Khẩn trương đầu tư cho giao dịch từ xa

18/10/2008 22:57 GMT+7

Các công ty chứng khoán đang khẩn trương đầu tư phát triển hệ thống giao dịch từ xa cho nhà đầu tư khi từ tháng 12.2008, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ chính thức triển khai giao dịch không sàn song song với phương thức đại diện nhập lệnh như hiện nay.

Đầu tư hàng triệu USD

Giữa tháng 9 vừa qua, HOSE đã tiến hành đợt thử nghiệm lần 1 với 25 công ty chứng khoán (CTCK) về hệ thống giao dịch tự động. Hệ thống này cho phép các lệnh mua, bán chứng khoán của nhà đầu tư từ các CTCK được chuyển thẳng vào hệ thống giao dịch của HOSE. Kết quả đợt thử nghiệm cho thấy một số công ty vẫn chưa đạt yêu cầu. Theo kế hoạch, đợt thử nghiệm thứ 2 sẽ diễn ra từ nay đến ngày 15.11 và sau đó HOSE sẽ báo cáo kết quả lên Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Những công ty đáp ứng được yêu cầu và thử nghiệm thành công sẽ được giao dịch không sàn vào tháng 12, những công ty còn lại sẽ tiếp tục tham gia thử nghiệm.

Từ năm 2007 đến nay,  các CTCK đã bắt đầu đưa vào sử dụng hạ tầng CNTT mới với phần mềm và phần cứng được đầu tư đồng bộ. Đầu tháng 9 vừa qua, CTCK TP.HCM (HSC) chính thức khai trương “Trung tâm Giao dịch khách hàng cá nhân” với khoảng 100 máy tính được  đặt ở trụ sở và các chi nhánh, điểm giao dịch của HSC trên toàn quốc.  Toàn bộ giải pháp về công nghệ như phần mềm giao dịch qua internet (Vi-Trade) và cổng thông tin đa chức năng (VIS) đều do Công ty AFE Solutions (Hồng Kông) cung cấp. Dù con số đầu tư chính xác cho hệ thống CNTT mới này chưa được công bố, nhưng theo ước tính của giới chuyên môn, giá của nó không dưới 1 triệu USD. Với CTCK Kim Eng Việt Nam thì nhờ có lợi thế công nghệ từ tập đoàn mẹ, ngay từ đầu, Kim Eng Việt Nam đã đầu tư hệ thống CNTT bài bản. Ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc CTCK Kim Eng Việt Nam, cho biết sau khi khảo sát, công ty đã chọn lựa phần mềm mà CTCK Kim Eng Thái Lan đang sử dụng vì nó tương tự với thị trường Việt Nam. Không tính chi phí phần mềm, chỉ tính riêng đầu tư phần cứng tại Kim Eng Việt Nam cũng khoảng 600.000 USD. HSC và Kim Eng Việt Nam là hai công ty đã đáp ứng được điều kiện về cơ sở hạ tầng khi HOSE chạy thử quy trình giao dịch không sàn.

Qua tìm hiểu ở một số CTCK khác, mức đầu tư cho hệ thống CNTT mới gồm phần mềm và phần cứng để có thể đáp ứng được yêu cầu giao dịch không sàn của HOSE đa số ở mức từ 1 triệu – 1,5 triệu USD/CTCK. Hầu hết CTCK chọn mua phần mềm từ Thái Lan, Úc, Hồng Kông... do các hệ thống phần mềm này đang được sử dụng để phục vụ giao dịch chứng khoán tại các thị trường trên, các công ty bán phần mềm có nhiều kinh nghiệm xử lý các sự cố nếu có.

Tiện lợi nhưng vẫn phải chờ

Cùng với việc giao dịch không sàn giữa HOSE và các CTCK, xu hướng giao dịch chứng khoán trực tuyến cũng đang được đẩy mạnh dành cho nhà đầu tư. Nhiều CTCK đã bắt đầu cung cấp dịch vụ này và số lượng nhà đầu tư tham gia cũng đang tăng lên dù chưa nhiều. Vấn đề là hiện giao dịch qua mạng của các CTCK chỉ đơn thuần giống như nhà đầu tư gửi một e-mail thông báo việc đặt lệnh với khối lượng chứng khoán và giá mua/bán cho CTCK. Sau đó, CTCK phải xử lý lệnh bằng tay thông qua đại diện giao dịch tại sàn. Vì vậy các CTCK cho rằng chỉ khi nào việc giao dịch không sàn giữa các CTCK với HOSE hoàn tất thì giao dịch trực tuyến dành cho nhà đầu tư mới có thể diễn ra tự động theo đúng nghĩa của nó. Lúc đó lệnh giao dịch của nhà đầu tư sẽ đi thẳng vào hệ thống nhận lệnh của HOSE, không cần phải qua bước xử lý thủ công của CTCK nữa.

Chính vì lý do đó mà theo ông Lê Minh Tâm, CTCK Kim Eng Việt Nam dù đã thực hiện được dịch vụ giao dịch trực tuyến nhưng chưa thể triển khai mạnh. “Việc giao dịch online của nhà đầu tư hiện nay chưa có tác dụng nhiều. Trong khi xu hướng chung của các thị trường khác là nhà đầu tư chỉ giao dịch online và rất hiếm đến sàn của CTCK”, ông Tâm nói. Đồng quan điểm trên, ông Johan Nyvene – Tổng giám đốc CTCK HSC, cũng cho rằng nhà đầu tư cá nhân sẽ giao dịch từ xa thay vì đến CTCK để đặt lệnh trực tiếp. Tất nhiên chỉ khi nào nhà đầu tư cảm thấy an tâm về tính an toàn cho giao dịch của mình thì khi đó việc giao dịch sẽ diễn ra mạnh hơn.

Theo HOSE, phương thức giao dịch không sàn sẽ khắc phục một số hạn chế như giải quyết được tình trạng "thắt cổ chai" trong khâu nhập lệnh; đồng thời giúp tăng tính thanh khoản, việc hủy và sửa lệnh sẽ giảm, loại trừ yếu tố cạnh tranh do tác động của con người. Về phía nhà đầu tư, sẽ có nhiều tiện lợi như các giao dịch được thực hiện nhanh chóng, bảo mật, không phụ thuộc vào nhân viên môi giới, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch. Mặt khác, khi tiến hành giao dịch không sàn, phần mềm tự động sẽ kiểm tra tính hợp lý của lệnh, tự động đóng gói dữ liệu, không có sự phân biệt lệnh lớn, lệnh nhỏ, nhà đầu tư hoàn toàn bình đẳng trong việc đặt lệnh.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ông Johan Nyvene đề nghị HOSE nên mở đường truyền và bán cho CTCK theo nhu cầu thực tế của mỗi công ty. Những CTCK có số lượng lệnh giao dịch hằng ngày lớn sẽ mua lại đường truyền có dung lượng lớn.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.