Lạc vào biển hải tặc

28/12/2004 21:53 GMT+7

Kỳ 3: Từ kịch bản khủng bố đến những vụ bắt cóc Cướp một chiếc tàu, cài chất nổ lên đó rồi lao vào bến cảng. Đó là một trong những kịch bản mà bọn khủng bố có thể sử dụng tại Malacca.

Những kịch bản khủng bố

Tháng 10/2002, khi chiếc tàu chở dầu Limburg bị hải tặc bắn cháy ngoài khơi Yemen, các hãng bảo hiểm đã phải chi hàng triệu USD để bồi thường cho chủ tàu và môi trường vùng cảng gần đó. Từ bi kịch Limburg, người ta có thể hình dung ra những kịch bản mà bọn khủng bố có thể áp dụng tại một eo biển như Malacca. Chúng có thể cướp các tàu chở dầu, hóa chất hoặc khí đốt thiên nhiên rồi đục thủng khoang chứa cho hóa chất loang ra biển hoặc cài chất nổ trên tàu rồi lao thẳng vào bến.

Trong khi khủng bố trên biển mới chỉ là nguy cơ, sự gia tăng nạn hải tặc tại Malacca thực sự đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp. Vì sợ hải tặc, nhiều tàu thuyền không dám đi vào "eo biển chết" mà chọn con đường vòng xuống vùng biển phía nam đảo Sumatra rồi sau đó vượt qua eo Sunda giữa Sumatra và đảo Java của Indonesia. Với hải trình này, các tàu sẽ mất thêm 3 hoặc 4 tuần; các công ty đặt hàng do đó sẽ phải chờ thêm chừng ấy thời gian. Điều đáng nói là khi tránh Malacca, các tàu chưa chắc đã có một hành trình an toàn bởi eo Sunda cũng là nơi mà nạn hải tặc luôn ở mức báo động. Bên cạnh việc cướp tàu, hải tặc ở Malacca gần đây còn tỏ ra hung hãn hơn bao giờ hết. Chúng sẵn sàng nhả đạn vào những người chống cự và lực lượng an ninh. Bắt cóc tống tiền cũng là một "ngành kinh doanh" mà bọn cướp biển đặc biệt chú trọng. Hồi tháng 10, 4 thủy thủ Indonesia đã bị bắt cóc khi chiếc tàu kéo của họ đang lênh đênh trên biển Malacca. Cho đến nay, 2 trong số họ vẫn còn mất tích. Trước đó 9 tháng, 4 thủy thủ Indonesia cũng bị bắt cóc ngoài khơi đảo Sumatra và bị giết sau khi cuộc thương lượng giữa quân bắt cóc và chủ tàu đổ vỡ. "Chúng ta cần phải hành động ngay lập tức trước khi vòi bạch tuộc của bọn hải tặc vươn dài ra", Noel Choong - Giám đốc Trung tâm Điều tra hải tặc của IMB tại Malaysia - bày tỏ quyết tâm.

Vụ bắt cóc Teh Chor Joo

Trong khi ông Choong mới đưa ra lời cảnh báo về những nguy cơ, anh ngư dân người Malaysia Teh Chor Joo cho rằng con bạch tuộc đó thực sự đã vươn vòi của mình ra khắp nơi. Teh không thể nào quên cái đêm tháng 6 ma quỷ đó. Khi đang lái chiếc thuyền gỗ dài 9 mét ở vùng biển phía tây bán đảo Malaysia trong chuyến câu tôm thường lệ, Teh phát hiện một chiếc thuyền cao tốc ở phía sau. Chiếc thuyền lao tới chỗ Teh với một tốc độ chóng mặt. Qua ánh đèn pha, Teh ngỡ rằng những kẻ lăm lăm súng ống trên chiếc thuyền kia là cảnh sát tuần tra. Tuy nhiên, sau khi lượn vài vòng quanh thuyền Teh, chúng bắt đầu bắn lên trời những loạt đạn hú họa. Tất cả bọn chúng đều khá trẻ, độ 25 tuổi, mặt mày trông dữ tợn chẳng khác gì những băng đảng trong phim Hollywood. Một vài kẻ quấn khăn rằn sặc sỡ quanh đầu và tất cả đều mang tiểu liên bán tự động. Một số còn đeo thêm súng phóng lựu. Sau một hồi thị uy, bọn hải tặc bắt Teh lên tàu theo chúng rồi ra lệnh cho người em của Teh lùi thuyền lại: "Hãy trở về nhà sớm. Bọn tao sẽ gọi điện cho mày. Nên nhớ, trong mọi trường hợp im lặng luôn là vàng”. Sau khi lọt vào tay bọn hải tặc, Teh bị đưa tới một khu rừng mà anh cho rằng nó nằm đâu đó trên đảo Sumatra. Ban ngày, bọn cướp giam Teh giữa rừng và ban đêm lại chuyển anh tới một khu rừng khác. Ngày cũng như đêm, bóng tối luôn bao trùm trên đầu chàng ngư phủ hiền lành người Malaysia. Anh dường như không tin sẽ có ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình. Cho đến một buổi sáng khi đang thiêm thiếp ngủ sau một đêm lội rừng, Teh bị đẩy xuống thuyền. Bọn bắt cóc xô chiếc thuyền nan ra giữa dòng nước, họng súng của chúng chĩa thẳng vào đầu Teh. Anh nhắm mắt chờ đợi bàn tay của thần chết. Thế nhưng, bàn tay ấy đã không tìm tới anh. Khi chiếc thuyền đã khá xa bờ, Teh nhỏm dậy và ngoái lại. Đến lúc chắc chắn đã ra khỏi tầm đạn của bọn bắt cóc, anh bắt đầu kêu cứu và được một chiếc tàu đánh cá đưa vào bờ. Đến bây giờ, Teh không hiểu tại sao anh có thể trở về an toàn trong khi gia đình của anh luôn khẳng định rằng họ chưa hề đưa tiền chuộc cho bọn bắt cóc.

Câu chuyện của Teh đã tạo nên một làn sóng sợ hãi khắp ngôi làng Kuala Sepetang của anh. "Đây là lần đầu tiên ngư dân tại vùng này bị bắt cóc. Bọn hải tặc đã thực hiện hành động của mình quá ngang nhiên, cứ y như là bế đi một đứa trẻ ngay trong nhà người ta vậy", Chua Tiong San - một quan chức địa phương - nói và trong ánh mắt ông, vẻ chua xót lộ rõ. Không chua xót sao được khi đã mấy tháng trôi qua mà người dân Sepetang vẫn chưa hết sợ hãi; họ cứ để thuyền đánh cá của mình nằm dài trên bãi cát. Vùng biển Malacca từng nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây, giờ lại trở thành một nơi đầy những hiểm họa rình rập.

Đỗ Hùng
(Theo Time)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.