Nhà trường "đi tìm" doanh nghiệp

29/10/2007 22:33 GMT+7

Ước tính cả nước còn thiếu tối thiểu từ 1,4 triệu đến 1,6 triệu lao động qua đào tạo nghề.

Đào tạo không theo kịp nhu cầu

Con số trên được đưa ra tại hội thảo về "Đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu doanh nghiệp" hôm 28.10. Theo khảo sát của Tổng cục Dạy nghề ở gần 3.000 doanh nghiệp, có khoảng 53% số doanh nghiệp hiện đang thiếu hụt khoảng 7% số lao động. Với quy mô bình quân 150 lao động/doanh nghiệp thì trung bình 1 doanh nghiệp có nhu cầu thêm 11 lao động, trong đó có đến 60% là lao động qua đào tạo nghề, nghĩa là mỗi doanh nghiệp cần thêm 6 - 7 lao động qua đào tạo nghề. Hiện cả nước có 234.000 doanh nghiệp, nếu tính ra sẽ còn thiếu tối thiểu từ 1,4 triệu đến 1,6 triệu lao động qua đào tạo nghề. 

Như vậy, với nhịp độ phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp như hiện nay, việc đào tạo nghề mặc dù được coi là rầm rộ đến mức tràn lan, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Điều đó cho thấy giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn thiếu sự liên kết hợp lý để đào tạo ra những lao động mà xã hội cần. Đơn cử khi Intel khảo sát trình độ của 359 sinh viên của một trường ĐH ở Đà Nẵng, thì chỉ có 10% trong số đó đạt tiêu chuẩn mà Intel đề ra.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tổng nhu cầu thêm về lao động qua đào tạo nghề đến năm 2010 sẽ là 8 triệu. Một số nghề/nhóm nghề đang có nhu cầu cao về lao động là thợ dệt, may, thợ thuộc da và làm giày, thợ vận hành máy và thiết bị, thợ cơ khí, lắp ráp máy móc... Tuy nhiên chưa có một số liệu dự báo nhu cầu cụ thể nào được phổ biến cho xã hội biết. Vẫn còn nhiều bạn trẻ chạy theo những ngành nghề "thời thượng" mà tỷ lệ có việc làm ngay lại rất khó như Luật, Công nghệ thông tin... do chưa có hiểu biết về nhu cầu thực tế của xã hội.

Mối liên hệ của "tam giác vàng"

Đó là một mô hình hết sức cần thiết: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp tạo nên "tam giác vàng" trên tiêu chí bám sâu vào thực tế để đào tạo mà Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đưa ra trong hội thảo. Việc bắt tay với doanh nghiệp trên thực tế đã có nhiều trường làm rất tốt như ĐH Bách khoa, ĐH Công nghiệp TP.HCM, CĐ Nguyễn Tất Thành, CĐ Nghề Lilama 2, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM... Ông Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng trường CĐ Nghề Lilama 2 cho biết trường đã có nhiều ký kết đào tạo theo địa chỉ, xuất khẩu lao động sang nhiều nước như Malaysia, Nhật, Trung Quốc... Hiện, trường cũng đào tạo 1.000 sinh viên theo tiêu chuẩn Hàn Quốc để cung cấp nhân lực cho công trình lọc dầu Dung Quất. Trường ĐH Giao thông vận tải thì ký kết với các tập đoàn cảng biển của Hà Lan và các nước châu u khác để  cung cấp nguồn lao động với mức lương khởi điểm lên tới 1.800 đô la...

Trong buổi hội thảo, lễ ký kết 20 văn bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GD-ĐT, 10 trường ĐH, cao đẳng khu vực phía Nam với 20 doanh nghiệp diễn ra dường như đã khẳng định một hướng đi đúng. Đáng kể là ĐH Lạc Hồng ký kết với 5 doanh nghiệp và sắp tới còn ký kết với hơn 20 doanh nghiệp nữa. Ông Nakagawa Hidehiko - đại diện Công ty truyền thông Internet Service Nhật Bản - doanh nghiệp ký kết với trường CĐ Nguyễn Tất Thành nhận định: "Tôi cảm nhận được bạn trẻ Việt Nam rất tự tin và có năng lực. Trong thời gian tới khi TP.HCM có những công trình tàu điện ngầm, chúng tôi sẽ xúc tiến quan hệ với các đối tác Nhật Bản để đào tạo các kỹ thuật viên sửa chữa, bảo trì tàu điện ngầm trong tương lai".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương): Phải gấp rút đào tạo lao động có kỹ thuật cao


