Đòn thử từ Nga

18/12/2008 23:31 GMT+7

Nếu thông tin từ giới truyền thông Nga là chính xác, cuộc thử thách đầu tiên của ông Obama đã dần hình thành và hầu hết đều xuất phát từ Nga.

Theo thông tấn xã RIA-Novosti hôm 17.12, Nga đang trong tiến trình thực hiện hợp đồng bán hệ thống tên lửa chiến lược phòng không tầm trung      S-300 cho Tehran. Phiên bản hiện đại nhất của S-300 có thể phát hiện và bắn hạ mục tiêu từ khoảng cách 120 km. Những lời đồn đoán xung quanh cuộc chuyển giao vũ khí S-300 này không mới, nhưng lần này nguồn tin tuyệt mật của RIA-Novosti đã khẳng định tin tức trên, diễn ra sau khi “Moscow đã hoàn thành cam kết cung cấp hệ thống Tor-M1 cho Iran”. Tor-M1 là hệ thống tên lửa tầm ngắn đất đối không.

Hãng tin trên cũng dẫn lời ông Alexander Fomin, thuộc bộ phận chịu trách nhiệm xuất khẩu quốc phòng Nga, cho biết: “Sự hợp tác quốc phòng và kỹ thuật của Nga với Iran có ảnh hưởng tích cực đối với sự ổn định của khu vực”. Theo hãng tin Reuters, “hợp tác quốc phòng và kỹ thuật” là cụm từ chính thức được Nga sử dụng khi đề cập đến các vụ buôn bán vũ khí, khiến Mỹ và Israel như đang ngồi trên đống lửa.

Trong khi đó, Nga đã tỏ ra cứng rắn hơn trên bàn đàm phán về vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông u, chờ đợi phản ứng đầu tiên của ông Obama. Chính phủ Nga có vẻ như đang thử thách lòng can đảm của tân Tổng thống Mỹ, không những về vấn đề tên lửa mà còn ở các mặt khác, hãng tin AFP dẫn lời nhận xét của John Rood. Ông là người đứng đầu phái đoàn đàm phán với Nga về một loạt các vấn đề, trong đó có vụ điều đình tìm một hiệp ước thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START, sẽ hết hiệu lực vào tháng 12.2009. Trong khi tỏ ra không nhượng bộ về vấn đề lá chắn tên lửa, Nga yêu cầu Mỹ mở rộng phạm vi giới hạn sang các vũ khí chiến lược như oanh tạc cơ tầm xa và tàu ngầm trong nội dung của START mới, còn Mỹ chỉ muốn cắt giảm đầu đạn hạt nhân.

Trong lúc giới ngoại giao Moscow kéo dài các cuộc đàm phán với Washington, đến lượt mình, hải quân Nga đã tìm cách “áp sát” đối phương khi các tàu chiến nước này tiếp tục lượn lờ xung quanh khu vực sân sau của Mỹ sau khi đi qua kênh đào Panama vào ngày 7.12, lần đầu tiên kể từ năm 1944. Dù Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice phản ứng điềm tĩnh khi chứng kiến tàu khu trục Admiral Chabanenko di chuyển qua kênh đào trên, hành động của Nga được xem là cách họ phô diễn sức mạnh tại khu vực sân sau của Mỹ, nhằm trả đũa việc Washington ủng hộ Georgia, Ukraine... Người Nga đã hết sức không hài lòng khi Mỹ quyết định gửi tàu chiến đến Biển Đen thực hiện sứ mệnh cứu trợ nhân đạo cho Georgia sau chiến tranh với Nga hồi cuối tháng 8. Chưa hết, vào ngày mai (theo giờ VN), 1 tàu khu trục và 2 tàu hộ tống của Nga sẽ đến thăm chính thức Cuba. Và không chỉ có hải quân Nga mới phô diễn tại phương Tây. Vào tháng 9, 2 chiếc oanh tạc cơ Tu-160 đã đáp  xuống Venezuela, lần hạ cánh đầu tiên tại Tây bán cầu của không lực Nga kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Những diễn biến trên xảy ra dồn dập trong lúc ông Obama nhậm chức tổng thống trong chưa đầy 1 tháng nữa. Điều này có nghĩa là tân tổng thống bị dồn vào thế phải phản ứng nhanh trước các đòn thử từ Moscow. Xét về mặt quân sự hay chính trị, hành động của Nga đều có ý nghĩa quan trọng. Nếu án binh bất động, ông Obama sẽ bị đánh giá là “yếu đuối”; nếu đáp ứng yêu cầu của Nga, ông sẽ bị xem là người hay nhân nhượng; còn nếu làm to chuyện, hoặc có phản ứng về quân sự, ông sẽ bị đánh giá là quá hiếu chiến. Hiện mọi cặp mắt đều đổ dồn về Nhà Trắng và chờ đợi phản ứng đầu tiên của ông chủ mới.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.