu nệ chỉ tồn tại trong những cái đầu đang bị những điều không tốt chế ngự. Anh nói sao về việc hàng ngàn người vẫn đi về Việt Nam như đi chợ! Liệu anh có ngăn nổi bà con gửi tiền về giúp thân nhân không? Hồi về Việt Nam, tôi đọc báo mỗi ngày. Báo viết chứ không phải báo dịch. Hãy cùng nhau tôn trọng cái đẹp, cái hay của bất kì chỗ nào, ở Mỹ và ở Việt Nam. Tôi đọc nhật kí của cô bác sĩ theo bản tiếng Anh. Một người bạn gửi từ Việt Nam cho tôi bằng e-mail. Hồi nào giờ mới có chuyện hay như vậy. Tôi công nhận hay và cảm động. Tôi cũng đọc báo ngày bản tiếng Việt. Mình có trọn quyền chọn lựa tin tức để đọc".

* Một cựu thông dịch viên Đệ nhất Sư đoàn kị binh không vận (Santa Anna, California): "Theo dõi các bài viết về hoạt động của bác sĩ Thùy Trâm, về hoạt động của ông Danny L.Jacks, theo tôi, đây là phần lịch sử giúp cho chúng ta nhìn lại và suy nghĩ... Mọi người đã mở rộng vòng tay để đến với nhau. Đài Phát thanh Bắc Cali có đưa tin về sự kiện Thùy Trâm. Báo Mỹ có đưa tin về bác sĩ Thùy Trâm. Trên net, tôi đọc được nhiều website có đề cập đến cái tên Thùy Trâm. Nhật kí của Đặng Thùy Trâm, có phải đây là một thông điệp hòa bình ?...".

L.T.G

Lê Thành Giai
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.