Ảnh: N.Q

Mặc dù tốc độ tăng trưởng của chúng ta trong thời gian qua có cao hơn trước nhưng thu nhập bình quân đầu người và xếp hạng GDP còn ở mức độ khiêm tốn, xếp vào 1/3 các nước thấp trên thế giới. Đến năm 2020 muốn VN trở thành một nước có nền kinh tế cơ bản công nghiệp hóa thì tỷ lệ nông dân phải giảm rất nhiều, do vậy phải chuyển đổi khoảng 20 triệu nông dân sang làm nhiệm vụ khác. Đây là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, số nông dân còn lại cũng phải theo những chuẩn mực theo hướng công nghiệp hóa của thế giới chứ không phải như nông dân VN "tự do nhất thế giới, muốn trồng gì thì trồng" như hiện nay.

Tuy lượng xuất khẩu chúng ta có tăng nhưng đa số mặt hàng xuất khẩu của chúng ta đều sơ chế (hơn 60% hàng xuất khẩu là nguyên liệu thô) với giá trị rất thấp. Đơn cử, muốn kiếm 500 USD, chúng ta phải xuất khẩu đến 3 tấn gạo và 2 tấn tôm với chi phí quá lớn, trong lúc Nhật Bản chỉ cần 1 máy ảnh kỹ thuật số (nặng khoảng 500 gr), Mỹ xuất khẩu 1 phần mềm (khoảng 200 gr). Do đó cần phát triển công nghiệp chế biến với mức độ cao hơn: dầu thô cần được chế biến để ra những sản phẩm cao cấp hơn, cà phê hạt được  chế biến thành cà phê hòa tan; gạo thành bún, phở, mì ăn liền... Dứt khoát ngành giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ phải thay đổi, góp phần chủ yếu để đào tạo ra những lao động có kỹ thuật cao. Chúng ta không thể mãi phát triển theo chiều rộng với nguyên liệu thô, mà phải chú ý nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thị trường, phải chú trọng đào tạo các ngành khoa học cơ bản để tạo sự chuyển biến về chất lượng và lâu bền.

PGS-TS Phan Thanh Bình (Giám đốc ĐHQG TP.HCM): Đưa doanh nghiệp vào hội đồng trường


Ảnh: N.Q

Chúng tôi dự định cơ cấu lại thành phần hội đồng trường sẽ có 40% là thành phần ở ngoài trường, trong đó 20% là các doanh nghiệp. Bước đầu, có thể các thầy và các nhà doanh nghiệp chưa hiểu nhau nhiều, nhưng tôi tin rằng khi cùng ngồi làm việc với nhau thì dần dần sẽ đem lại hiệu quả tốt, người học sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác này. Ngoài ra, chúng tôi tập trung xây dựng Khu công nghiệp phần mềm, xem đây như môi trường giao thoa, đưa các doanh nghiệp về làm việc với trường ĐH, các bộ môn phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp. Có "cọ xát" như vậy, các thầy ở các trường ĐH sẽ gắn bó với thực tế thị trường hơn, từ đó mới truyền đạt đầy đủ yêu cầu của xã hội đến với học trò của mình.

Tiến sĩ Trần Hành (Hiệu trưởng trường ĐHDL Lạc Hồng): Sinh viên ra trường phải có việc làm


Ảnh: N.Q

Là một trường dân lập, nên ý thức rất rõ một điều là nếu sinh viên tốt nghiệp mà không có việc làm thì sẽ rất khó tuyển sinh. Vì vậy chúng tôi thường xuyên tiếp xúc và liên kết với các doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời các yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực, tổ chức nhiều hội thảo để gắn chương trình đào tạo sát hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp. Trong quá trình liên kết này, trường là đơn vị chuyển giao các công trình nghiên cứu khoa học, những dây chuyền tự động hóa để ứng dụng vào thực tế sản xuất khá tốt. Đồng Nai là một tỉnh có nền kinh tế năng động và hợp tác rất tốt với trường nên việc thực hành, thực tập cho các sinh viên ở các công ty xí nghiệp được tiến hành rất thuận tiện và đem lại hiệu quả cao, nâng cao tay nghề cho sinh viên. Nhờ có mối quan hệ này, sinh viên của trường khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp nhận vào làm việc với một tỷ lệ rất cao.

Nhựt Quang (ghi)

   Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.