Gốm sứ Việt lên tiếng trên truyền hình Hà Lan

25/10/2009 23:39 GMT+7

3 tập phim truyền hình (45 phút/tập) do một bảo tàng Hà Lan “đặt hàng” đã kể lại câu chuyện của chiếc bình sứ Việt lưu lạc từ châu Á sang Hà Lan.

Năm 2009, Viện Bảo tàng Zeeuws thực hiện dự án khám phá ý nghĩa đóng góp của các địa phương Hà Lan trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Thông điệp được đưa ra là: “Lịch sử hình thành và phát triển các bộ sưu tập của viện bảo tàng - và, làm thế nào để có thể truyền cảm xúc cho người xem?”. Viện bảo tàng đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các nghệ sĩ cũng như các nhà thiết kế: Phải làm gì để trưng bày bộ sưu tập của mình theo cách mới nhất và được cộng đồng chấp nhận? Làm thế nào để có thể truyền cảm xúc cho người xem một cách tốt nhất?...

Để buộc các hiện vật trưng bày trong bảo tàng phải lên tiếng một cách thuyết phục, từ những cổ vật và những thông tin có được về lai lịch của chúng, bảo tàng Hà Lan nói trên đã “đặt hàng” một bộ phim truyền hình VN, với nội dung kể lại một huyền thoại về những đồ sứ Việt đang được trưng bày tại bảo tàng.

 Câu chuyện trở nên rất thu hút khán giả khi những tình tiết kỳ bí trong lịch sử Hà Lan được lồng ghép vào một bộ phim truyền hình Việt. Sắp tới, Mảnh ghép cuộc đời sẽ được xếp lịch chiếu để xuất hiện trên truyền hình Hà Lan. 

Ông Rasmus Nielsen, Giám đốc sản xuất đồng thời là thành viên nhóm Superflex

Mảnh ghép cuộc đời

Viện bảo tàng đã chuyển những câu hỏi đến nhóm nghệ sĩ Superflex (Đan Mạch) khi nhóm đang tiến hành nghiên cứu cuộc đấu giá những đồ gốm sứ mang về từ Middelburg trên con tàu Bồ Đào Nha mang tên San Jago bị cướp ở vùng biển của Ý năm 1602. Vụ cướp tàu San Jago là sự kiện đánh dấu thời kỳ đầu phồn thịnh của Middelburg, cũng là một trong những giai đoạn phồn thịnh nhất trong lịch sử Hà Lan. Từ những nghiên cứu của mình, nhóm Superflex đã nảy sinh ý tưởng để làm bộ phim Mảnh ghép cuộc đời. Họ đã liên hệ với The Propeller Group (Công ty phát triển ý tưởng và sản xuất ở VN, với những nhà làm phim quen tên như Tuấn Andrew Nguyễn, Hà Thúc Phù Nam). Dù bắt nguồn từ chính ý tưởng của những người Đan Mạch và Hà Lan, thế nhưng Mảnh ghép cuộc đời vẫn được viết cho cả khán giả Việt, với dàn diễn viên Việt (trừ những nhân vật thực dân do chính các nghệ sĩ của bảo tàng hoặc của nhóm Superflex thủ vai).

Đường dây dẫn dắt chuyện phim chính là câu chuyện về chiếc bình gốm từng được vận chuyển trên con tàu San Jago vào năm 1602, một sự kiện lịch sử có thật. Hai nhân viên của Bảo tàng Zeeuws đã mang chiếc bình quý sang VN trong một chiếc va-li được bảo vệ nghiêm ngặt. Để đảm bảo an toàn cho chiếc bình đã có tuổi thọ vài thế kỷ, đoàn làm phim đã cho nhân bản chiếc bình thành 50 phiên bản khác, được làm bởi tay nghề của những người thợ gốm sứ VN ngày nay, để sử dụng trong suốt quá trình thực hiện phim. Điều khiến những người bạn nước ngoài sửng sốt là 50 chiếc bình phiên bản đều giống chiếc bình cổ quý giá ở mức đáng kinh ngạc.

Mảnh ghép cuộc đời (Porcelain) được sản xuất tại VN, do đạo diễn Thiện Đỗ, Trần Thị Bích Ngọc và Tuấn Andrew Nguyễn thực hiện, kinh phí khoảng 100.000 USD; đã tham gia triển lãm nghệ thuật của nhóm nghệ sĩ Đan Mạch Superflex, tổ chức tại Viện Bảo tàng Zeeuws ở Middelburg, Hà Lan.

“Chiêu” thu hút giới trẻ

Từ tháng 10.2009, bộ phim cùng các đạo cụ, phục trang được sử dụng trong quá trình làm phim đã được Superflex trưng bày dưới dạng nghệ thuật sắp đặt trong một cuộc triển lãm của họ, tổ chức tại Viện Bảo tàng Zeeuws. Sau cuộc triển lãm, toàn bộ tác phẩm sắp đặt này cũng sẽ trở thành một phần trong bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Zeeuws với mục đích xây dựng mối liên hệ gần giữa nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và hiện tại - theo cách truyền thống nhưng vẫn rất độc đáo - để thu hút giới trẻ đến với bảo tàng.

Ông Rasmus Nielsen, Giám đốc sản xuất đồng thời là thành viên nhóm Superflex, cho biết: “Việc công chiếu bộ phim Mảnh ghép cuộc đời và cuộc triển lãm những hiện vật bao gồm các món đồ cổ, trang phục được sử dụng trong bộ phim đã được đón nhận rất nồng nhiệt ở Hà Lan. Câu chuyện trở nên rất thu hút khán giả khi những tình tiết kỳ bí trong lịch sử Hà Lan được lồng ghép vào một bộ phim truyền hình Việt. Sắp tới, Mảnh ghép cuộc đời sẽ được xếp lịch chiếu để xuất hiện trên truyền hình Hà Lan”.

Ý tưởng dùng điện ảnh phục vụ cho cổ vật trưng bày ở bảo tàng, cho chúng một đời sống phong phú hơn qua sự sắp đặt mang tính nghệ thuật, là một biện pháp rất thuyết phục, bởi nó làm tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn cho các đồ vật tưởng như vô tri, từ lâu vẫn lặng lẽ có mặt ở các bảo tàng.

Cát Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.